Hà Nội: Quán trà đặc biệt, cách người trẻ làm cho trà Việt đẹp hơn

Một nhóm thanh niên trẻ tuổi từ 18- 20 cùng chung tay mở một trà quán giữa lòng phố cổ Hà Nội. Đặc biệt là ở đây, họ không bán trà mà chỉ mời trà miễn phí.

Những bạn trẻ yêu trà, sáng lập nên trà quán thưởng ngoạn miễn phí Societea.
Những bạn trẻ yêu trà, sáng lập nên trà quán thưởng ngoạn miễn phí Societea.

Với mục đích lớn nhất của những bạn trẻ yêu trà Việt này là thông qua việc mời trà, có thể quảng bá được văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa trà nói riêng… Đối với nhiều bạn trẻ ngày nay, trà không chỉ là thức uống hàng ngày mà còn là niềm đam mê, là cả một nghệ thuật sống, một phần không thể thiếu của văn hóa Việt.

Như Khôi, chàng trai vừa bước qua tuổi 18, một đạo diễn trẻ có tiếng của nhiều sự kiện lớn ở Việt Nam và quốc tế, chia sẻ: “Văn hóa trà Việt Nam nổi bật với nét đẹp truyền thống và sự tinh tế trong từng khâu từ trồng trà, thu hái đến chế biến. Mỗi loại trà đều mang một câu chuyện riêng, từ trà xanh thanh mát của các đồi trà Bảo Lộc, trà ô long đậm đà của vùng Mộc Châu, trà tôm nõn của Thái Nguyên cho đến trà sen thơm lừng của Hà Nội.

Điều đặc biệt là mỗi loại trà lại gắn liền với một phong tục, một nghi lễ, phản ánh đời sống tinh thần và quan niệm về cái đẹp của người Việt. Những người trẻ mê trà thường dành nhiều thời gian để tìm hiểu về lịch sử, cách thức chế biến và pha chế trà. Họ không ngần ngại đầu tư tiền bạc và công sức để mở quán trà, tạo ra không gian thưởng trà đậm chất văn hóa, nơi mọi người có thể chậm rãi tận hưởng từng giọt trà, cảm nhận hương vị đặc trưng và sâu lắng của trà Việt”.

Hiểu điều đó, Khôi cùng những người bạn đã mở quán trà Societea (Social + Tea). Nằm trong chuỗi dự án Không vì lợi nhuận Societea (Social + Tea) nhằm lan tỏa văn hóa dùng trà và tạo kết nối xã hội.

Trà thất Tổng hội Chè Chén hoạt động theo hình thức CLB cộng đồng, tự cung tự cấp, tự phục vụ, thành viên tham gia đóng góp hội phí để duy trì cơ sở hoạt động và tự tạo sự kiện phục vụ cộng đồng… Qua đây, Khôi hy vọng một truyền thống rất xưa được khơi lại, sáng lên và bền mãi, đó là truyền thống dâng trà cho cha mẹ, thầy cô, bề trên từ những người trẻ. Lễ hiếu qua chén trà mà văn hóa và sự gắn kết cũng qua chén trà…

Nguyễn Như Khôi, thành viên của Societea thể nghiệm cách thức pha trà.
Nguyễn Như Khôi, thành viên của Societea thể nghiệm cách thức pha trà.

Trà Vũ, một thành viên sáng lập của Societea nói: “Chúng tôi thuộc về một vài trong số các bạn trẻ Việt Nam mê trà. Cũng như nhiều bạn khác, chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào việc quảng bá trà Việt, tự hào giới thiệu văn hóa trà đến bạn bè quốc tế.

Thực tế thì hoạt động của Societea rất đa dạng, từ việc tổ chức các buổi workshop, chia sẻ kỹ thuật pha trà đến cách thưởng trà đúng điệu. Chúng tôi hy vọng qua những điều ý nghĩa này, thông điệp về một Việt Nam truyền thống nhưng không kém phần hiện đại, một Việt Nam của sự tinh tế và giàu bản sắc sẽ được truyền tải và lan xa...”.

Trần Phi Vũ (Trà Vũ) chàng trai mê trà, sáng lập viên của Societea.
Trần Phi Vũ (Trà Vũ) chàng trai mê trà, sáng lập viên của Societea.

Các quán trà như Societea do giới trẻ mở ra không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là điểm hẹn của cộng đồng, nơi mọi người cùng nhau chia sẻ niềm đam mê, trao đổi kiến thức và cùng nhau tạo nên những trải nghiệm văn hóa phong phú. Họ không ngại ngần quảng bá trà Việt Nam miễn phí, coi đó là cách để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Trà Vũ khẳng định.

“Qua những nỗ lực không mệt mỏi của giới trẻ, văn hóa trà Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi và trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh đa dạng của văn hóa Việt. Họ - những người trẻ tiên phong, sẵn sàng đối diện với thách thức để bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc”, Trà Vũ nói.

PHI LONG