Phát huy hiệu quả tiềm năng mặt nước
Trong những năm qua, ngành thủy sản tỉnh Hòa Bình đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, việc nuôi cá lồng trên vùng hồ thủy điện sông Đà đã và đang phát triển mạnh mẽ với số lượng lồng nuôi tăng theo từng năm. Việc nuôi cá lồng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các xã ven hồ thủy điện Hòa Bình; giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của người nuôi thủy sản
Tận dụng tiềm năng mặt nước hồ thủy điện, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản. Khai thác thủy sản diễn ra chủ yếu là trên hồ thủy điện sông Đà và các sông suối lớn, hồ, đập. Phương tiện khai thác gồm thuyền các loại 1.470 chiếc, lưới các loại 1.250 chiếc và 445 cái vó đèn, sản lượng khai thác hàng năm ước đạt khoảng 2.000 tấn, riêng trong quý I/2023 đạt khoảng 500 tấn. Đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá tạp, tôm sông, các loài cá có giá trị kinh tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bên cạnh đó, các cơ sở, hộ dân sản xuất cá giống đang cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống phục vụ cho sản xuất vụ xuân. Sản lượng cá giống ước đạt trên 31 triệu con giống các loại.
Về NTTS, tỉnh tập trung phát triển theo hướng đa dạng hóa giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản, có giá trị kinh tế như: Cá lăng, cá chiên, cá trắm đen, cá chép, cá bỗng, cá rô phi…. Nhờ đó, năm 2022, giá trị kinh tế ngành thủy sản của Hòa Bình ước đạt 254 tỷ đồng, NTTS đạt 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân một lồng nuôi 50 m3 đạt khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm. Hiện đã có 25 cơ sở nuôi trên 20 lồng cá, 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng cá, 7 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đã ký kết liên danh với các hộ nuôi cá lồng đạt quy chuẩn VietGAP, mỗi năm cung cấp trên 2.000 tấn cá thương phẩm ra thị trường. Có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá sông Đà tại Hà Nội. Quý I/2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi và khai thác của toàn tỉnh ước đạt 3.063 tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng là 2.577 tấn và sản lượng khai thác là 486 tấn.
Trong những năm qua, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, ngành NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, tập trung vào các loài đặc sản có chất lượng, giá trị cao. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nuôi trồng, cải tiến, hoàn thiện quy trình chăm sóc, đa dạng hoá sản phẩm cá thương phẩm.
Nghề NTTS của Hòa Bình trong những năm qua tuy có chuyển biến tích cực nhưng tốc độ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng của tỉnh. Việc đưa các giống cá có giá trị kinh tế, cá đặc sản vào nuôi trồng còn hạn chế do giá thành đầu vào con giống, thức ăn cao, trong khi người dân còn khó khăn về kinh phí đầu tư sản xuất. Toàn tỉnh có 4 cơ sở ương dưỡng cá giống, chủ yếu là cá truyền thống, chưa cung cấp được con giống có giá trị kinh tế cho nuôi lồng bè. Việc đăng ký lồng bè cho các cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ do quy định về giao, cho thuê mặt nước. Sự liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh còn hạn chế, chưa có nhà máy chế biến bảo quản sau thu hoạch dẫn tới việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình cho biết: “Với tiềm năng, lợi thế rất lớn từ vùng lòng hồ sông Đà, chúng tôi đã khảo sát và cho thấy trữ lượng NTTS vùng lòng hồ có thể đạt 16.000 tấn cá/năm. Đây là một lợi thế rất lớn vì nguồn nước hiện nay vẫn đảm bảo để nuôi cá. Thời gian tới, thông qua quy hoạch tổng thể của tỉnh, ngành thủy sản đã rà soát và xây dựng quy hoạch ngành thủy sản với mục tiêu sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, gắn với thị trường. Căn cốt nhất là phát triển ngành thủy sản bền vững gắn với đánh thức tiềm năng, lợi thế vùng hồ”.
Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, ngành thủy sản Hòa Bình chú trọng phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước NTTS, ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm. Tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện sông Đà, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường nhằm phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái vùng hồ. Tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh, phát triển NTTS theo hướng đa dạng hoá giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản; tiếp tục duy trì diện tích nuôi cá ao, hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Phát triển nghề nuôi cá lồng sông Đà
Ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: "Hồ Hòa Bình là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất, với diện tích ở tỉnh ta khoảng 8.900 ha, trải dài trên địa bàn 19 xã thuộc 5 huyện, thành phố, có điều kiện và môi trường thuận lợi để nuôi các loại cá nước ngọt. Với tiềm năng, lợi thế, mấy năm nay đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, liên doanh sản xuất nuôi cá lồng bè trên vùng hồ Hòa Bình”.
