Tính đến tháng 6/2023, tổng diện tích chè của Hà Giang đạt trên 21.500ha, trong đó có trên 19.000ha cho thu hoạch và được trồng tập trung tại 5 huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; năng suất chè đạt bình quân 37,04 tạ/ha và sản lượng chè búp tươi đạt trên 72.300 tấn/năm; trong đó có trên 5.000ha chè được cấp chứng nhận chè hữu cơ (chiếm trên 26,3% diện tích cho thu hoạch).
Chè Shan Tuyết Hà Giang có các đặc điểm đồng đều về màu sắc và kích thước, búp chè xoăn chặt, non, thô, bạc cánh (có tuyết), cánh chè to, tròn. Đặc biệt, khi pha chè, nước sánh, màu xanh vàng bắt mắt, mùi thơm tự nhiên, vị chát dịu và có vị ngọt hậu dễ chịu, đặc trưng cho sản phẩm, hài hòa giữa vị và mùi thơm.
Chất lượng của chè Shan Tuyết Hà Giang được thể hiện ở các chỉ tiêu sinh hóa, cụ thể: hàm lượng tro tổng số từ 4,87 - 6,49%, hàm lượng tanin từ 27,22 - 38,88%, hàm lượng cafein từ 2,30 - 4,19%; hàm lượng tro tổng số từ 58,31 - 66,52%, hàm lượng chất chiết trong nước từ 38,32 - 47,79%.
Mỗi năm, chè Shan tuyết ở Hà Giang cho thu hoạch 4 đợt. Đợt đầu là đợt chè ngon nhất vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4. Đợt thứ 2 là vào tháng 5, tháng 6; đợt thứ 3 là vào tháng 8; đợt thứ 4 là vào tháng 10, 11. Chè Shan Tuyết lại gồm 2 loại chính là chè lá to mọc nhiều ở vùng Bó Đướt, Thượng Sơn, Vị Xuyên và chè lá nhỏ có tán hình mâm xôi
Các diện tích chè của Hà Giang chủ yếu là chè Shan tuyết và chè Shan tuyết cổ thụ, chiếm trên 90% diện tích. Hiện chè Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.
Theo đó, vùng chỉ dẫn địa lý được cấp cho khu vực trồng và chế biến chè Shan Tuyết của 44 xã thuộc các huyện: Bắc Quang (4 xã), Quang Bình (8 xã), Vị Xuyên (8 xã), Hoàng Su Phì (11 xã), Xín Mần (11 xã) và thành phố Hà Giang (2 xã). Đây là thành quả kết tinh cho sự nỗ lực của các cấp, ngành sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn, phục tráng nguồn gen quý, giống chè Shan tuyết cổ thụ. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển mới, giúp nâng cao giá trị thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm chè Shan Tuyết Hà Giang.
Do đặc thù của các tiểu vùng thời tiết khí hậu, nông hóa thổ nhưỡng, truyền thống trồng chè của người dân… nên giống chè Shan tuyết chiếm trên 90% diện tích chè của toàn tỉnh và được xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Cũng do đặc thù của tiểu vùng thời tiết khí hậu và nông hóa thổ nhưỡng đã tạo cho Hà Giang các thương hiệu chè nổi tiếng như: Chè Shan tuyết Lũng Phìn huyện Đồng Văn, Chè Shan Nậm Ty của huyện Hoàng Su Phì, chè Cao Bồ của huyện Vị Xuyên… nổi tiếng trong nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Giang còn tồn tại khá nhiều diện tích chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tại Lũng Phìn huyện Đồng Văn, quần thể chè cổ thụ huyện Hoàng Su Phì và xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên…
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực hiện nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm bảo vệ thương hiệu chè Shan. Tuy nhiên, việc xây dựng, quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm chè Shan Tuyết mới chỉ dừng lại ở kết quả đăng ký xác lập quyền, chưa thực hiện các nội dung về quản lý, sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý một cách có hiệu quả nhằm mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết tại địa phương.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hà Giang đã xây dựng dự án: Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm chè Shan tuyết nhằm bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và sản xuất, góp phần nâng cao giá trị, phát huy danh tiếng của sản phẩm chè Shan Tuyết Hà Giang.
Việc nâng cao năng lực quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lí chè Shan Tuyết “Hà Giang” sẽ đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp thương hiệu “Chè Shan tuyết Hà Giang” cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè; ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép thương hiệu, đảm bảo sản phẩm mang thương hiệu “Chè Shan tuyết Hà Giang” đáp ứng các tiêu chuẩn quy định về xuất xứ, chất lượng nhằm duy trì danh tiếng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bên cạnh đó, Hà Giang luôn xác định chè là cây trồng chủ lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, công tác trồng mới và đầu tư khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh, thu hái và chế biến chè luôn được tỉnh quan tâm bằng các cơ chính sách phù hợp như: Hỗ trợ lãi suất cho người trồng chè để mở rộng diện tích; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh và cải tạo các vườn chè già cỗi; ưu tiên, hỗ trợ các cơ sở chế biến chè trong quá trình xây dựng thương hiệu và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2025, trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ triển khai thực hiện mỗi năm trồng mới 500ha chè, trong đó trồng thay thế diện tích chè già cỗi khoảng 50ha, trồng dặm do chè bị mất khoảng từ 200 – 300ha, còn lại là các diện tích chè trồng mới. Phấn đấu đưa cây chè thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Để khai thác và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè, UBND tỉnh Hà Giang đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ các sản phẩm chè búp tươi tại 5 huyện trồng chè của tỉnh đều phải đạt chất lượng về an toàn thực phẩm và hình thành chuỗi giá trị giữa các cơ sở chế biến với vùng sản xuất.