Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Quyết định số 2982/QĐ-UBND về việc công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và “Nghề truyền thống Hà Nội”.
Theo Quyết định, Hà Nội công nhận ba danh hiệu đối với các nghề: Sản xuất sản phẩm từ cốm phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực; đúc đồng Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, thuộc quận Ba Đình; nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
Thành phố cũng công nhận một danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” đối với làng nghề mộc Vạn An, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây.
Những làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội,” ''Nghề truyền thống Hà Nội'' được UBND thành phố tặng Bằng công nhận danh hiệu và hỗ trợ 6 triệu đồng.
Bánh cốm Hà Nội – đặc sản nổi tiếng, đậm hương vị Thủ đô
Chắc hẳn khi nhắc đến đặc sản Thủ đô thì mọi người đều nghĩ ngay đến bánh cốm Hà Nội. Đúng vậy, món bánh này tuy đơn giản nhưng lại là thức quà vô cùng ý nghĩa của người dân thành phố. Bánh cốm được làm từ những nguyên liệu hết sức dân dã, mộc mạc như cốm Hà Nội, đậu xanh, dừa nạo, mứt bí… Sau khi chế biến, thành phẩm sẽ được bọc trong giấy bóng kính và gói trong một chiếc hộp vuông có màu xanh. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của cốm, ngọt bùi, béo ngậy của đậu xanh, cốt dừa và hương thơm đặc trưng của cốm. Sẽ ngon hơn nếu bạn nhâm nhi bánh cốm cùng một ly trà nóng chát nhẹ. Bánh cốm Hà Nội thường được dùng trong các dịp quan trọng như lễ, Tết, cưới hỏi,… Bánh cốm Hà Nội còn là một thức quà đong đầy tuổi thơ của mỗi người con Hà Nội. Món ăn này còn thể hiện nét văn hóa đặc sắc, thanh tao của người dân Thủ đô.
Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, thuộc quận Ba Đình
Từ xưa làng nghề Ngũ Xã nổi tiếng cả trong và ngoài thành Thăng Long nhờ kỹ thuật đúc tượng đồng, trống đồng, đồ thờ bằng đồng, chuông đồng, tranh đồng với những nét tinh hoa bậc nhất. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử những sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã trước đây và hôm nay vẫn khẳng định được sự tinh xảo, tính nghệ thuật và thể hiện được tâm hồn của những nghệ nhân của kinh thành Thăng Long xưa và nay. Nhiều tác phẩm đã được coi là kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam.
Hai tác phẩm nghệ thuật nổi bật thể hiện trí tuệ, tài năng, bản sắc bí quyết và sự lao động cần mẫn, giàu sáng tạo của các nghệ nhân, thợ đúc đồng Ngũ Xã là tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đặt tại đền Quán Thánh và pho tượng Phật Di Đà được đặt tại chùa Thần Quang, ngay trên đất làng.
Làng diều Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, nghề làm diều và thú chơi thả diều đã tồn tại hơn nghìn năm nay. Để chuẩn bị cho cuộc thi diều vào tháng 3, người dân bắt đầu làm diều từ tháng 8 năm trước. Việc làm diều gồm nhiều công đoạn, đầu tiên là chọn "xương" diều, thường làm bằng tre già, tre gai mọc ở đồng bằng, và phải chặt vào mùa đông để đảm bảo độ cứng, dẻo và bền. Cánh diều trước đây dán bằng giấy dó, nay thay bằng vải mềm và chắc. Sáo diều chọn từ ống tre già, tròn, thẳng và không nứt nẻ để âm thanh trong trẻo.
Mặc dù làng Bá Dương Nội không đưa diều thành mặt hàng thương mại, nhưng mỗi dịp Tết thiếu nhi 1/6 hàng năm, người làng sẽ nhận đặt hàng sáo diều của những vị khách thập phương để góp phần mang đến cho trẻ em có ngày lễ thật ý nghĩa. Cứ mỗi độ 14/3 Âm lịch, làng thường tổ chức cuộc thi diều sáo với ý nghĩa gìn giữ, tạo sân chơi cho người làng và đặc biệt là trao truyền giá trị văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, để lớp trẻ có thể cảm nhận những tinh hoa của cha ông truyền lại. Chỉ có ở làng Bá Dương mới tổ chức hội thi thả diều, và thi sẽ có giải. Đó nó là nét truyền thống mong mùa màng tươi tốt, một cuộc sống bình an. Lễ hội thi thả diều làng Bá Dương Nội đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2004. Lễ hội truyền thống thi thả Diều làng Bá Dương Nội được tổ chức trong 3 ngày kể từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội. Ảnh nguồn internet
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 278 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống.