Tại buổi lễ tưởng niệm, sau nghi thức dâng hương, các đại biểu, tăng ni, phật tử, cùng người dân, du khách được nghe tiểu sử cuộc đời Phật Hoàng Trần Nhân Tông và văn tưởng niệm 716 năm ngày Phật Hoàng nhập Niết bàn. Hoà Thượng Thích Thanh Giác, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP. Hải Phòng, trụ trì chùa Long Hoa, Trưởng Ban Tổ chức Đại lễ cung tuyên tiểu sử, ôn lại cuộc đời của Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Phật hoàng Trần Nhân Tông, húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ 1258, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Ngài được vua cha lập làm Hoàng Thái tử năm 16 tuổi, tinh thông Tam giáo (Nho, Phật, Lão), đặc biệt học đạo với Tuệ Trung Thượng sĩ và ngộ chân lý thiền tông. Năm Mậu Dần 1278, Trần Nhân Tông lên ngôi vua, hiệu là Hiếu Hoàng. Ngài lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại giặc Nguyên – Mông (1285, 1288), mang lại thái bình thịnh trị.
Năm 1293, Ngài nhường ngôi cho con, trở thành Thái Thượng Hoàng. Năm 1299, Ngài xuất gia tại Yên Tử, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc đạo.” Ngài thống nhất ba dòng thiền lớn và truyền bá Phật giáo khắp Đại Việt, xây dựng mối quan hệ hòa bình với các nước lân bang. Năm 1308, Ngài nhập Niết bàn tại am Ngọa Vân, Yên Tử, để lại hệ thống tư tưởng và các tác phẩm kinh điển quý báu: Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trần Nhân Tông Thi Tập. Ngài được tôn xưng là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật, biểu tượng hài hòa giữa đạo và đời trong lịch sử dân tộc.
Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vị vua anh minh kiệt xuất, một vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo đoàn kết quân dân, hai lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông, nhà văn hóa tư tưởng lớn, người sáng lập và lãnh đạo thiền phái Trúc lâm, dòng thiền riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng Phật giáo nhập thế “Hòa quang đồng trần” đạo và đời dung hợp, tuy hai mà một, luôn hòa quyện với nhau, bổ trợ cho nhau, làm cho Phật giáo trở thành một triết lý hùng mạnh, sống động, có công năng uy lực trong xây dựng và phát triển đạo pháp.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, vị anh hùng của dân tộc. Đối với đạo pháp, Ngài là vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam bấy giờ, hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Phật giáo Việt Nam. Ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông nhập diệt tại đỉnh Ngọa Vân, am Tử Tiêu, núi Yên Tử, thọ thế 51 năm.
Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phật giáo Trúc Lâm để lại một kho tàng di sản vật thể và phi vật thể đồ sộ với hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ và các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây chính là tài sản văn hoá tinh thần vô cùng quý báu, đồng hành với lịch sử văn hóa dân tộc cho hôm nay và cả mai sau.
Trong không khí trang nghiêm thành kính, các đại biểu cùng chư tôn túc Hoà Thượng, chư Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni, Phật tử gần xa, du khách thập phương và nhân dân địa phương thực hiện các nghi lễ dâng hương tưởng niệm và cầu nguyện quốc thái dân an.
Ngô Quảng