Theo dòng hồi tưởng của những người đầu tiên đặt chân lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, rời bỏ màu xanh áo lính, một số đồng chí bộ đội (quê quán chủ yếu ở các tỉnh miền xuôi) quyết tâm bám trụ lại Lai Châu, hợp tác thành lập các nông trường phát triển kinh tế. Lúc đầu, chưa xác định trồng chè mà tập trung chăn nuôi bò và trồng cây cà phê. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ xuống thấp, mùa khô không đủ nước tưới nên có năm cà phê, bò chết hàng loạt. Sau đó, cây chè hiện hữu như là lựa chọn tối ưu của các Nông trường Quốc doanh Chè Tam Đường và Than Uyên (thuộc Bộ Nông trường).
Sau khi Nhà nước chuyển đổi cơ chế, các Nông trường được Trung ương chuyển về tỉnh quản lý với một nửa số vốn do Nhà nước bao cấp. Lúc đó, 2 Nông trường được đổi tên thành Công ty Chè Tam Đường và Công ty Chè Than Uyên hoạt động ở 2 khu vực độc lập. Do chưa có kinh nghiệm trong quản lý, hoạch định chiến lược kinh doanh, các Công ty chỉ giao chỉ tiêu sản phẩm và làm theo kế hoạch nên không khuyến khích tính chủ động, sáng tạo và nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất của các tổ, đội công nhân. Thị trường tiêu thụ còn nghèo nàn, đơn điệu. Bài toán phát triển cây chè vẫn loay hoay đi tìm lời giải trong thời gian dài. Từ năm 1990 trở đi, tỉnh sắp xếp sản xuất lại: Chỉ trồng chè ở những diện tích đất tốt; đất xấu giao lại cho các địa phương thâm canh các loại cây phù hợp. Diện tích chè vì thế bị thu hẹp và tập trung vào chất lượng, được các Công ty đầu tư kỹ thuật, phân bón chăm sóc kỹ hơn, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng lên. Cây chè dần dần được vực lại.
Mặc dù vậy, quá trình tồn tại, phát triển của cây chè luôn trải qua những thăng trầm do những nguyên nhân chủ quan, khách quan mang lại. Khi cây chè đã tìm lại được màu xanh vốn có, các cơ sở thu mua chè búp tươi lại tiếp tục phải đối mặt với nạn “chè vàng Trung Quốc” khi người trồng chè vì lợi nhuận trước mắt mà khai thác, tận thu những búp chè tươi tới mức cạn kiệt. Chưa dừng lại ở đó, các máy chế biến, sao sấy chè mini mọc lên nhiều khiến cho nguồn chè nguyên liệu không thu về một mối, hiện tượng tranh mua tranh bán giữa các đơn vị thu mua từ đó nảy sinh. Vùng chè lại một lần nữa gần như bị phá nát.
Cây chè Lai Châu được trồng trên những dải đồi uốn lượn, men quanh các đỉnh núi hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn. Thích hợp nhất khi sống ở độ cao trên dưới một nghìn mét, được nuôi dưỡng bằng dòng nước tinh khiết đầu nguồn, chè Lai Châu trở thành vùng chè cho sản lượng và chất lượng cao hiếm thấy. Bên cạnh những giống chè truyền thống mà giờ đây đã thành những gốc chè cổ thụ cao quá tầm với, vùng chè Lai Châu còn được phủ xanh bằng những giống chè mới, đem lại năng suất và chất lượng hảo hạng. Có thể kể ra đây như chè Ô Long, chè Kim Tuyên…
Vùng nguyên liệu rộng lớn, cây chè ở Lai Châu được hưởng trọn vẹn những thứ tinh túy nhất của đất trời Tây Bắc, từ ánh nắng chói chang, từ dinh dưỡng của đất mẹ và cả dòng nước xanh mát suốt bốn mùa. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, vùng chè Lai Châu được bàn tay và khối óc của những con người yêu mến quê hương, trân trọng thứ đặc sản quý giá này tạo ra những sản phẩm chè ngon nức tiếng. Cho đến nay, sản phẩm chè Lai Châu Lai Châu đã trở thành một thương hiệu mạnh với những nhãn hiệu vô cùng quen thuộc như Ô long, Kim Tuyên, Sencha, Matcha, Đông Phương Mỹ Nhân… Hương vị chè Lai Châu Lai Châu đã có mặt và chinh phục được cả các thị trường khó tính như Đài Loan, Ấn Độ, Afghanistan, Pakistan…
Ngày nay, khi đến với Lai Châu, bạn sẽ luôn bắt gặp những ánh mắt tươi vui, tự hào của nông dân trồng chè. Không chỉ giữ gìn được nghề truyền thống của địa phương, cây chè ở Lai Châu đã mang đến cho người dân một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Di An