Trong 3 tháng đầu năm, tỷ lệ CASA của Techcombank đạt 44,2%, vẫn dẫn đầu ngành ngân hàng nhưng giảm nhẹ so với mức 46,1% cuối năm 2020.
Lý do tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm nhẹ và chiến lược để dẫn đầu thị trường trong thời điểm các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt để thu hút CASA là chủ đề được nhiều nhà đầu tư chất vấn đại diện ban điều hành techcombank trong buổi gặp gỡ trực tuyến chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I của nhà băng này.
Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với ngành ngân hàng. Cụ thể là có cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – MCK: TCB).
Tỷ lệ CASA bền vững dù chịu ảnh hưởng của tính mùa vụ
VDSC phân tích, như Chủ tịch của TCB cho biết tại Đại hội đồng cổ đông, việc cải thiện chi phí huy động vốn sẽ đóng góp đáng kể vào lợi thế của ngân hàng. Chính chi phí huy động vốn thấp cho phép ngân hàng đạt được NIM ở mức cạnh tranh mà không cần phải tham gia vào các hoạt động cho vay có rủi ro cao.
Tính đến cuối năm 2020, TCB đứng đầu trong ngành về tỷ lệ CASA (46%). Con số này giảm nhẹ xuống 44% trong quý I/2021 do yếu tố thời vụ của CASA nhóm doanh nghiệp. Trong đó, CASA nhóm bán lẻ vẫn duy trì tăng 13% theo quý, còn CASA doanh nghiệp giảm -21% so với quý trước (quý I/2020 giảm -15% QoQ).
Mặc dù có tỷ lệ CASA cao nhất, TCB vẫn kỳ vọng có thể cải thiện do thị phần còn nhỏ đối với số dư CASA tuyệt đối. CASA bán lẻ là nơi các ngân hàng cạnh tranh gay gắt do nhu cầu khách hàng cao và tính ổn định. Thị phần CASA phân khúc bán lẻ của TCB là 11,4% toàn ngành vào năm 2020, trong khi VDSC ước tính rằng ngân hàng lớn nhất trong phân khúc này chiếm 24%.
Nhờ tỷ lệ CASA tăng và môi trường lãi suất thấp, chi phí huy động vốn đã có quý thứ tư liên tiếp tăng trưởng âm so với cùng kỳ trong quýI/2021 (-27% YoY). Tỷ lệ CASA cao và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thấp hơn đã ảnh hưởng mạnh đến chi phí này mặc dù cơ sở tiền gửi tăng mạnh. Trong năm 2020, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn bình quân là 5,4%, giảm so với mức 6,4% của năm 2019. Chi phí huy động tiền gửi khách hàng giảm khoảng -13% YoY. Do nền tỷ lệ CASA năm 2019 thấp hơn (34%), danh mục huy động sẽ nhạy cảm hơn với lãi suất so với hiện tại.
VDSC ước tính việc giảm lãi suất huy động nhờ chính sách tiền tệ và tiềm năng một đợt chuyển dịch trong cơ cấu tiền gửi có kỳ hạn năm 2020 đã khiến chi phí huy động giảm nhiều hơn là do tỷ lệ CASA tăng. Cụ thể hơn, danh mục tiền gửi khách hàng lớn hơn đã khiến chi phí huy động tăng 13%, trong khi lãi suất bình quân của tiền gửi có kỳ hạn giảm và tỷ lệ CASA tăng ước tính làm chi phí này giảm lần lượt -17% và -10%.
Trong quý đầu tiên của năm 2021, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn theo năm đạt 3,9%, giảm -35% YoY, tương đương -210 điểm cơ bản. Tương tự như trường hợp của chi phí huy động tiền gửi năm 2020, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đạt mức thấp đã đóng góp nhiều nhất vào mức giảm này.
Cụ thể, VDSC ước tính rằng yếu tố này đã làm chi phí huy động tiền gửi giảm khoảng -34%. Trong khi tỷ lệ CASA tốt hơn chỉ khiến chi phí tương tự giảm -19%. Việc mở rộng danh mục tiền gửi đáng lẽ đã làm tăng chi phí huy động tiền gửi khách hàng +21%.
Xét về sự ổn định của mức CASA hiện tại trong môi trường lãi suất cao hơn, TCB đánh giá rằng dữ liệu và công nghệ sẽ giúp duy trì lợi thế cạnh tranh này. Ngân hàng đã duy trì các chương trình miễn phí phí giao dịch và hoàn tiền. Kết hợp với môi trường lãi suất thấp, được cho là đã thay đổi hành vi gửi tiền của khách hàng bán lẻ, tỷ lệ CASA của TCB đã tăng mạnh năm 2020. Ngân hàng đã chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của khách hàng bán lẻ trên nền tảng ebanking (+8% theo quý, +38% theo năm) và mức CASA cao hơn trên mỗi khách hàng (+4% theo quý, +44% theo năm) trong quý I/2021. Tuy nhiên, phí giao dịch và các chương trình khuyến mãi liên quan đến phí đã trở thành một ưu đãi khá phổ biến trong thời gian gần đây trong ngành. TCB hiểu rằng những yếu tố nói trên chỉ là thành quả ngắn hạn và đầu tư mạnh mẽ vào dữ liệu và công nghệ. Gói đầu tư kỹ thuật số trị giá tối thiểu 500 triệu USD trong 5 năm tới được kỳ vọng sẽ củng cố cho vị trí tiên phong của TCB về CASA, vốn về lâu dài sẽ được quyết định bởi sự tiện lợi và dịch vụ nhiều hơn là phí giao dịch và lãi suất.
Đối phó các yếu tố không chắc chắn với bộ đệm vững chắc
Cũng theo phân tích của VDSC, TCB có tỷ lệ nợ xấu thấp lịch sử vào cuối quý I/2021 (0,4%). Số dư nợ xấu giảm nhẹ do nợ xấu được xóa (khoảng 270 tỷ đồng) cao hơn nợ xấu hình thành ròng (110 tỷ đồng). Dồn 12 tháng qua, tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng là 0,6% tổng dư nợ, trong khi TCB trích lập dự phòng khoảng 0,9%. Ngân hàng duy trì chi phí tín dụng cao hơn đáng kể so với nợ xấu hình thành kể từ đầu năm 2020.
LLR của ngân hàng đạt 220% trong quý I/2021, tăng từ 171% vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, VDSC cho rằng mức tăng đó chủ yếu là nhờ nền thấp của nợ xấu, vốn do tích cực xóa bỏ nợ xấu. VDSC đánh giá cao tỉ lệ nợ có vấn đề nhóm 2-5 khá thấp (khoảng 1,0% tổng dư nợ). TCB dự kiến sẽ trích lập dự phòng bổ sung hơn 30 tỷ đồng theo Thông tư 03 mới đối với khoản nợ tái cơ cấu.
Ban lãnh đạo cũng cho rằng năm 2020 có thể là mức tham chiếu cho kịch bản xấu nhất năm 2021 đến từ diễn biến của dịch Covid-19. Điều này cũng đồng nghĩa mức nợ xấu hình thành ròng cũng như chi phí tín dụng giai đoạn cuối năm 2020 là mức đỉnh. Do đó, VDSC đã dự đoán chi phí dự phòng vào năm 2021 sẽ tăng chậm hơn đáng kể so với tổng thu nhập. Tuy nhiên, VDSC chia sẻ quan điểm về nợ xấu với ban lãnh đạo khi cho rằng nợ xấu sẽ cao hơn dần về cuối năm. VDSC đã đề cập đến rủi ro này trong Báo cáo chiến lược năm 2021. VDSC đánh giá rằng bộ đệm dự phòng của TCB là đủ để đáp ứng mức tăng nhẹ của nợ xấu hình thành.
Tạ Thành