Hà Nội yêu cầu tiêm vaccine COVID-19 phải đủ số lượng, đúng tiến độ

Từ ngày 13/4-18/4, Sở Y tế và các đơn vị liên quan đã tổ chức tiêm cho 167 người, nâng tổng số người được tiêm phòng COVID-19 lên 8.574 người. Hiện tại, các trường hợp này sức khỏe đều bình thường.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)  
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)  

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo COVID-19 Hà Nội chiều 19/4, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết trong những cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ y tế luôn đưa ra cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh quay trở lại. Hà Nội là địa bàn có nguy cơ rủi ro cao nhất về lây nhiễm COVID-19.

Vì vậy, các sở, ngành của thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của Trung ương và Thủ đô.

Tiếp tục mở rộng tiêm vaccine đợt 2

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin, hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, Ấn Độ hiện là "ổ dịch" lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á, tại Thái Lan trong tuần qua mỗi ngày ghi nhận trên 1.500 trường hợp mắc - con số cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát ở quốc gia này. Riêng tại Camphuchia, trung bình có trên 300 ca mắc mới/ngày.

Còn tại Việt Nam, từ ngày 13/4-18/4, ghi nhận 79 ca mắc mới đều là người nhập cảnh. Cộng dồn đến nay, nước ta ghi nhận 2.785 ca mắc, 35 ca tử vong và đã qua 25 ngày không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong nước.

Riêng với thành phố Hà Nội, từ ngày 12/4-18/4 ghi nhận thêm 7 ca mắc mới là người từ nước ngoài về và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Hiện tại, toàn bộ các trường hợp trên đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh. Từ 16/2 đến nay, tức là 63 ngày, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.

Đối với công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, theo báo cáo, từ ngày 13/4 đến 18/4, Sở Y tế và các đơn vị liên quan đã tổ chức tiêm cho 167 người, nâng tổng số người được tiêm phòng COVID-19 lên 8.574 người, hiện tại các trường hợp này sức khỏe đều bình thường.

Sở Y tế và các đơn vị đang tiến hành triển khai tiêm vaccine đợt 2 đối với lượng vaccine vừa được Bộ Y tế phân bổ cho Hà Nội là 53.350 liều. Cụ thể, đến 15 giờ ngày 19/4, đã hoàn thành tiêm 1.553 mũi tại 2 huyện Đông Anh và Hoài Đức.

Ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là để phòng, chống dịch bệnh, khác với việc tiêm chủng mở rộng ở trẻ em. Do đó, cần sự tập trung và vào cuộc tích cực của các địa phương phối hợp với ngành y tế triển khai thực hiện.

Không chủ quan, lơ là

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục phức tạp, đặc biệt không chỉ ở người cao tuổi mà ngay ở lứa tuổi thanh niên.

Lãnh đạo Hà Nội đã chỉ ra 3 nguy cơ dịch xâm nhập vào thành phố, đó là việc khó kiểm soát đối tượng nhập cảnh trái phép, nguy cơ lây nhiễm từ chuyên gia nhập cảnh và từ chính sự chủ quan, lơ là của người dân.

Đáng chú ý ở thời điểm này, về cơ bản người dân đã quay lại nhịp sống bình thường, do đó xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là của người dân cũng như Ban chỉ đạo các địa phương.

Vì vậy, Phó Chủ tịch thành phố đề nghị các đơn vị duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền để người dân nắm được tình hình dịch bệnh và thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch, tránh chủ quan.

Ông cũng lưu ý Ban Chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra các tổ chức, cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp, nhất là công ty liên doanh với nước ngoài. Ông Dũng yêu cầu, chỉ cho phép các đơn vị hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tập trung giám sát dịch bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh, nơi công cộng (những nơi nguy cơ cao); duy trì chế độ thường trực; tiếp tục triển khai tiêm chủng đợt 2; đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm sàng lọc với cán bộ y tế và những người có nguy cơ cao; khoanh vùng xử lý kịp thời khi có tình huống bất ngờ; chuẩn bị đẩy đủ trang thiết bị vật tư trong công tác phòng, chống dịch…

Trong công tác phòng, chống dịch, ông Dũng đề nghị các đơn vị cách ly tập trung quản lý chặt các trường hợp cách ly để không lây chéo và lây lan từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng… sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi xuất hiện các ca bệnh; giám sát chặt các trường hợp bệnh nhân và F1 khi trở về địa phương; đặc biệt xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh trái phép...

“Khác với các đợt tiêm chủng định kỳ cho trẻ nhỏ, cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng… tiêm chủng phải đủ theo số lượng đã rà soát và đúng theo tiến độ đã đề ra, không để thừa vaccine gây lãng phí…," ông Chử Xuân Dũng lưu ý thêm./.

Xuân Quảng

Theo Vietnam+