Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia, đặc biệt đối với nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất.
Thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà đã hình thành, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng và xác nhận nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Mô hình liên kết của HTX su su Công Thành, HTX Thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn, HTX cây ăn trái bốn mùa…
Song, trên thực tế hiện nay, việc liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều “nút thắt”. Cụ thể, HTX su su Công Thành được kỳ vọng và được Nhà nước hỗ trợ đầu tư nhiều nhất, thế nhưng HTX này đã ngừng hoạt động trong đầu năm nay.
Được biết, chuỗi cung ứng này được cấp giấy chứng nhận chuỗi liên kết năm 2017, liên kết với 251 hộ dân, 100 ha sản xuất, trong đó có 6,8 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP xây dựng thương hiệu rau Đà Lạt, năng lực thu mua 2 tấn/ngày. Ðại diện HTX đưa ra lý do ngừng hoạt động do việc thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng giữa HTX và các hộ dân gặp một số khó khăn trong việc vận chuyển, bảo quản sản phẩm còn hạn chế, gây hao hụt. Bởi đây là sản phẩm củ, quả, vì vậy nếu khi thu hoạch không đúng thời điểm, thời tiết xấu sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Việc bảo quản của người dân sau khi thu hoạch chưa được tốt, bảo quản thủ công, thô sơ. Bên cạnh đó, người nông dân tham gia các chuỗi liên kết trên chưa đầu tư để nâng cao chất lượng và sản lượng, dẫn đến không ổn định, năm được mùa, năm mất mùa...
Hình thức liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện không thiếu, tuy nhiên mối quan hệ này chưa thật sự bền vững. Nhiều chuỗi liên kết vẫn dễ dàng đứt gãy, quy mô của nhiều chuỗi liên kết vẫn khá manh mún, không ít chuỗi liên kết rơi vào cảnh chết yểu vì mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện mới chỉ dừng lại ở từng công đoạn đơn lẻ, hầu hết đi từ khâu sản xuất, sau đó trực tiếp ra thị trường tiêu thụ, chưa hình thành được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản thực sự đang gặp những khó khăn nhất định. Trên địa bàn huyện có 22 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, trong đó có 5 HTX đang tạm ngừng hoạt động do hoạt động không hiệu quả.
Sở dĩ có thực trạng trên, trước hết là do nhận thức của người sản xuất về xây dựng chuỗi nông sản còn nhiều hạn chế. Thậm chí nhiều người dân vẫn còn thấy “xa lạ” với khái niệm chuỗi liên kết, vì vậy việc áp dụng đúng quy trình sản xuất theo chuỗi gặp nhiều khó khăn và phức tạp.
Ông Trương Quốc Khánh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo xây dựng và hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Một số sản phẩm chủ yếu như chè chất lượng cao, UBND huyện đã hỗ trợ giống và tạo điều kiện để nông dân ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Long Đỉnh; ký kết tiêu thụ sữa tươi với Công ty Bò sữa Lâm Đồng; hỗ trợ HTX su su Công Thành chứng nhận thương hiệu sản phẩm, công nhận VietGAP, xây dựng kho lạnh, tạo điều kiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau, củ, quả với nông dân…
Để các chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả, theo ông Khánh, các hộ nông dân cần liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua các HTX, THT, các doanh nghiệp, từng bước mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đối với các HTX phải xây dựng thương hiệu cho một số nông sản, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP... tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chất lượng cao trên địa bàn. Đặc biệt, huyện tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ sau đầu tư, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến, nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại, tiêu thụ sản phẩm... nhằm khuyến khích nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hợp tác xã tập trung đầu tư hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, còn doanh nghiệp thì có vùng nguyên liệu ổn định. Qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu một số nông sản đặc trưng.
Dinh Dinh