Theo y học cổ truyền phương Đông, quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: sâm, nhung, quế, phụ. Quế có vị ngọt, cay và mùi thơm đặc. Quế được xem là thảo dược chứa nhiều thành phần dinh dưỡng nhất. Vị của vỏ quế là cay the, được sử dụng nhiều trong pha chế đồ uống và nguyên liệu đồ ăn. Đặc biệt, vào mùa đông trà quế được xem như một loại thức uống có công dụng hiệu quả, tốt cho sức khỏe, nhất là công dụng làm ấm cơ thể cho những ngày giá lạnh.
Sự ấm áp, hương thơm ngọt ngào của quế là không thể nhầm lẫn với bất kỳ loại thảo dược nào khác. Quế là một loại hàng hóa quý giá mà được giao dịch rộng rãi trên khắp thế giới cổ đại và hiện đại. Người ta dùng quế từ rất lâu đời để làm thuốc chữa bệnh, làm hương liệu trong nhiều ngành sản xuất.
Người Ai Cập cổ đại đã đánh giá cao và dùng quế như là một thành phần thiết yếu trong hỗn hợp hương liệu để ướp xác. Tại Roma vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên, quế có giá trị rất cao, chỉ có những người rất giàu có ở thời trung cổ châu Âu có thể đủ khả năng sử dụng loại hàng hóa đắt tiền này. Càng về sau quế mới trở nên phổ biến hơn và có giá cả phải chăng, phù hợp với nhiều tầng lớp xã hội.
Ở nước ta, quế tự nhiên hiện còn rất ít, chủ yếu là quế trồng, tại Văn Yên, Yên Bái và vùng núi phía Tây Thanh Hóa vẫn còn một số cây quế tổ, tồn tại lâu năm, có giá trị cao đối với truyền thống văn hóa và làm dược liệu chữa bệnh.
Trà quế được chế biến từ vỏ quế khô, có tính nóng và có tác dụng làm ấm cho cơ thể. Trà quế có vị ngọt, cay dễ uống nên được nhiều người yêu thích.
Loại trà này là nguồn cung cấp dồi dào kali, mangan, canxi, magie, kẽm, sắt và chất chống oxy hóa. Các chất dinh dưỡng này giúp giảm huyết áp, lượng đường trong máu, ngăn ngừa ung thư và hàng loạt lợi ích thần kỳ khác.
Trà quế với cholesterol
Nghiên cứu được công bố vào tháng 9/2013 trên Annals of Family Medicine đã kết luận rằng: Sử dụng quế từ 120mg đến 6gr mỗi ngày làm giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu) và triglycerid, đồng thời làm tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt). Nghiên cứu này đã xem xét các thử nghiệm ngẫu nhiên trước đó về tác dụng của quế với mức đường huyết và lipid.
Trà quế với tác dụng chống oxy hóa
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho rằng các chất chống oxy hóa tự nhiên trong thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư. So với một số loại thảo mộc và gia vị giàu chất chống oxy hóa, quế có hàm lượng chất chống oxy hóa cao thứ ba - chỉ sau đinh hương và hạt tiêu Jamaica.
Một nghiên cứu được tiến hành để đánh giá hoạt tính chống oxy hóa của chiết xuất quế được công bố vào năm 2010 trên Tạp chí dinh dưỡng xác định rằng quế ngăn chặn quá trình oxy hóa hiệu quả hơn chất chống oxy hóa tổng hợp BHT.
Tăng sức đề kháng cho cơ thể
Trong quế có chứa một hàm lượng lớn các chất chống oxy hóa như polyphenol, proanthocyanidins giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể con người.
Nếu dùng trà quế thường xuyên còn giúp cơ thể bạn có thể kháng lại được sự sâm nhập của các virus, vi khuẩn có hại đi vào cơ thể.
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Tạp chí Diabetes Care từng có nghiên cứu vào tháng 12/2003.Kết quả được thử nghiệm trực tiếp trên 60 người mắc bệnh tiểu đường type 2. Họ chia 60 người ra thành 6 nhóm nghiên cứu. 3 nhóm đầu được cho dùng quế từ 1 đến 6gr quế mỗi ngày. Còn 3 nhóm kia thì dùng giả dược.
Sau khoảng 40 ngày được kiểm tra. Kết quả cho ra như sau, số người trong 3 nhóm đầu đã giảm được lượng đường trong máu xuống từ 18 đến 29%. Trong khi đó 3 nhóm dùng giả dược thì không có kết quả gì.
Rõ ràng các kết quả đã chứng minh, quế có tác dụng giúp bệnh nhân mắc tiêu đường có thể điều tiết được lượng đường trong máu xuống đến 29%.
Thanh Trà (t/h)