Hà Nội: Đa dạng các mặt hàng nông sản chuẩn bị phục vụ thi trường Tết

Để chủ động khâu cung ứng mặt hàng nông sản cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phố, kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổng giá trị hàng Tết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của khoảng hơn 10 triệu người hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây.

Nhóm các mặt hàng cần bảo đảm cung cầu trong dịp Tết gắn với công tác phòng, chống dịch gồm: mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi); Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy...

Đối với mặt hàng nông sản, theo thống kê, Hà Nội hiện có 10,3 triệu dân nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu rất lớn. Cụ thể, 1 tháng, Hà Nội cần tiêu thụ hơn 92.900 tấn gạo (tự cung ứng hơn 56.300 tấn, đáp ứng 65,6%), gần 18.600 tấn thịt lợn hơi (tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1%), 5.350 tấn thịt bò (tự cung ứng hơn 1.000 tấn, đáp ứng 19,3%), gần 6.300 tấn thịt gia cầm (tự cung ứng hơn 10.670 tấn). Đối với thủy hải sản tươi, đông lạnh, nhu cầu tiêu dùng 5.350 tấn (tự cung ứng 10.350 tấn), trứng gia cầm 123,9 triệu quả (tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2%)…

Thực tế, Hà Nội tự sản xuất, cung ứng được 35% đến 65% nhu cầu về nông sản nên mong muốn các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai kế hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; triển khai kết nối cung - cầu nông sản, giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Thành phố.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình phối hợp kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, trong 10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm của Hà Nội đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố với khối lượng hơn 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương cũng được kết nối, đưa vào tiêu thụ tại 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội sẵn sàng phối hợp kết nối nông sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như: MM Mega Market, Big C, Aeon Mall... Đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội, Thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố...

Mặc dù Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn và giàu tiềm năng, song để nông sản, thực phẩm của các tỉnh, thành phố đưa về tiêu thụ với số lượng lớn và bảo đảm an toàn thực phẩm thì các địa phương và Hà Nội cần có sự liên kết, hỗ trợ bằng nhiều hình thức để tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh giao thương ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Hà Nội cần hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh của các tỉnh thông qua chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối cung - cầu trên nền tảng kỹ thuật số để nắm rõ thông tin cung - cầu các bên...

Để tăng cường kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát sản phẩm đặc sản có thế mạnh vùng miền, gắn kết tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng với thị trường, phù hợp nhu cầu thị hiếu, cân đối cung - cầu trên thị trường, tránh việc sản xuất cung vượt cầu; đặc biệt, các địa phương cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm...

Nhận định diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp, trong dịp Tết 2022, hoạt động mua sắm hàng hóa tại các điểm kinh doanh sẽ thu hút đông người dân mua sắm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa, vừa phải bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết vừa phải chuẩn bị phương án bảo đảm hàng hóa sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn theo các cấp độ diễn biến của dịch.

Nhân Lê