Gỡ khó cho nông dân ngành chè trong liên kết sản xuất

Nhiều vùng chè tập trung chuyên canh lớn đòi hỏi đa số lao động trong khâu thu hái. Tuy nhiên, huy động lao động từ các địa phương khác đến trong vụ thu hoạch nhưng phải thực hiện việc cách ly dẫn đến phải tổ chức sản xuất tại nội bộ địa phương.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tại Việt Nam, chè là cây công nghiệp lâu năm được phát triển từ rất sớm, các hộ nông dân (nhà sản xuất nhỏ) chịu trách nhiệm cho 60% sản lượng chè trong nước và xuất khẩu thế giới.

Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển cây lúa và cây lâm nghiệp thì cây chè cũng được các địa phương chú trọng và trở thành một trong những cây kinh tế mũi nhọn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Hàng năm, để cây chè phát triển một cách hiệu quả, nhiều địa phương đã thường xuyên làm tốt công tác vận động người dân trồng cải tạo và duy trì diện tích chè hiện có.

Xây dựng mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết đang là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững
Xây dựng mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết đang là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững

Đối với nguyên liệu chè phục vụ cho chế biến, chủ yếu từ các giống chất lượng thấp; sản phẩm chè hàng hóa phần lớn ở dạng nguyên liệu thô, nghèo nàn về chủng loại, chất lượng, mẫu mã chưa hấp dẫn, sức cạnh tranh thấp. Mặt khác, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp, đòi hỏi những sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất cũng như chất lượng mẫu mã sản phẩm chè của các đơn vị kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp chè nói riêng để nâng cao sức cạnh tranh.

Trong những năm trở lại đây, xây dựng mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết đang là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Nhất là khi ngành chè vẫn còn tình trạng phát triển với quy mô nhỏ, manh mún, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống. Chính vì thế, sự liên kết càng cần thiết, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, Công ty thành lập Tổ sản xuất chè an toàn theo từng nhóm hộ có diện tích chè gần nhau. Các hộ tham gia liên kết này là tự nguyện, có điều lệ hoạt động được người dân tham gia cùng xây dựng. Các tổ bầu tổ trưởng, tổ phó và tổ trưởng là người thay mặt các thành viên trong tổ ký hợp đồng với Công ty. Các thành viên Tổ sản xuất chè an toàn phải thực hiện đúng quy trình kỳ thuật do Công ty đề ra, được cấp phát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hoàn trả tiền vật tư nông nghiệp thông qua sản phẩm chè búp tươi bán cho Công ty.

Kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đang có diễn biến phức tạp, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, nhiều vùng chè tập trung chuyên canh lớn đòi hỏi đa số lao động trong khâu thu hái. Tuy nhiên, huy động lao động từ các địa phương khác đến trong vụ thu hoạch nhưng phải thực hiện việc cách ly dẫn đến phải tổ chức sản xuất tại nội bộ địa phương.

Trong khi đó, ngành chè có tính thời vụ. Vào thời điểm hiện tại đang là thời điểm thu hoạch cao điểm nhất trong năm. Ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội  nên việc sử dụng nhiều lao động cùng một lúc gặp khó khăn. Vô hình chung đã tạo ra một vùng chè quá lứa, kém chất lượng. Ngoài ra, bà con nông dân cũng không đảm bảo được sản lượng cung cấp, ảnh hưởng tới thu nhập cuộc sống.

Để khắc phục tình trạng trong vấn đề lao động, TS.Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ, tại các cơ sở chế biến, do yêu cầu về cách ly, giãn cách các doanh nghiệp nên bố trí, sắp xếp lại lao động, tăng ca, giảm thiểu lao động, chia ca sản xuất để đảm bảo giãn cách. Bổ sung thiết bị, nhất là những công đoạn cần nhiều lao động, thay thế các băng tải chuyển nguyên liệu, sản phẩm thay thế cho lao động...

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội cũng khuyến cáo: “Trong quá trình thu hoạch, cần đảm bảo được sự giãn cách giữa người lao động với nhau để đảm bảo được các biện pháp phòng chống. Trong chế biến cũng vậy, nên dàn trải nhiều ca làm việc và các ca sản xuất cần ít người hơn để đảm bảo biện pháp phòng dịch 5K. Cùng với đó cần kiểm soát người lao động khi vào các nhà máy chế biến chè và đặc biệt là tăng cường ứng dụng cơ giới hóa cho cả khâu sản xuất nông nghiệp và khâu chế biến”.

Để cây chè có thể phát triển ổn định thì điều cần nhất trong lúc này là giải quyết khó khăn trước mắt cho người nông dân. Đó là việc tìm kiếm những thị trường mới, ổn định hơn ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, mở rộng các kênh bán hàng, giới thiệu sản phẩm bằng hình thức trực tuyến. Thêm vào đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng chè, đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm; chú trọng phát triển các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm chất lượng sản phẩm chè truyền thống.

“Đại dịch Covid – 19 chưa biết bao giờ mới kết thúc trong nước và trên thế giới, cho nên các doanh nghiệp, các HTX và các hộ gia đình kinh doanh chè vẫn phải nêu cao cảnh giác, vẫn phải tìm các giải pháp thích ứng để vừa giữ vững được sản xuất, chế biến, tiêu thụ vừa đảm bảo yêu cầu của việc phòng chống dịch", Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nhấn mạnh và cho biết: Để giúp cho các doanh nghiệp, các HTX và hộ nông dân sản xuất, kinh doanh chè khắc phục những khó khăn và tiếp tục ổn định sản xuất, ổn định việc làm, đời sống cho hàng triệu người làm chè, Hiệp hội Chè Việt Nam đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương cần có những phương án hỗ trợ như: Miễn giảm tiền thuê đất chuyên dùng và không thu đất trồng chè năm 2021 cho các doanh nghiệp, gia hạn khoản nợ cũ và không tính lãi quá hạn, vay vốn mới với lãi suất ưu đãi, không thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với chè doanh nghiệp đăng ký để xuất khẩu, giảm thu BHXH và kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp, giảm các lệ phí và kiểm dịch chè xuất khẩu,...