Hà Nội: Phấn đấu đưa quận Cầu Giấy là một điểm cần đến của các doanh nghiệp, quận đáng sống của Thủ đô

Năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020 -2025, với chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, trong điều kiện có những thuận lợi so với cùng kỳ nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn thách thức, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của quận Cầu Giấy (Hà Nội) đạt được một số kết quả nổi bật về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều các mặt công tác.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023

Về cơ cấu kinh tế quận Cầu Giấy tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 65%, công nghiệp - xây dựng chiếm 35%. Giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 108.499 tỷ đồng tăng 7,51% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giá trị sản xuất Công nghiệp và Xây dựng ước đạt 40.673 tỷ đồng tăng 5,24% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất ngành Thương mại - Dịch vụ ước đạt 67.826 tỷ đồng tăng 8,29% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, trên địa bàn quận có 21.352 doanh nghiệp (tăng 7,9% so với cùng kỳ) và 10.119 hộ kinh doanh đang hoạt động (tăng 18,7% so với cùng kỳ). Lũy kế từ đầu năm đến nay, 948 doanh nghiệp cấp mới (tăng 67,79% so với cùng kỳ), 1.169 hộ cấp mới (tăng 326,6% so với cùng kỳ). Dẫn đầu Thành phố về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động. Thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất so với cùng kỳ các năm đạt 9.187,851/12.226,1 tỷ đồng, bằng 75,15% so với dự toán Thành phố giao, bằng 173,91% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Triển khai thực hiện 98 dự án, bao gồm: 10 dự án Thành phố giao (04 dự án xây dựng cơ bản tập trung của Thành phố và 06 dự án giải ngân qua quỹ đầu tư phát triển Thành phố); 88 dự án Quận. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Xây dựng trụ sở làm việc Quận ủy - HĐND và UBND quận Cầu Giấy tại ô đất ký hiệu D22 - Khu đô thị mới Cầu Giấy; Xây dựng trường mầm non và THCS tại ô đất A11- Khu quy hoạch K7-1…

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách cho các đối tượng theo quy định. Duy trì không có hộ nghèo và cận nghèo. Đảm bảo tốt các nhu cầu dân sinh như điện, cấp – thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Gắn biển 02 tuyến phố mới Hoàng Quán Chi, Nguyễn Vĩnh Bảo, hiện trên địa bàn quận có 81 tuyến phố có tên. Đạt thành tích cao tại các cuộc thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao: 18 Huy chương vàng, 24 huy chương bạc, 30 huy chương đồng tại các giải TDTT cấp Thành phố.

Phong trào thi đua là động lực phát triển kinh tế - xã hội quận Cầu Giấy.
Phong trào thi đua là động lực phát triển kinh tế - xã hội quận Cầu Giấy.

Cùng với đó, lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì thành tích cao, được công nhận 07 trường chuẩn quốc gia (MN Hoa Hồng, MN Tuổi Hoa, MN Sao Mai, MN Lý Thái Tổ 2, THCS Nghĩa Tân, THCS Yên Hòa, THCS Dịch Vọng). Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế trên lĩnh vực Giáo dục và đào tạo, điểm nhấn là dự án Giáo dục phát triển bền vững với thành phố UMEA, Thụy Điển tiếp tục được triển khai giai đoạn 3 và mở rộng triển khai ở 3 cấp học.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Thực hiện tốt Kế hoạch số 01/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố, tổ chức ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn quận, đã kiểm tra 6.356 trường hợp, xử phạt hơn 8,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, là Quận đầu tiên trên địa bàn Thành phố triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính (AIchatbot). Triển khai mô hình thi đua “Chứng thực trả kết quả ngay” trên địa bàn quận Cầu Giấy giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân. Triển khai tốt Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp mã định danh điện tử mức 2 cho công dân; chuẩn hóa mã số thuế cá nhân với căn cước công dân.

Một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

Với định hướng vị trí trong vùng trung tâm của Thủ đô, Quận Cầu Giấy phấn đấu trở thành Đô thị Giáo dục, Đô thị Công nghệ, trong đó phấn đấu phát triển kinh tế quận cao hơn mặt bằng chung của Thủ đô 1,2 - 1,3 lần, trong nhóm đầu của Thủ đô về 06 lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo; Tài chính Ngân hàng; Dịch vụ - thương mại; Sáng tạo - khởi nghiệp; Nghiên cứu, ứng dụng - chuyển giao công nghệ; Công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Quản lý đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ thường xuyên, Quận cụ thể hóa và tổ chức thực hiện một số giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực để phát triển kinh tế. Trong đó, ưu tiên phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục phát triển một số ngành trở thành đặc trưng, trụ cột phát triển kinh tế của quận: công nghệ, dịch vụ tài chính, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế trình độ cao.

Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm hơn 50% (Hà Nội phấn đấu 30%). Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị.

Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, giáo dục, xây dựng Quận là trung tâm về giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ của Thành phố và cả nước. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, xây dựng quận Cầu Giấy là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; chủ động bố trí nguồn lực và tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhất là giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý,… Tập trung đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn; đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa các công trình văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Phấn đấu đưa Quận Cầu Giấy là một điểm cần đến của các doanh nghiệp, là Quận đáng sống của Thủ đô Hà Nội.

Toàn cảnh Công viên Cầu giấy.
Toàn cảnh Công viên Cầu giấy.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Tập trung mọi nguồn lực thực hiện Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội theo hướng văn minh, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2025 - 2030 cơ bản hoàn thành kết cấu khung hạ tầng đô thị (đường vành đai 2,5 gồm đoạn Khu đô thị mới Dịch Vọng đến đường Dương Đình Nghệ, đoạn phố Trung Kính đến đường Hoàng Đạo Thúy; giai đoạn 2 của tuyến đường Nguyễn Phong Sắc đoạn Nghĩa Tân - Hoàng Quốc Việt; phố Trần Cung mở rộng; tuyến đường Hoàng Quốc Việt kéo dài…).

Hệ thống giao thông kết nối: cầu vượt, ngầm giao thông, cầu đi bộ. Phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, ưu tiên phát triển giáo dục hiện đại, điều chỉnh quỹ đất chưa, chậm sử dụng sang đầu tư trường công học. Điểm mới là yêu cầu đầu tư phát triển mới, đầu tư nâng cấp phải đồng bộ theo hướng xanh, hiện đại, thông minh gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch đã được phê duyệt./.

PHI LONG