Tăng xuất khẩu, một trọng tâm chính trong thu hút FDI của Việt Nam, nhưng Covid-19 đã khiến nó không còn là lợi thế, thậm chí trở thành thách thức.
Suy thoái kinh tế nếu kéo dài sẽ làm phai nhạt những thành tích về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, nhưng cũng tạo ra cơ hội xác lập một chiến lược thu hút FDI mới, qua đó xác định sẽ thu hút lĩnh vực nào, nhà đầu tư nào từ nguồn vốn tràn ra ngoài Trung Quốc.
Ô cờ trung tâm
Các số liệu công bố hàng tháng tại Việt Nam cho thấy FDI có dấu khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc từ ngày 23/4, dù tin tức về diễn biến còn phức tạp của đại dịch có thể cản trở việc phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế.
Giá trị vốn cam kết đã bật tăng trong tháng 4, tăng 81% so với tháng 3/2020 và 62% so với tháng 4/2019, trong bối cảnh bốn tháng đầu năm 2020, cam kết vốn FDI đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ năm trước, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa số liệu trong Bản tin kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020.
“Khủng hoảng y tế đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói hôm 9/5, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp. Ông kêu gọi cả hệ thống phải tập trung hơn nữa việc khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%.
Các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư, nhất là tác động tiêu cực đại dịch COVID-19. Thủ tướng tin rằng: “Làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua”, Thủ tướng nói.
Địa lý, một lợi thế có thể giúp Việt Nam giành được nhiều chú ý hơn từ các nhà đầu tư. Nhưng Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) không tỏ ra lạc quan về nguồn vốn mới vào Việt Nam được rút ra khỏi Trung Quốc.
Tiến sĩ Thành, người có hơn 12 năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, thậm chí còn tính đến khả năng các nhà đầu tư tốt nhất có thể sẽ không chọn nước ta làm cứ điểm sản xuất mới do có nhiều điều kiện không tốt, về thể chế, môi trường kinh doanh, hạn chế lao động kỹ năng và nền công nghiệp hỗ trợ chưa hoàn chỉnh.
Covid-19 khiến các nhà đầu tư tại Trung Quốc phải xem xét lại bản chất toàn cầu hóa và sản xuất ở đâu để có lợi nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ. Đầu tư vào Trung Quốc có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế độc lập, cho biết, nhiều nhà đầu tư vẫn coi Việt Nam là “phần kéo dài” của thị trường Trung Quốc. Ấn Độ mới là nơi tương xứng nếu xét về vị trí địa lý, khả năng quản lý, nguồn nhân lực và các điều kiện khác.
Theo Tiến sĩ Ánh, kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ rút vốn từ Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam nhưng cần thấy rằng, Việt Nam là một thị trường nhỏ. Cách thức thu hút, tận dụng các lợi thế của khu vực FDI để vươn lên của Việt Nam rất hạn chế.
“Việt Nam đã rất kém trong việc học hỏi Trung Quốc về thu hút FDI”, ông Ánh chỉ rõ một thực tế, dù thành tựu thu hút FDI của Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chiến tranh thương mại và dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này.
Trung Quốc, kể từ khi gia nhập WTO năm 2001 đến nay, đã rất thành công về thu hút FDI và thông qua đó trở thành “công xưởng của thế giới”. Những ngành Trung Quốc tham gia, như chế tạo, chiếm hơn 1/5 thị trường toàn cầu.
Trung Quốc cũng tận dụng ưu thế của các nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia rất sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điển hình, Tập đoàn Huawei đã vượt các công ty lớn của Mỹ và châu Âu để tham gia dẫn dắt thị trường toàn cầu.
|
|
Xác lập nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới
Việt Nam vẫn có thể thu hút được nguồn vốn mới đến từ Trung Quốc nhưng Tiến sĩ Ánh nói cần thay đổi tư duy để tận dụng được ưu thế của nhà đầu tư và nâng tầm Việt Nam từ những ưu thế đó.
Theo ông Ánh, hệ thống tư duy về FDI liên quan đến 4 nội dung. Thứ nhất, bất bình đẳng trở thành vấn đề quan trọng, dù về mặt luật pháp nước ta không phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
Thứ hai, Việt Nam đặt trọng tâm chính vào xuất khẩu khi thu hút FDI nhưng đến nay xuất khẩu vẫn chủ yếu ở nhóm gia công, thâm dụng lao động. Nếu soát xét khoảng hai chục mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn, những mặt hàng giá trị gia tăng cao nhất, như điện thoại, linh kiện điện tử và máy tính, đều thuộc về khu vực FDI.
Thứ ba, tính lan tỏa. Vấn đề chủ yếu nằm ở phía các doanh nghiệp Việt Nam khi chưa làm tốt vai trò doanh nghiệp vệ tinh. Đến nay, gần như chưa có doanh nghiệp Việt Nam làm vệ tinh cho doanh nghiệp nước ngoài vươn lên thành công, trở thành một mắt xích trực tiếp trong chuỗi giá trị toàn cầu, công nghiệp hỗ trợ là một ví dụ.
Thứ tư, chuyển giao công nghệ. Việt Nam lâu nay vẫn chủ yếu quan tâm đến thu hút vốn FDI, chưa quan tâm nhiều đến chuyển giao công nghệ hay các doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ ở tầm nào so với trình độ công nghệ của thế giới.
Việt Nam đã không thành công trong việc chuyển giao công nghệ cao. Hiện nay, hầu hết công nghệ của các doanh nghiệp FDI đều chỉ ở tầm trung bình và trên trung bình, còn công nghệ cao và hiện đại là gần như không có.
Trong khi đó, Trung Quốc đã có một kinh nghiệm tốt về chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI, đó là ép các doanh nghiệp FDI phải có công nghệ hiện đại và đồng thời phải chuyển giao công nghệ đó cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Tương tự, với vấn đề quản trị. Các doanh nghiệp FDI đã không mang những tinh hoa quản trị vào Việt Nam, thậm chí còn thui chột để phù hợp với môi trường quản lý của Việt Nam. Ở nước ngoài, có thể họ không dám hối lộ, biến báo sổ sách, nhưng sang Việt Nam, họ lại “rất tài” trong khoản này.
Một điều ông Ánh chắc chắn là Việt Nam cũng “không kham nổi” toàn bộ nguồn vốn rút ra từ Trung Quốc. Do đó, nên lựa chọn những luồng vốn, lĩnh vực và nhà đầu tư phù hợp với chiến lược thu hút FDI của Việt Nam, qua đó xác lập nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới.
Hiện xuất khẩu đã lên tới 100% GDP. Tiến sĩ Ánh khuyến cáo Việt Nam cần rút ra bài học, lựa chọn chuỗi giá trị riêng cho mình thay vì tiếp tục nhận gia công để chịu cảnh liêu siêu do đứt nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc hay mất đầu ra do các thị trường xuất khẩu chính tạm đóng cửa.
Quan trọng không kém, theo ông Ánh, nếu Việt Nam thu hút được nguồn vốn mới, bản thân các doanh nghiệp trong nước phải học hỏi, liên kết các doanh nghiệp FDI để thông qua đó để đạt được các mục tiêu về công nghệ, về thâm nhập thị trường, về doanh thu hay nâng cao trình độ quản trị./.
Nguyễn Ánh