Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới và là một trong 7 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng Chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trên mảnh đất huyện Mèo Vạc, đất chủ yếu là đá, địa hình chia cắt mạnh. Đây là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, La Chí, Hoa, Giấy, Nùng…
Để thực hiện Chương trình OCOP, Mèo Vạc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy của các cấp, các ngành, các cấp chính quyền và đông đảo quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, huyện đã ban hành kế hoạch và danh mục phát triển các sản phẩm OCOP theo từng giai đoạn. Để phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ, huyện đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Với những tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đã tạo tiền đề để huyện Mèo Vạc xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP. Tính đến nay, toàn huyện có 8 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao OCOP cấp tỉnh, gồm: Mật ong Bạc hà Mèo Vạc; thịt bò khô Cao nguyên đá; rượu Tam giác mạch; rượu ngô Chí Sán; rượu Mê cung đá; gạo Khẩu mang; giò bò và thịt lợn đen Lũng Pù. Để tạo đầu ra cho các sản phẩm này, huyện luôn chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Hiện nay, một số sản phẩm như mật ong Bạc hà, thịt bò khô Cao nguyên đá, Rượu ngô Chí Sán… đã được bày bán tại một số siêu thị, chợ đầu mối của một số tỉnh, thành phố như: Chuỗi Siêu thị Vinmart, Công ty TNHH thực phẩm sạch Biggreen, Cửa hàng Thực phẩm sạch Miền xanh (Hà Nội)…
Các sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Mèo Vạc được gắn liền với các sản phẩm du lịch của huyện và sản phẩm du lịch của tỉnh. Nhờ đó, trong những năm gần đây, các sản phẩm OCOP của huyện Mèo Vạc đã góp phần thúc đẩy du lịch của địa phương và của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh cũng góp phần tiêu thụ và thúc đẩy quá trình phát triển các sản phẩm OCOP của Mèo Vạc. Vì vậy, trong những năm qua, thu nhập của người dân Mèo Vạc trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cũng không ngừng được nâng lên.
Theo ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã tạo ra một bước chuyển biến lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP cũng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn của huyện…
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh thực hiện áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Nhờ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa đã tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác xoá đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây cũng chính là một trong các chủ trương lớn trong phát triển du lịch gắn với công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Bên cạnh đó, do đặc thù là một huyện vùng cao núi đá, nguồn đất canh tác bị hạn chế nên huyện Mèo Vạc đã xác định lấy chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ, trong đó chủ yếu là phát triển chăn nuôi bò hàng hóa là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Giống bò của huyện Mèo Vạc là giống bò Vàng địa phương có năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon và đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT bình chọn. Sản phẩm thịt bò Vàng của Mèo Vạc là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh của Hà Giang.
Trong những năm qua, huyện đã chỉ đạo người dân tận dụng các nguồn đất của các đồi núi còn bỏ hoang và chuyển các diện tích đất nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi chăn nuôi gia súc, trong đó chủ yếu là chăn nuôi bò. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp, Trạm Thú y phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn bò. Nhờ đó, trong những năm gần đây, đàn bò của Mèo Vạc đã được cải tạo nâng cao tầm vóc, thể trạng, giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất và chất lượng thịt bò Vàng…
Xuân Sỹ