Trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho người dân ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là bà con trồng chè công nghiệp. Nhiều diện tích chè bị ngập nước, gây hư hại nghiêm trọng. Thời gian trồng và chăm sóc chè để có được ruộng tốt thường mất từ 5-6 năm, nhưng sau cơn lũ, những vườn chè bị ảnh hưởng sẽ cần thêm vài năm để phục hồi. Ông Nguyễn Hữu Chiến - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Để khắc phục thiệt hại, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra và tư vấn cho các huyện, thành phố về biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi cũng đang hướng dẫn và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại đối với cây trồng và vật nuôi”.
Cụ thể, ở Yên Bái, hơn 820 ha cây công nghiệp bị thiệt hại, trong đó có chè. Bão đã làm gãy đổ và ngập úng nhiều diện tích chè, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Tại Bắc Giang, theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, thống kê sơ bộ, tính đến ngày 13/9/2024, do ảnh hưởng của bão số 3 đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, 7.541 ha cây ăn quả, nhiều loại cây hàng năm khác, bao gồm chè bị ảnh hưởng nặng nề. Ở Hà Giang, diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại hơn 1.600 ha, bao gồm cả diện tích chè.
Hiện nước đã rút nhưng số diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nặng, bị đổ và vùi lấp không thể khắc phục là rất nhiều. Cấp uỷ cùng các cấp chính quyền cơ sở đã hướng dẫn người dân khẩn trương khôi phục sản xuất, đặc biệt tại các vùng chè, cũng như có giải pháp khắc phục các đoạn đường bị hỏng. Thái Nguyên thì tổng diện tích lúa, chè, hoa màu, cây ăn quả bị ngập lên đến hơn 8.000 ha, phần lớn là mất trắng. Việc khôi phục đang trở nên nan giải, nhiều nơi người dân bất lực chỉ biết trông chờ sản xuất vào vụ mùa sau.
Khi cây chè bị ngập úng kéo dài cây trồng bị suy kiệt là vì đất bị bão hòa nước, gây thiếu oxy vùng rễ. Sau khi nước rút thường tạo lớp váng bề mặt dày làm cho ô xy trong không khí không thể khuếch tán vào đất, rễ cây không thể lấy ô xy để hô hấp, cây trồng gặp khó khăn khi thực hiện quá trình trao đổi khí và hấp thụ các dưỡng chất. Ở điều kiện ngập nước kéo dài cây chè phải hô hấp yếm khí, sinh ra các chất độc hại đối với lông hút của rễ. Các lông hút trên rễ sẽ bị chết, không còn lấy được nước và các chất dinh dưỡng. Những nguyên nhân trên làm cho cây chè không thể hấp thu dinh dưỡng qua đường rễ và quang hợp qua đường lá để chuyển hóa dinh dưỡng nuôi cây. Biểu hiện của cây chè sau khi bị ngập úng là: Lá có màu xanh nhạt hoặc lá bị vàng úa, chồi non chậm phát triển, biểu hiện tăng thêm là rụng lá, kể cả lá non, và càng nặng hơn là toàn cây bị héo rũ và chết.
Sau lũ, việc khôi phục sản xuất là cấp bách đang được các địa phương cũng như người dân tập trung triển khai với các giải pháp, như: Khôi phục, chăm sóc diện tích có thể khắc phục; chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây ngắn ngày vào thâm canh để bù đắp thiệt hại do mưa lũ.
Theo các chuyên gia, để đảm bảo kế hoạch sản xuất chè vụ mùa 2024, nông dân cần lưu ý thực hiện các bước phục hồi cho cây trồng sau ngập úng, như sau:
+ Khi nước vừa mới rút cây chè đang trong tình trạng yếu, cây chưa hồi phục tuyệt đối không được bón phân. Việc đầu tiên là phải tạo mọi điều kiện để thoát hết nước trong vườn cây, vườn nào thấp dễ đọng nước cần khai thông mương, đánh rãnh để nước rút xuống càng nhanh càng tốt.
+ Cắt tỉa các cành yếu, cành vượt, cành la để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng.
+ Khi nước rút hoàn toàn, lưu ý không nên làm gì cả cho đến khi đất khô, không dẫm đạp nhiều làm ảnh hưởng đến hệ thống rễ của cây, làm cho cây bị ngạt khí và có thể chết.
+ Khi đất khô, tiến hành phá váng (lớp bùn mặt) bằng cách dùng cào, cào nhẹ lớp đất bề mặt vừa khô, nứt nẻ để không khí đi xuống dưới dễ dàng, nhằm cung cấp ô xy cho rễ hô hấp tốt.
+ Sau khi cây chè phục hồi hoàn toàn, tiến hành bón bổ sung (bón nhẹ) phân NPK kết hợp trung vi lượng; chú ý theo dõi nấm bệnh hại lá nếu thấy xuất hiện thì cần phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu được phép sử dụng trên chè.
Việc phục hồi cây chè sau bão là quá trình cần kiên nhẫn và chăm sóc tỉ mỉ. Thông qua việc cải thiện hệ thống thoát nước, xử lý đất, cắt tỉa và bổ sung dinh dưỡng, bà con có thể giúp cây chè nhanh chóng hồi phục và phát triển trở lại. Áp dụng đồng bộ các biện pháp này sẽ hỗ trợ cây chè vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển bền vững trong tương lai.