Hòa Bình: Huyện Lạc Thủy luôn tự hào về thương hiệu chè Sông Bôi gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

Những năm gần đây, thương hiệu chè Sông Bôi, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã và đang từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, giá trị sản phẩm chè được nâng lên đáng kể. Người trồng chè ở huyện Lạc Thủy đã có thêm thu nhập ổn định từ loại cây trồng này. Nay sản phẩm chè Sông Bôi, ngày càng được khẳng định về giá trị và thương hiệu khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh năm 2020.

Vùng nguyên liệu sản xuất chè chất lượng cao tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Vùng nguyên liệu sản xuất chè chất lượng cao tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Lạc Thủy là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, huyện có 13 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 2 sản phẩm 4 sao, 11 sản phẩm 3 sao. Các chủ thể sản xuất đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật, công nghệ, phát triển chuỗi liên kết tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng, "gắn sao" trong lòng người tiêu dùng, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Sau nhiều thăng trầm, người dân Lạc Thủy luôn tự hào về thương hiệu chè Sông Bôi. Năm 2020, sản phẩm chè Sông Bôi của Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi Thăng Long đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, cây chè được trồng trên đất sông Bôi - nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, tập trung tại các xã: Phú Thành, Đồng Tâm, Phú Nghĩa. Công ty lựa chọn giống chè mới LDP1 để trồng và liên kết với các hộ dân trên địa bàn. Đây là giống chè có ưu điểm nổi trội, phù hợp với đồng đất Lạc Thủy, khả năng sinh trưởng tốt, năng suất cao. Sản phẩm chè của công ty được kiểm soát ATTP trong toàn bộ quá trình SX-KD, được đóng gói, gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Chè của Công ty chủ yếu xuất khẩu, trung bình mỗi năm xuất khoảng 150 tấn chè khô.

Hòa Bình: Huyện Lạc Thủy luôn tự hào về thương hiệu chè Sông Bôi gắn với xây dựng sản phẩm OCOP - Ảnh 1
Sản phẩm chè Sông Bôi của Công ty TNHH 2 thành viên Sông Bôi Thăng Long đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh.
Sản phẩm chè Sông Bôi của Công ty TNHH 2 thành viên Sông Bôi Thăng Long đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh.

Muốn có sản phẩm chè ngon, việc lựa chọn giống cây chè rất quan trọng. Sau nhiều năm chọn lọc, nghiên cứu, từ năm 2006, giống chè mới LDP1 được thử nghiệm thành công và nhân ra diện rộng ở Lạc Thủy. Đây là giống chè có ưu điểm nổi trội, phù hợp đồng đất, khí hậu nơi đây, khả năng sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chất lượng tốt. Đến nay, diện tích chè của công ty phát triển lên 250 ha, trồng tập trung ở các xã Phú Thành, Phú Nghĩa, Đồng Tâm và thị trấn Chi Nê, với khoảng 500 hộ tham gia trồng chè, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Bình quân 1 năm, công ty sản xuất được 130 tấn chè khô, giá bán bình quân 100 nghìn đồng/kg, cho doanh thu 13 tỷ đồng. Thị trường chủ yếu xuất khẩu sang Hồng Kông, Hàn Quốc và các nước Đông Âu.

Để chè Sông Bôi đạt đến sự tinh túy, những búp chè tươi sau khi hái được xào đầu (héo nhẹ), nhằm làm giảm đi một lượng ẩm nhất định, làm đọt chè mềm mại hơn, tạo thuận lợi cho quá trình diệt men tiếp theo được triệt để. Chè được vò kỹ, sấy khô. Việc sấy chè được thực hiện sau khi vò chè nhằm làm giảm lượng nước trong chè đến độ ẩm cần thiết, cố định một phần độ xoăn của cánh chè sau khi vò, đồng thời góp phần tăng hương thơm cho chè thành phẩm. Cuối cùng, chè được sàng, tách, thu sản phẩm chè đạt chất lượng để đóng gói. Quy cách đóng gói trong bao bì hộp giấy 100 g, 200 g và 500 g, sản phẩm chè Sông Bôi đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Xã Phú Thành chiếm diện tích đất trồng chè lớn nhất của Huyện Lạc Thủy, Hòa Bình.
Xã Phú Thành chiếm diện tích đất trồng chè lớn nhất của Huyện Lạc Thủy, Hòa Bình.
Bà con nông dân đang tiến hành thu hái búp chè bằng tay.
Bà con nông dân đang tiến hành thu hái búp chè bằng tay.

Cùng với đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng diện tích trồng chè góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, huyện tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Chè Sông Bôi”. Theo đó, huyện xây dựng hệ thống văn bản quản lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu "Chè Sông Bôi” từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm…

Ông Ngọ Đình Tâm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy, cho biết: Phát huy tiềm năng ngành nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, CNH - HĐH, huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh sản xuất các sản phẩm đặc trưng như cam, chè, na… Đó là một trong những thuận lợi để doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp đầu tư kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chuẩn hóa nông sản theo tiêu chuẩn OCOP. Các chủ thể luôn chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tạo ra những sản phẩm chất lượng, truy suất nguồn gốc rõ ràng.

Bà con nông dân luôn tuân thủ các phương pháp trồng và chăm sóc chè hữu cơ.
Bà con nông dân luôn tuân thủ các phương pháp trồng và chăm sóc chè hữu cơ.

Tạo đòn bẩy để chủ thể thuận lợi trong chuẩn hóa sản phẩm OCOP, UBND huyện quan tâm xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm địa phương. Tiêu biểu như nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thủy”, nhãn hiệu chứng nhận "Gà Lạc Thủy”, "Na Lạc Thủy”, "Dê Lạc Thủy”, "Chè sông Bôi”. Đồng thời, tăng sức cạnh tranh cho nông sản chủ lực thông qua xây dựng các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm. Tập trung hỗ trợ, thúc đẩy chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, ATTP đối với sản phẩm. Tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao KHCN cho chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Song song với nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện chú trọng đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn, Voso.vn và các website, mạng xã hội để mở rộng thị trường tiêu thụ. Kết quả, đã có 6 sản phẩm OCOP của huyện được bán trên sàn TMĐT là: Chè sông Bôi, chủ thể Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi; cam Chung Hường, chủ thể nhà vườn Chương Hường, xã Phú Nghĩa; na Đồng Bong của HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm; thanh long ruột đỏ, chủ thể HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà; trứng gà Ngọc Hân, chủ thể HTX Nam Sơn. Lạc Thủy được đánh giá là địa phương dẫn đầu tỉnh đưa sản phẩm OCOP nói riêng và nông sản nói chung lên sàn TMĐT, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

PHI LONG/VPTB