Hương Sơn - Hà Tĩnh: Loại quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên dịp Tết

Cam bù được xem là một loại đặc sản nổi bật của huyện miền núi Hương Sơn. Thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán, cam bù không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn là loại quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp Tết đến xuân về.

Món đặc sản làm nên thương hiệu

Đến Hương Sơn vào dịp cuối năm, dễ dàng nhận thấy giống cây chủ lực đã giúp huyện miền núi thuần nông này vươn lên thoát nghèo với mức thu nhập ổn định. Các ngành nghề như chăn nuôi dê, hươu sao hay trồng cam chanh, cam bù đều góp phần giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Cam bù được xem là loại quả đặc sản của huyện Hương Sơn
Cam bù được xem là loại quả đặc sản của huyện Hương Sơn

Anh Nguyễn Văn Sơn, một hộ dân ở xã Sơn Trường, chia sẻ: "Gia đình chúng tôi trồng và chăm sóc cam bù đã mấy chục năm nay. Nhờ cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật, cây cam không chỉ cho năng suất cao mà còn đạt tiêu chuẩn sạch VietGap, giúp thương hiệu cam bù Hương Sơn ngày càng nổi tiếng." Nhờ đó, gia đình anh mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cam.

Trước đây, cam bù chủ yếu được tiêu thụ trong huyện. Nhưng hiện nay, loại quả này đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước, được nhiều khách hàng đặt mua.

Cam bù giúp người dân Hương Sơn thoát nghèo
Cam bù giúp người dân Hương Sơn thoát nghèo

Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài qua Tết Nguyên Đán. Mỗi cây cam cao khoảng 2-3 m, cho chừng 100-200 quả. Để tránh quả sà xuống đất, người dân phải chống cọc tre xung quanh cành cây. Tuổi thọ trung bình của mỗi cây là 10-15 năm.

Bà Tâm, chủ trang trại cam ở xã Sơn Mai, cho biết việc chăm sóc và tỉa cành cho cam bù rất kỳ công. "Cam bù Hương Sơn phải bón phân chuồng, và mỗi lần làm cần thuê nhân công với chi phí mỗi ngày hơn 200.000 đồng. Một cây trồng 4 năm mới cho quả," bà nói. Cam bù Hương Sơn có màu vàng đậm, vị ngọt thanh, thơm, mọng nước, được người dân Hà Tĩnh xem là đặc sản quý, thường mua làm quà biếu.

Đây là thức quà mà ông trời đã ban tặng cho huyện miền núi Hương Sơn
Đây là thức quà mà ông trời đã ban tặng cho huyện miền núi Hương Sơn

Loại quả không thể thiếu trên bàn thờ

Cam bù không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn là loại quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên dịp Tết. Trung bình mỗi vụ, các hộ dân thu về vài chục triệu đồng, có gia đình đạt thu nhập lên đến vài tỷ đồng. Ngoài ra, cam bù còn được xem là loại quả giải rượu, giải cảm rất tốt.

Cam bù không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của người dân Hương Sơn
Cam bù không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của người dân Hương Sơn

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, cho biết: "Cam bù Hương Sơn là cây trồng chủ lực, giúp đời sống bà con nâng cao. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền về khoa học kỹ thuật, giống cây, quảng bá thương hiệu và xây dựng tiêu chuẩn VietGap, cam bù đã được khách hàng trên cả nước biết đến."

Hiện tại, toàn huyện Hương Sơn có hơn 1.100 ha trồng cam bù, trong đó 793 ha đang cho sản phẩm. Năng suất đạt 145 tạ/ha, sản lượng khoảng 11.500 tấn, tập trung ở các xã Sơn Trường, Kim Hoa, Sơn Lâm, và Sơn Mai.

Thương lái đang đóng hàng để vận chuyển đi các tỉnh khác
Thương lái đang đóng hàng để vận chuyển đi các tỉnh khác

Năm nay, cam bù chín đúng dịp Tết Nguyên đán nên giá cao hơn mọi năm. Mỗi quả nặng trung bình 0,3 kg, có quả nặng tới 0,7 kg. Giá thu mua tại vườn dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg, còn giá bán lẻ ngoài chợ lên tới 70.000-100.000 đồng/kg.

Nhờ trồng cam bù đặc sản kết hợp chăn nuôi hươu lấy lộc nhung và bán con giống, hàng ngàn hộ dân miền núi Hương Sơn đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng khấm khá.

Diễm Phước