Huyện Sìn Hồ (Lai Châu): Thay đổi diện mạo từ việc phát triển vùng chè chất lượng cao 

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Sìn Hồ không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, nhờ việc tập trung phát triển vùng chè chất lượng cao, diện mạo cao nguyên Sìn Hồ đã thay đổi, nhiều xã khó khăn nhờ đó vươn lên thoát nghèo.

Sìn Hồ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho cây chè sinh trưởng. Từ xa xưa, cây chè đã phát triển tự nhiên trên đất Sìn Hồ, chọn lọc tự nhiên đã tặng cho mảnh đất này giống chè cổ thụ có chất lượng và hương vị đặc trưng khác biệt, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Đây là bước đệm đầu tiên cho việc phát triển các vùng chè chuyên canh chất lượng cao sau này.

Huyện Sìn Hồ (Lai Châu): Thay đổi diện mạo từ việc phát triển vùng chè chất lượng cao  - Ảnh 1

Cụ thể, trong chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025, cây chè được huyện xác định là cây trồng thế mạnh chủ lực, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Kinh tế thị trường hiện đại có tính đào thải mạnh, để một thương hiệu được nhận diện là điều không dễ, với cây chè và nghề trồng chè trên đất Sìn Hồ khó khăn dường như gấp đôi. Khi thị trường tiêu thụ, vốn đã quen với các sản phẩm có tiếng trong và ngoài tỉnh nên để chè cổ thụ, chè chất lượng cao Sìn Hồ được khách hàng đón nhận cần nhiều thời gian để tự khẳng định mình.

Ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Chương trình xây dựng NTM là chương trình phát triển tổng hợp và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội… được thực hiện trên địa bàn nông thôn với sự tham gia của toàn xã hội. Thông qua Chương trình xây dựng NTM, huyện đã mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề về trồng trọt, chăn nuôi cho lao động nông thôn để người dân có thêm tư liệu, kiến thức trong sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tận dụng lợi thế của địa phương để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thâm canh, tăng vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; mạnh dạn đăng ký mở rộng diện tích trồng chè, cao su, trồng dược liệu, cây ăn quả ôn đới.

Cây chè bén rễ trên đất Sìn Hồ không những cải thiện đời sống của người dân, mà còn góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Nâng cao chất lượng cuộc sống, sử dụng tốt nguồn vốn, phát huy thế mạnh địa phương... là việc làm cấp thiết mà cấp ủy, chính quyền huyện đã chủ động nỗ lực qua nhiều giai đoạn. Tới khi dự án chè chuyên canh chất lượng cao ở các xã: Ma Quai, Phìn Hồ, Hồng Thu có những thành công bước đầu.

Sản phẩm chè được người tiêu dùng ưa chuộng, đời sống người dân từ đó được nâng lên thì nhiều khó khăn đã được tháo gỡ. Tuy nhiên để phát triển vùng chè chuyên canh chất lượng cao, để người dân thay đổi tư duy, cách làm nông nghiệp thì không dễ. Người dân cần thời gian để thích ứng cách làm mới, bên cạnh đó còn cần sự vào cuộc hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn, quản lý hướng dẫn và nỗ lực của từng người dân.

Bằng những cách rất riêng, chè Sìn Hồ với thương hiệu "Chè cổ thụ Sà Dề Phìn" đã đặt những dấu ấn tiên phong ra thị trường. Được người tiêu dùng thưởng thức, để rồi phải nhớ và tìm kiếm như những món hàng hiếm, tạo tiền đề cho việc phát triển các vùng chè chuyên canh chất lượng cao, tiến vào thị trường. Giống chè chất lượng cao, mang hương vị riêng vượt trội về chất lượng là yếu tố quan trọng giữ chân người dùng, là điểm mạnh mang lại thành công cho thương hiệu chè Sìn Hồ.

Thông thường các giống chè được trồng, phát triển tốt nhất ở vùng có khí hậu khô, nóng, chè thành phẩm có sắc xanh, thơm hương nắng. Nhưng chè Sìn Hồ lại có sắc đỏ, vị chát đậm, thơm mùi cây cỏ. Người thưởng thức được tận hưởng cảm giác nồng nàn của núi rừng Tây Bắc, hương vị không thể lẫn với các sản phẩm khác, khiến người dùng say mê.

Khi cây chè được nhiều người chú ý, cấp ủy, chính quyền huyện đã nhanh chóng tận dụng những thuận lợi sẵn có để phát triển các vùng chè chuyên canh chất lượng cao, với các giống chè tuyết, kết hợp với nguồn gien quý từ cây chè cổ thụ. Được trồng chuyên canh theo hướng tập trung, chăm sóc thu hái đúng quy trình đã cho ra nguồn chè nguyên liệu chất lượng cao. Loại chè này được doanh nghiệp thu mua với giá 16 nghìn đồng/kg cao gấp đôi so với các địa phương khác. Qua đó khẳng định được chất lượng của vùng chè nơi đây.

Ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết thêm: Các vùng chè chuyên canh trên địa bàn huyện được triển khai trồng dựa trên những kinh nghiệm từ phát triển cây chè cổ thụ. Sau 4 năm, các vùng chè chuyên canh chất lượng cao đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Chương trình trồng chè đang là điểm sáng của ngành Nông nghiệp huyện.

Từ nguồn vốn phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh, Sìn Hồ đã triển khai 3 vùng chuyên canh chè chất lượng cao tại các xã: Ma Quai, Phìn Hồ, Hồng Thu. Diện tích trên 40ha, năng suất cao hơn 20% so với các vùng chè truyền thống trong tỉnh. Có được kết quả trên là do các mô hình trồng chè của huyện được thực hiện chuẩn từng khâu theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ nghiên cứu thổ nhưỡng khí hậu, đến lựa chọn giống, chăm sóc, đều được cơ giới hóa, đúng quy trình, nhờ vậy cây chè cho năng suất cao. Bình quân cứ 400m2 tương đương 1 sào bắc bộ, cho thu khoảng từ 70 - 110kg chè búp tươi, người dân bán trực tiếp cho công ty thu mua, khép kín chu trình sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng chè thành phẩm có độ ổn định, đồng đều khi xuất ra thị trường.

Ông Sùng A Chinh, người dân xã Hồng Thu (huyện Sìn Hồ) cho biết: Gia đình tôi tham gia trồng chè từ những ngày đầu địa phương triển khai. Thời gian trước vì chưa nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ dân rất lo lắng. Nhờ cấp ủy, chính quyền huyện tuyên truyền, kịp thời hỗ trợ kỹ thuật, vốn, cây giống cùng cán bộ chuyên môn kiểm tra, giám sát động viên người dân, đến nay cây chè đã tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Năm vừa qua, gia đình tôi thu gần 50 triệu đồng từ bán chè búp.

Nghề chè truyền thống của Lai Châu nói chung và Sìn Hồ nói riêng đã trải qua nhiều biến động, đặc biệt là khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của đại dịch covid - 19 gây ra, tuy nhiên với quyết tâm cao, nhiều chế phẩm từ chè được chế biến có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh thì loại cây này trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân vùng chè.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Dinh Dinh