Hà Tĩnh: Triển khai các giải pháp đảm bảo tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam

Hà Tĩnh đang quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB và đảm bảo nguồn vật liệu thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Đẩy nhanh GPMB, đảm bảo nguồn vật liệu dự án cao tốc Bắc – Nam.
Đẩy nhanh GPMB, đảm bảo nguồn vật liệu dự án cao tốc Bắc – Nam.

Mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng vừa ký văn bản chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB và đảm bảo nguồn vật liệu thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

Để đảm bảo tiến độ triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung liên quan.

Cụ thể, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về mục tiêu đầu tư Dự án, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong phối hợp triển khai Dự án, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân phải bố trí tái định cư; các hộ gia đình, cá nhân nằm trong khu vực được UBND tỉnh chấp thuận khai thác vật liệu để phục vụ Dự án chưa thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án. Các địa phương chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư và thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định. Đối với việc di dời đường điện 220kV và 500kV, các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương bám nắm, làm việc với Bộ Công Thương để đẩy nhanh tiến độ xử lý, hoàn thành công tác thẩm định, sớm thi công di dời công trình đảm bảo bàn giao mặt bằng theo tiến độ thực hiện Dự án.

Đối với các mỏ vật liệu chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư, chủ mỏ trong thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ với các hộ dân để giải phóng mặt bằng khu vực mỏ, kịp thời cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ Dự án. Hoàn thành công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, tổ chức tận thu rừng, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định. Thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng các mỏ vật liệu đúng mục đích, đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường; ngăn chặn kịp thời các hiện tượng đầu cơ trục lợi, nâng giá, ép giá bất hợp lý trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành, địa phương với các Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư), kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng Dự án. Tổ chức đối thoại, vận động, giải thích, kịp thời giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của người dân liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án theo đúng quy định; không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng việc triển khai dự án để xúi dục, lôi kéo, gây mất ổn định tình hình trên địa bàn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, đến nay công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng đã đạt được những kết quả tích cực: đã hoàn thành công tác kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường đạt 99,07%, bàn giao mặt bằng đạt 98,04%; một số địa phương đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng là huyện Đức Thọ, thị xã Kỳ Anh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó tiến độ bàn giao mặt bằng ở một số địa phương vẫn còn chậm so với mức chung của tỉnh; vẫn còn 265/404 hộ tái định cư chưa di dời (Can Lộc 80/146 hộ, Thạch Hà 68/77 hộ, TP Hà Tĩnh 7/9 hộ, Cẩm Xuyên 51/88 hộ, huyện Kỳ Anh 26/68 hộ); mới hoàn thành 8/30 khu tái định cư, còn 22/30 khu tái định cư đang thi công dở dang; tiến độ thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lưới điện còn chậm; chưa có địa phương nào hoàn thành thẩm định hồ sơ di dời đường điện 220kV và 500kV tại Bộ Công Thương; còn 6/11 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án chưa hoàn thành thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng; thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng tại các mỏ có rừng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Những kết quả đạt được nêu trên đáng ghi nhận và biểu dương, tuy vậy, vẫn chưa đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ (hoàn thành bàn giao mặt bằng 100% trong quý II/2023), ngoài các nguyên nhân khách quan như: thủ tục thẩm định hồ sơ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật lưới điện, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, tổ chức tận thu rừng, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất phải qua nhiều bước, cần ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành; quỹ đất để trồng rừng thay thế của toàn tỉnh không đủ... thì nguyên nhân chủ quan do một số địa phương, đơn vị vẫn còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện.

Hoài Thanh