Hà Giang: Chè shan tuyết “báu vật” của người Dao nằm trên dãy núi Tây Côn Lĩnh

Nằm trên sườn Đông dải Tây Côn Lĩnh, thôn Nậm An xã Tân Thành, huyện Bắc Quang (Hà Giang) có khí hậu bốn mùa mát mẻ và trong lành, đây cũng là nơi có hơn 90% dân số là đồng bào người Dao sinh sống. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán truyền thống của người dân bản địa đã tạo nên một bức tranh đẹp đẽ và nhiều màu sắc trên non cao Nậm An.

Người dân thu hái chè Shan tuyết trên núi.
Người dân thu hái chè Shan tuyết trên núi.

Nằm trên độ cao hơn 800 mét so với mực nước biển, Nậm An ẩn mình trong những làn sương, đây làm một vùng núi cao với sắc xanh phủ kín, sắc xanh của mây trời và những đồi chè bạt ngàn vút tầm mắt. Xen giữa những miền chè xanh ngắt là thấp thoáng bản người Dao nằm nhỏ bé bình yên bên sườn núi.

Người Dao ở đây vẫn giữ được những nét đơn sơ thuần khiết trong phong tục tập quán, văn hóa và kiến trúc, điều này được thể hiện qua các hình ảnh quen thuộc dễ thấy ở bất kỳ đâu trên vùng non cao này. Đó là những nếp nhà mái gỗ, những chiếc váy thêu hoa rực rở trong nắng hè…

Đặc biệt, mỗi khi nhắc đến Nậm An không thể không nhắc tới những cây chè Shan tuyết cổ thụ, những cây chè có tuổi đời hàng trăm năm. Cây chè không chỉ là nguồn sống mà còn gắn liền với đời sống văn hoá của con người nơi đây.

Đây là giống chè cổ thụ cây cao hơn so với ở các vùng chè khác và ẩn chứa nét hoang sơ của núi rừng. Chè cổ thụ cao hơn đầu người, cành lá sum suê, thân xù xì, tán xoè rộng. Cây chè ở đây phát triển tự nhiên trong vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, vì thế người dân không cần chăm bón cầu kỳ cây vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc.

Chè Nậm An có vị ngọt, vị tinh khiết của những hạt sương sớm vùng non cao và vị thơm bùi khó lẫn. Nhiều gia đình dân tộc Dao ở đây cũng nhờ những gốc chè này mà làm nên cơ nghiệp cải thiện sinh hoạt trong cuộc sống. Họ coi cây chè là món quà của đất trời ban tặng cho người Dao ở vùng đất này.

Công nhân của Hợp tác xã chế biến chè Vinh Sính thu hái chè...
Công nhân của Hợp tác xã chế biến chè Vinh Sính thu hái chè...

Tuy nhiên, trước đây do tập quán canh tác, chế biến còn nhiều hạn chế bà con chỉ bán được 5 - 6.000 đồng/kg chè búp tươi nên giá trị sản xuất lúc đó chỉ đạt 10 - 12 triệu đồng/ha/năm. Trong 10 năm trở lại đây, chính quyền huyện Bắc Quang đã chú trọng đầu tư phát triển cây chè. Đồng bào Dao sinh sống tại thôn Nậm An đã cùng nhau kinh doanh tập thể, góp vốn thành lập hợp tác xã và từng bước đưa danh tiếng sản phẩm chè Vinh Sính vươn xa.

Ông Phan Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Xã Tân Thành cho biết, ở Tân Thành có thôn Nậm An là vùng chè Shan tuyết cổ thụ. Vùng chè này đã được Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) công nhận là vùng chè hữu cơ năm 2020. Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Nậm An, của Hợp tác xã (HTX) Vinh Sính đã đạt chất lượng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.

Cùng với đó, huyện Bắc Quang tổ chức tập huấn trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế chè cho nông dân, nâng cao kỹ thuật chăm sóc, thu hái cho hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Từ Chương trình hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 do Huyện đoàn Bắc Quang chủ trì nhằm thúc đẩy và kết nối cung ứng sản phẩm chè cho các cơ sở, Hợp tác xã chế biến chè đã đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cho thành viên nhóm sở thích.

Theo đó, chương trình đã hỗ trợ cho Hợp tác xã chế biến chè Vinh Sính, xây dựng bao bì, nhãn mác cho sản phẩm, tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền, xây dựng website và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng cho hai sản phẩm Hồng Trà Vinh Sính và Trà Mao Tiêm Vinh Sính.

Hợp tác xã chế biến chè Vinh Sính bước đầu đã chú trọng việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng ra thị trường. Đây là đơn vị đầu tiên đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại sử dụng các nguyên liệu đốt như gas, điện, dầu diezen thay củi.

Hà Giang: Chè shan tuyết “báu vật” của người Dao nằm trên dãy núi Tây Côn Lĩnh - Ảnh 1
Trà shan tuyết Hồng Trà và Trà Mao Tiêm Vinh Sính - Đặc sản trứ danh của vùng núi Bắc Quang.
Trà shan tuyết Hồng Trà và Trà Mao Tiêm Vinh Sính - Đặc sản trứ danh của vùng núi Bắc Quang.

Anh Triệu Quang Vinh - Trưởng thôn Nậm An, cho biết: Tổ tiên của người Dao đỏ có mặt trên bản Nậm An đã qua rất nhiều thế hệ, cuộc sống của người Dao đỏ thường gắn với rừng như một lẽ sống. Ở Nậm An, cả thôn có 47 hộ, dân số 277 nhân khẩu. Toàn thôn có trên 90 ha chè Shan tuyết, phần lớn chè cổ thụ trăm năm tuổi. Diện tích chè Shan tuyết đều nằm dưới tán rừng già có độ cao trên 800 m -1.500 m. Vụ thu hái chè búp đầu năm nay cả thôn vui vì giá thu mua chè khá cao. Giá thu mua chè búp tươi hiện đang dao động từ 25 - 35 ngàn đồng/kg, cao gấp nhiều lần so cùng kỳ năm 2023; riêng giá thu mua chè búp loại đặc biệt hái 1 tôm, 2 lá, để chế biến chè đặc sản sẽ có giá bán khoảng 40 - 50 ngàn đồng/kg. Bình quân, mỗi ha chè Shan tuyết đầu năm ở Nậm An sẽ mang lại cho nhà nông khoảng 30 - 35 triệu đồng/lứa.

Hợp tác xã đã liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn các xã Tân Lập, Liên Hiệp, Đức Xuân… thu mua, sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm chè từ bình dân đến cao cấp như, chè xanh, chè vàng, hồng trà, bạch trà và trà mao tiêm… doanh thu hàng năm đạt gần 1 tỷ đồng.

Đời sống của người dân vùng chè được nâng lên, bình quân mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước và các hộ dân trồng chè thôn Nậm An 100% thoát nghèo. Thu nhập của người lao động tại Hợp tác xã đạt từ 5-15 triệu đồng/người/tháng, tăng 5 lần so với những ngày đầu mới thành lập.

Hai sản phẩm Hồng trà hộp 300gr và Trà Mao Tiêm hộp 200gr của Hợp tác xã chế biến chè Vinh Sính đã được hỗ trợ phát triển và quảng bá thương hiệu từ chương trình thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 do Huyện đoàn Bắc Quang. Đây sẽ là cơ hội cho hợp tác xã chế biến chè Vinh Sính được học hỏi, cải tiến, nâng cao chất lượng quản lý của mình thông qua việc áp dụng thực hành sản xuất, kinh doanh tốt nhất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong bước đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

PHI LONG