Chúng tôi đến thăm cơ sở nuôi cá của Công ty TNHH Thủy sản Hải Đăng- doanh nghiệp đầu tư bài bản, có quy mô lớn trên khu vực hồ Hòa Bình, địa điểm đầu tư trên địa bàn xã Thái Thịnh - TP Hòa Bình. Anh Nguyễn Văn Toản, đại diện Công ty cho biết: Hồ Hòa Bình có hệ thủy sinh đa dạng, phong phú, nước hồ sạch, đặc biệt còn nhiều loại cá quý, đặc hữu, rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá. Tiền thân là hộ gia đình Bảy Tuyển từ gần 20 năm trước đã nuôi cá trên sông Đà, nhận thấy tiềm năng phát triển các loại cá sông Đà, năm 2013, gia đình đã thành lập doanh nghiệp đầu tư nuôi cá quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến. Doanh nghiệp đang hoạt động ổn định với khoảng 160 lồng, nuôi các loại cá lăng, vược, chép giòn, trắm giòn..., sản lượng khoảng 350 tấn/năm, đem lại doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm, góp phần đưa thương hiệu cá sạch Hòa Bình vươn xa. Quy trình nuôi được tuân thủ nghiêm ngặt, bảo đảm sản xuất an toàn. Công ty đã xây dựng kho và các đại lý tiêu thụ sản phẩm ở các nhà hàng, khách sạn khu vực miền Bắc, trong đó tập trung ở thị trường Hà Nội. Công ty là doanh nghiệp tham gia chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà theo chuỗi giá trị.
Cùng với đó, hiện nay sản xuất theo chuỗi giá trị đang là lựa chọn số một của ngành nông nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững. Bắt kịp xu thế đó, với tiềm năng, lợi thế vùng lòng hồ sông Đà, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình theo chuỗi giá trị đối với ngành hàng cá, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm "cá sông Đà" trên thị trường.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ cá sông Đà, gia đình chị Nguyễn Thị Dung (TP Hòa Bình) đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Đà từ nhiều năm nay. Với mong muốn xây dựng thương hiệu cá sạch sông Đà, chị Dung đã liên kết với 6 thành viên và thành lập HTX cá sạch Bảy Tuyển với quy mô 25 lồng cá, chuyên nuôi các loại đặc sản như: lăng đen, lăng vàng, trắm đen, diêu hồng, chép giòn... Chị Dung cho biết: Khi thành lập HTX, gia đình đã liên kết được với nhiều hộ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sản lượng. Đồng thời, triển khai quy trình sản xuất khép kín, từ con giống đầu vào đều được tuyển chọn là con giống loại 1, nuôi dinh dưỡng khi cá bé và nuôi hoàn toàn bằng cá tép dầu khi con cá bắt đầu đủ lớn. Cá được nuôi đảm bảo thời gian 2 - 3 năm mới thu hoạch.
Hiện nay, trung bình mỗi năm, HTX cá sạch Bảy Tuyển xuất ra thị trường trên dưới 100 tấn cá tươi các loại, chủ yếu tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ngoài sản phẩm cá tươi, HTX cũng cho ra một số sản phẩm cá đã qua sơ chế như ruốc cá sông Đà.
Ngoài ra, chị Dung chia sẻ thêm: “Cá của HTX Bảy Tuyển đã vào được chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số siêu thị lớn. Để vào được thị trường lớn và các kênh phân phối "khó tính" như hiện nay, trước tiên HTX đã quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng cá sạch, tươi, thịt chắc, giàu dinh dưỡng khi đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, các đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá sạch sông Đà đến với người tiêu dùng”.
Hiện nay, đối với ngành hàng cá, toàn tỉnh có 8 HTX và 6 tổ hợp tác nuôi trồng, chế biến thủy sản với gần 100 thành viên, chủ yếu thuộc khu vực lòng hồ Hòa Bình. Xác định ngành hàng cá là một trong những thế mạnh của tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX và các tổ hợp tác nuôi trồng, chế biến thủy sản trên vùng hồ sông Đà.
Ông Võ Hoài Giáp, Trưởng phòng Hỗ trợ, Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hiện nay, cá trên lòng hồ Hòa Bình có thương hiệu rất lớn trên thị trường Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Việc xây dựng chuỗi giá trị tập hợp các HTX có vai trò quan trọng để cùng nhau xây dựng thương hiệu cho con cá, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng được nhu cầu thị trường và tạo cho các HTX từng bước vững mạnh hơn, có đầy đủ con giống, khoa học kỹ thuật cũng như hỗ trợ trang thiết bị. Năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ 4 máy cho cá ăn tự động, giảm bớt chi phí lao động và tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ quản lý HTX và đào tạo nghề cho thành viên, người lao động để nâng cao năng lực cho HTX trong việc nuôi trồng thủy sản để tận dụng hết lợi thế so sánh của HTX trên vùng lòng hồ.
Đặc biệt, nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu sản phẩm, xúc tiến đầu tư để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2022, đã tổ chức 2 hội nghị kết nối cung cầu và giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội, Hải Phòng với 84 HTX, 66 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh tổ chức 2 lớp bồi dưỡng quản trị HTX; 11 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 333 lượt thành viên và người lao động; hỗ trợ 12 HTX vay 3,12 tỷ đồng nguồn quỹ hỗ trợ HTX; lũy kế doanh số cho vay đạt hơn 6,900 tỷ đồng…
PHI LONG - MINH ĐÔNG/VPTB