Huyện Hoàng Su Phì từ lâu đã nổi tiếng với những vùng chè Shan tuyết cổ thụ mọc trên độ cao hơn 1000m so với mực nước biển. Có những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân sù sì, cao từ 2 - 3m, tán rộng, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng riêng, cùng với nguồn không khí trong lành đã tạo ra hương thơm, vị đượm rất đặc trưng của vùng chè Hoàng Su Phì.
Trà shan tuyết ở Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang là một trong những trà phẩm được những người yêu trà hết lòng “mến mộ”. Vì thế, khi nhắc đến huyện Hoàng Su Phì lại nhắc đến một vùng trồng cây chè shan tuyết cổ thụ nổi tiếng trên dải đất hình chữ S. Toàn huyện Hoàng Su Phì hiện có 25 cơ sở chế biến chè, trong đó có 5 hợp tác xã chế biến chè với quy mô từ 3-5 tấn/ngày. Nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây chè shan tuyết Hoàng Su Phì.
Tại HTX Phìn Hồ hiện đang là một trong những đơn vị sản xuất chè có quy mô lớn tại địa phương. Hợp tác xã hiện có 46 thành viên đều là dân tộc Dao đỏ. Để bảo đảm quy trình chế biến, đáp ứng các đơn hàng lớn, HTX đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè shan tuyết với 1.000 hộ dân. Đến nay, HTX có vùng nguyên liệu đạt trên 500 ha và được công nhận tiêu chuẩn Hữu cơ (Organic), trong đó trên 160 ha đạt tiêu chuẩn Organic của châu Âu.
Theo các thành viên, trồng chè hữu cơ khi đến tay người tiêu dùng sẽ bảo đảm được yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để có thành phẩm đạt yêu cầu, trong quá trình sản xuất, người trồng chè phải tuân thủ việc không được sử dụng các chất hóa học (phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ...), chỉ sử dụng các chất thải tự nhiên (phân ủ hoai mục) và dùng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại (bắt sâu bằng tay, cắt cỏ)...
Khi mới áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, bước đầu, năng suất chè sẽ bị giảm trong khoảng thời gian từ 18-36 tháng, hình thức búp chè kém bắt mắt (không mập, vàng ngọn)... ảnh hưởng đến màu sắc nước trà và giá bán sản phẩm chè. Tuy nhiên, sau thời gian, chè bắt đầu nâng cao năng suất và phẩm cấp. Trải qua thời kỳ, các diện tích chè mới đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Theo Ban giám đốc HTX, ban đầu việc thuyết phục người trồng chè chuyển sang sản xuất chè hữu cơ là không hề đơn giản. Tuy nhiên, xác định được giá trị của vùng chè địa phương khi là rừng chè shan tuyết khởi nguyên của nước ta, người dân đã dần hiểu việc sản xuất chè hữu cơ sẽ mang lại những hiệu quả, lợi ích thiết thực như bảo đảm sức khỏe, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường…
Điểm nổi bật của mô hình trồng chè hữu cơ là làm cho đất màu mỡ và giàu chất đạm, giữ gìn các khoáng chất trong đất nhằm bảo vệ chất lượng nước cũng như môi trường tự nhiên, từ đó giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Đây là cách HTX thu hút khách hàng trong và ngoài đồng thời giữ gìn giống chè shan tuyết cổ hàng trăm năm của người Dao đỏ.
Chị Triệu Mùi Ghến, thành viên HTX chia sẻ, để có thể đáp ứng được các đơn hàng, thành viên và người lao động phải tích cực tăng ca. Với dây chuyền chế biến bằng công nghệ hiện đại theo hướng chuyên sâu, chú trọng nâng cao giá trị, phẩm cấp sản lượng chè cao cấp, mỗi ngày, HTX tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn chè búp hữu cơ. Sản phẩm được bảo đảm từ ngay từ vùng nguyên liệu đến chăm sóc, thu hái, bảo quản nguyên liệu.
Bên cạnh đó, với lợi thế vùng chè nguyên liệu truyền thống được chăm sóc theo quy trình hữu cơ nghiêm ngặt cùng với sự tận tâm của người trồng và sản xuất, thành phẩm trà Phìn Hồ Shan tuyết khi đến tay người tiêu dùng luôn bảo đảm sạch, thơm, ngon, không sử dụng hóa chất, chất bảo quản để làm tăng hương vị.
Nhằm nâng cao giá trị và thích ứng với nhu cầu của thị trường trong thời gian tới, Chị Mùi Thị Mương, Phó Giám đốc HTX cho biết, HTX Phìn Hồ đã bước đầu phát triển mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi”. Với mô hình này, người mua và HTX sẽ thống nhất thời gian và giá bán cây chè trong một hoặc nhiều năm. Sau đó, HTX và người dân sẽ chăm sóc, thu hái sản phẩm từ cây chè theo tiêu chuẩn tốt nhất rồi chế biến, đóng gói sản phẩm mang thương hiệu riêng, trước khi chuyển gửi trả người mua sử dụng hoặc làm quà biếu. Tất cả các gốc chè được mua đều đánh dấu trên Googlemap nên sản phẩm luôn truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng.
Chia sẻ với báo chí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì – Anh Lý Chòi Nhàn cho biết: “Là vùng núi quanh năm mây phủ, thổ nhưỡng tốt, khí hậu mát mẻ, là điều kiện rất thích hợp để phát triển của cây chè, những cây chè shan tuyết cổ thụ ở đây lớn lên hoàn toàn tự nhiên mà không cần phải bón bất cứ một loại phân bón hay loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Vì vậy, nó tạo cho sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ Hoàng Su Phì mang một hương vị đậm đà, riêng biệt mà không một loại chè ở nơi nào khác có được…”
Trong khi đó, chè là cây trồng chủ lực, góp công đáng kể trong việc giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo; chính vì thế, việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu chè shan tuyết Hoàng Su Phì được chính quyền và người dân vô cùng coi trọng. Người dân nơi đây tuyệt đối nói “không” đối với chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và thuốc diệt cỏ; đặc biệt, những quy định này đã và đang được dân làng thống nhất đưa vào trong hương ước của làng văn hóa…
Ông Nhàn cũng cho rằng không chỉ sản xuất an toàn, sạch sẽ, mà người dân nơi đây còn tuyệt đối tuân thủ những quy định trong việc thu hái, bảo quản để sản phẩm chè đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất. Búp chè Shan Tuyết phải hái đúng kỹ thuật thì mới không ảnh hưởng tới mẫu mã, độ chát, độ đậm của trà.