Huế: Điểm sáng về bảo tồn di sản thế giới

Huế hiện sở hữu 6 di sản thế giới được UNESCO công nhận trực tiếp, bao gồm: Quần thể Di tích Huế, Nhã nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, và Di sản tư liệu Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế. Ngoài ra, cố đô này còn đồng sở hữu 2 di sản thế giới khác là Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Nghệ thuật hát Bài Chòi.

Ngày 22/5/2025, Huế đã vinh dự đón tiếp ông Lazare Eloundou, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO, cùng phái đoàn công tác quan trọng. Chuyến thăm này nhằm mục đích khảo sát thực tế và tìm hiểu sâu rộng về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản Văn hóa Thế giới tại địa phương
Ngày 22/5/2025, Huế đã vinh dự đón tiếp ông Lazare Eloundou, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO, cùng phái đoàn công tác quan trọng. Chuyến thăm này nhằm mục đích khảo sát thực tế và tìm hiểu sâu rộng về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản Văn hóa Thế giới tại địa phương

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Huế luôn được đặc biệt chú trọng và triển khai trên nhiều lĩnh vực: từ trùng tu di tích, bảo tồn văn hóa phi vật thể và tư liệu, đến cải tạo cảnh quan môi trường, trưng bày – bảo tàng hóa, hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và ứng dụng công nghệ bảo tồn, chuyển đổi số. Nhờ những nỗ lực này, các di sản không chỉ được gìn giữ một cách bài bản, khoa học mà còn từng bước trở thành động lực phát triển bền vững cho kinh tế xã hội và đời sống văn hóa đô thị.

Tính đến nay, gần 200 công trình và hạng mục thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế đã được bảo tồn, trùng tu và tu bổ với tổng kinh phí lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Công tác này luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972, hướng dẫn của UNESCO và Luật Di sản văn hóa Việt Nam, đảm bảo tính chân thực, toàn vẹn và khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt miền Trung.

Huế: Điểm sáng về bảo tồn di sản thế giới - Ảnh 1
Huế: Điểm sáng về bảo tồn di sản thế giới - Ảnh 2
Tham quan Đại Nội Huế, bao gồm các địa điểm nổi bật như Ngọ Môn, Lầu Ngũ Phụng, Điện Thái Hòa, Thế Miếu, Hiển Lâm Các và Điện Kiến Trung
Tham quan Đại Nội Huế, bao gồm các địa điểm nổi bật như Ngọ Môn, Lầu Ngũ Phụng, Điện Thái Hòa, Thế Miếu, Hiển Lâm Các và Điện Kiến Trung

Kể từ khi thành lập Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vào năm 1982, Huế đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ 15 chính phủ, 50 tổ chức phi chính phủ và hơn 10 tổ chức tư vấn quốc tế chuyên môn. Hơn 60 chương trình và dự án hợp tác quốc tế đã được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực quản lý di sản và mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Huế trong lĩnh vực bảo tồn di sản.

Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế không chỉ tập trung vào công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, mà còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, số hóa dữ liệu trùng tu di tích, truyền thông đa phương tiện hình ảnh di sản Huế, phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản, đồng thời hỗ trợ hài hòa lợi ích cộng đồng nhằm phát triển bền vững. Di sản văn hóa Huế được kỳ vọng sẽ tiếp tục là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Cố đô, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Khảo sát Cung An Định
Khảo sát Cung An Định
Đoàn công tác UNESCO, với sự hiện diện của ông Eloundou, bà Lê Thị Hồng Vân (Cục trưởng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) và bà Phạm Thị Thanh Hường (Trưởng Ban Văn hóa Văn phòng UNESCO Hà Nội), đã có một lịch trình khảo sát dày đặc...
Đoàn công tác UNESCO, với sự hiện diện của ông Eloundou, bà Lê Thị Hồng Vân (Cục trưởng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) và bà Phạm Thị Thanh Hường (Trưởng Ban Văn hóa Văn phòng UNESCO Hà Nội), đã có một lịch trình khảo sát dày đặc...

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang nghiên cứu lập hồ sơ đăng ký dự án Phục hồi tổng thể Cung An Định gửi đề nghị Bộ Văn hóa Pháp và UNESCO xem xét phê duyệt tài trợ. Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, phục vụ du khách, cộng đồng, các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, đồng thời bổ sung điểm nhấn cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật trong Festival Huế và các chương trình giao lưu quốc tế.

Bùi Quốc Dũng