Tham gia tại Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên – Chủ trì Hội nghị và Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí...
Qua nền tảng Zoom, Hội nghị có sự tham gia chia sẻ của Ông Nguyễn Phú Hòa - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Australia; Ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Algeria; Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ; Ông Lê Phú Cường – Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia; Ông Phạm Thế Cường - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia; Ông Nguyễn Thành Huy - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan và tham tán thương mại tại 60 thị trường nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 29 Trung tâm Xúc tiến Thương mại địa phương, 12 Chi cục Quản lý chất lượng nông sản, lâm sản; 06 Hiệp hội ngành hàng, các Liên minh Hợp tác xã, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô lớn, gần 400 đại biểu tham gia trực tiếp, trực tuyến…
Hội nghị lần này sẽ tập trung bàn thảo về các cơ hội xuất khẩu ngành thực phẩm chế biến, với trọng tâm vào các thị trường khu vực châu Á và một số thị trường châu Đại Dương, Châu Phi; thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất-nhập khẩu, qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất-nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam.
Chương trình Hội nghị kỳ tháng 2/2023 bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Australia, Algeria, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến; phiên 2 dành cho đại diện các hiệp hội (Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch), cơ quan địa phương (Sở Công Thương Phú Thọ) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu thực phẩm chế biến với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay: Số liệu về tình hình kinh tế tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, Việt Nam vẫn ghi nhận xuất siêu, song tình hình ngoại thương 2 tháng qua và những tháng tới có rất nhiều thách thức. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy XK hàng hóa, trong đó có hàng hóa thuộc ngành nông sản, thực phẩm và chế biến thực phẩm là rất quan trọng.
Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Hội nghị cập nhật tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam có một số điểm đáng chú ý như sau: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu hai tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,8%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 02/2023 ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu hai tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6%. Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 14,6 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tháng Hai ước tính xuất siêu 2,3 tỷ USD. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD).
Bên cạnh đó, dù có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới nhưng các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, qua đường tiểu ngạch và đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc...
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 02/2023 tiếp tục làm kênh trao đổi nhanh chóng, cụ thể nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu các mặt hàng tiềm năng và thế mạnh ra thị trường thế giới, để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ các ngành hàng làm tốt công tác thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả từ đó dễ dàng nắm bắt thông tin, yêu cầu xuất khẩu vào các quốc gia trên thế giới.
PV