Hà Tĩnh: Hàng chục trụ sở vừa xây xong đành bỏ hoang vì sáp nhập

Sau khi sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, Hà Tĩnh có 46 trụ sở xã dôi dư chưa có phương án sử dụng. Trong đó có nhiều trụ sở vừa được đầu tư xây dựng, sửa chữa hàng tỷ đồng.

Việc sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, thôn với mục đích tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ đó góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Để thực hiện chủ trương này tỉnh Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đi đầu với việc sáp nhập xã, thôn, toàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020 đã giảm 46 xã, giảm thêm 183 thôn, tổ dân phố, giảm 2.698 cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giảm 26.170 người hoạt động ở thôn, tổ dân phố.

UBND xã Thạch Hương vừa mới được xây dựng
UBND xã Thạch Hương vừa mới được xây dựng

Tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), 31 xã, thị trấn sáp nhập còn 22 xã, thị trấn. 9 trụ sở xã không được sử dụng. Đầu năm 2020, các xã Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Tân của huyện Thạch Hà sáp nhập thành xã Tân Hương Lâm. Do đó trụ sở, trạm xá của Thạch Lâm, Thạch Hương bỏ hoang cho đến nay.

Năm 2017 - 2019 xã Thạch Hương đầu tư hơn 8 tỉ đồng để xây mới hội trường, nâng cấp sửa chữa hai dãy nhà làm việc. Trong đó, hội trường được xây mới hơn 4 tỉ đồng, đến giờ vẫn còn mùi sơn, các trang thiết bị còn mới tinh nhưng phải đóng cửa sau thời gian ngắn hoàn thành.

Các trụ sở đều được lát gạch sạch sẽ, khuôn viên thoáng rộng, bề thế nên từ khi bị bỏ hoang người dân tận dụng vào tập thể dục, trẻ nhỏ đạp xe vui đùa.

 UBND xã Thạch Lưu cho mượn vì không sử dụng đến
 UBND xã Thạch Lưu cho mượn vì không sử dụng đến

Cách trụ sở xã Thạch Hương hơn 5km là trụ sở xã Thạch Lưu cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Một dãy nhà 2 tầng sạch sẽ, được sơn sáng loáng bị bỏ không ngay sau khi hoàn thành.

Một người được thuê trông coi trụ sở xã Thạch Lưu cho biết: “Dãy nhà vừa xây xong thì bỏ hoang do sáp nhập, từ đó đến nay chỉ có mình tôi ở trông coi. Mới đây do công an chính quy về họ chưa có trụ sở làm việc nên đang đến ở tạm”.

Ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), sau sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, huyện từ 28 xã, thị trấn giảm còn 16 xã, thị trấn. Hiện 12 trụ sở xã đang bị bỏ hoang.

Trụ sở xã Đức Thanh (huyện Đức Thọ) đầu tư hơn 4 tỉ đồng để về đích nông thôn mới, trong khi xã còn nợ xây dựng nông thôn mới khoảng 10 tỉ đồng... Tuy nhiên, sau khi sáp nhập 3 xã Đức Thanh, Đức Bình, Đức Thịnh thành xã Thanh Bình Thịnh trụ sở xã Đức Thanh cũng bị bỏ hoang.

Theo tìm hiểu, những trụ sở xã dư thừa, tỉnh Hà Tĩnh vẫn giao cho xã quản lý để thanh lý bán. Việc đấu giá này sẽ khó thu hồi được vốn ban đầu. Tuy nhiên, các lãnh đạo xã đều cho biết, hiện nay chỉ có thể tổ chức bán đất, còn tài sản trên đất đưa ra bán đấu giá rất khó có người mua.

Ông Dương Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn cho biết, hiện xã đang có 2 trụ sở, 2 trạm y tế bỏ hoang. Đơn vị cũng đề xuất lên huyện các phương án xử lý nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. “Vấn đề ở chỗ đây là tài sản công nên gặp nhiều rắc rối” – ông Dũng nói.

Liên quan đến vấn đề trên một lãnh đạo Sở Tài chính Hà Tĩnh cho rằng, các trụ sở dư thừa sau khi sáp nhập các xã thì theo phương án tỉnh đã giao cho huyện, tất nhiên theo quy hoạch. Trụ sở nào sử dụng hay bán là do huyện phê duyệt, lập phương án trình lên tỉnh và sở là đơn vị thẩm định.

Bàn ghế hội trường mới được mua sắm nhưng hiện nay cũng bỏ không
Bàn ghế hội trường mới được mua sắm nhưng hiện nay cũng bỏ không
UBND xã Việt Xuyên
UBND xã Việt Xuyên
UBND xã Thạch Đồng
UBND xã Thạch Đồng

Diễm Phước

Từ khóa: