Hòa Bình: Công tác khuyến công góp phần giải quyết việc làm cho người dân

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương Hòa Bình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương trong năm 2021.

Trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các cơ sở công nghiệp nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 thì việc triển khai các chương trình, đề án khuyến công nhằm hỗ trợ, động viên các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn là hết sức cần thiết.

Công tác khuyến công đang phát huy vai trò hỗ trợ các cá nhân, tổ chức phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả
Công tác khuyến công đang phát huy vai trò hỗ trợ các cá nhân, tổ chức phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả

Các chương trình, đề án khuyến công của tỉnh Hòa Bình đã hướng tới việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nhiều hoạt động cụ thể đã được triển khai từ đầu năm 2021 đến nay, cụ thể Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ hàng chục đơn vị tại đề án nhóm hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông lâm sản bao gồm: Hợp tác xã dược liệu Bigfarm (địa chỉ: xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc); Hộ kinh doanh Mai Đình Sơn (địa chỉ: xã An Bình, huyện Lạc Thủy); Hộ kinh doanh Mai Đình Tâm (địa chỉ: xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy).

Trong quá trình hỗ trợ, Trung tâm Khuyến công thường xuyên cử cán bộ xuống kiểm tra, tư vấn hỗ trợ các hộ kinh doanh, các hợp tác xã, qua đó, các hộ kinh doanh cũng đề đạt những nguyện vọng được quan tâm hỗ trợ, khác phục khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình cũng như tạo việc làm cho các hộ dân xung quanh. Hộ kinh doanh Mai Đình Tâm xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy mong muốn được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông lâm sản nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quy trình sản xuất, mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất và giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, tăng doanh thu từ 15-20%. Tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương góp phần phát triển ngành chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã triển khai các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh với kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ trung bình hàng năm là 1.200 triệu đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ trung bình hàng năm là 450 triệu đồng. Nội dung chủ yếu gồm: Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký xây dựng bảo hộ thương hiệu; tổ chức hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trang tin khuyến công trên truyền hình; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhưng các cơ sở vẫn có kế hoạch và mạnh dạn đầu tư phát triển mở rộng sản xuất. Góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa hòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

Kiểm tra, đánh giá và hỗ trợ theo nhu cầu thực tế của người thụ hưởng đề án Khuyến công là nhiệm vụ được Trung tâm Khuyến công thực hiện thường xuyên
Kiểm tra, đánh giá và hỗ trợ theo nhu cầu thực tế của người thụ hưởng đề án Khuyến công là nhiệm vụ được Trung tâm Khuyến công thực hiện thường xuyên

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, tạo ra nhiều môi trường làm việc hơn nữa cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đề ra một số giải pháp cụ thể như tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến đến các chủ cơ sở công nghiệp nông thôn kiến thức về hoạt động khuyến công, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong hoạt động khuyến công; duy trì thời lượng phát sóng, cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội và các trang chuyên đề về hoạt động và kết quả của hoạt động khuyến công, nhằm phổ biến, truyền tải kịp thời, đầy đủ về cơ chế, chính sách hoạt động khuyến công; Đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công, tăng cường tư vấn, có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích giúp đỡ kịp thời cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong quá trình lựa chọn hướng đầu tư phù hợp, triển khai đầu tư sản xuất; lựa chọn và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và hiệu quả; Xây dựng kế hoạch khuyến công từ cơ sở, bám sát vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện hằng năm và từng giai đoạn để triển khai thực hiện đúng tiến độ, mục đích và đạt hiệu quả cao; chú trọng đối tượng thụ hưởng đủ năng lực và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Cụ thể hoá các giải pháp bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư, đổi mới ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Chính sách khuyến khích phát triển cần tập trung theo hướng hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ. Tạo động lực cho công nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển, đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm. Hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm trên Trang thông tin điện tử của Sở Công thương.

Tăng cường công tác thông tin dự báo chính xác, kịp thời về nhu cầu thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, thị trường vật tư, nguyên liệu; Xây dựng kênh phân phối hàng hoá gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ cho các doanh nghiệp, HTX, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, nhãn mác, mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú... phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình./.

Hậu Nguyễn - Văn Phòng Tây Bắc

Từ khóa:
#h