Hà Nội: Phát hiện, xử lý hàng trăm vụ việc về hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ

Trong tháng 9, cơ quan chức năng Hà Nội đã tổ chức thanh kiểm tra 3.347 vụ; xử lý 3.134 vụ, khởi tố 11 vụ đối với 12 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu là 389 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 107 vụ.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, trong tháng 9/2020, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo 389/TP đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm. Đặc biệt đã phát hiện nhiều vụ việc điển hình về mặt hàng bánh trung thu.

Mới đây, Đội QLTT số 13 phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an Hà Nội đã chặn đứng vụ vận chuyển 1.443 hộp bánh các loại (bánh Trung thu, bánh ngọt, bánh quy) và 1.118 hộp trà hoa quả do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không rõ chất lượng. Hay vụ việc Đội QLTT số 17 tiến hành kiểm tra địa điểm tập kết hàng hóa của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoàng Minh Đức, địa chỉ Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội phát hiện 22.000 sản phẩm bánh Trung thu – bánh nướng MoonCake nhập lậu và Đội QLTT số 25 phát hiện 5.000 chiếc bánh trung thu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Ngoài ra, Cục QLTT Hà Nội còn chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng Shisha; xe đạp điện; nguyên liệu sản phẩm pate “Minh Chay”; sản phẩm “vàng non” lưu thông trên thị trường… Trong tháng 9/2020, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 578 vụ, xử lý 577 vụ, phạt hành chính 4,431 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng 6,764 tỷ đồng.

Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh khẩu trang vi phạm. Ảnh: báo Công Thương

Ngoài ra, các lực lượng chức năng khác trên địa bàn như công an thành phố, Cục Hải quan, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế thành phố… cũng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; gắn kiểm tra, kiểm soát với công tác tuyên truyền phổ biến, pháp luật; vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm… góp phần vào kết quả chung của Ban Chỉ đạo 389 thành phố.

Theo đó, trong tháng 9, đã tổ chức thanh kiểm tra 3.347 vụ; xử lý 3.134 vụ. Khởi tố 11 vụ đối với 12 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu là 389 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 107 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu 388,416 tỷ đồng.

Riêng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, tính đến ngày 21/9/2020, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 780 vụ, xử lý hành chính 334 vụ. Công an đã có quyết định khởi tố 1 vụ án đối với 4 đối tượng. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã có quyết định khởi tố 3 vụ đối với 3 đối tượng. Tổng số tiền xử phạt hành chính: 2,791 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm gồm 4.141.014 chiếc khẩu trang y tế các loại, 13.341 sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn; 4.551 sản phẩm dung dịch cồn các loại;…

Từ nay tới cuối năm, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục có diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND Thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt là về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hà Nội…

Hà Nội: Phát hiện, xử lý hàng trăm vụ việc về hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ - Ảnh 1

Tiếp tục triển khai các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các mặt hàng điện thoại di động, thiết bị điện và điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy trên địa bàn TP. Hà Nội. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức cá nhân, sản xuất kinh doanh. Qua đó lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đối tượng kiểm tra.

Đặc biệt, sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng mới nổi để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý…

Hồng Anh

Từ khóa: