Huyện Tân Lạc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các sản phẩm OCOP

Huyện Tân Lạc (Hòa Bình) là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc Mường, nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng riêng nhất là bưởi đỏ Tân Lạc. Những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp tập trung phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân và thúc đẩy nền kinh tế ngày càng bền vững.

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức… Song, với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của tỉnh Hòa Bình và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, sâu sát của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; cùng với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của các cấp, các ngành; sự chung tay, đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, huyện Tân Lạc đã từng bước vượt qua được những khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Huyện Tân Lạc tập trung các giải pháp, đồng lòng cùng bà con địa phương phát triển kinh tế.
Huyện Tân Lạc tập trung các giải pháp, đồng lòng cùng bà con địa phương phát triển kinh tế.

Nổi bật trong năm, huyện đã triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện hỗ trợ trên 8 tỷ đồng cho phát triển sản xuất cộng đồng với 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ; Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật hỗ trợ 2 mã số vùng trồng nội địa mới, nâng tổng mã số vùng trồng trên địa bàn huyện là 10 mã (trong đó: có 06 mã số vùng trồng xuất khẩu đối với sản phẩm bưởi và 4 mã số vùng trồng nội địa đối với sản phẩm rau, củ, quả). Phối hợp thực hiện 3 mô hình khảo nghiệm giống lúa tại xã Nhân Mỹ và thị trấn Mãn Đức; 4 mô hình khảo nghiệm giống ngô tại các xã: Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông và Phú Cường; tổ chức được 40 lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật và chăn nuôi.

Với những biện pháp cụ thể thiết thực huyện đã xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế bền vững như: Trồng cây ăn quả có múi là mô hình đang phát triển mạnh được người dân tích cực đầu tư thâm canh, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm phục vụ việc mở rộng thị trường xuất khẩu; mô hình canh tác lúa hữu cơ; mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn… Bên cạnh sự phấn đấu xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, sản lượng từ các sản phẩm từ chăn nuôi trâu, bò và gia cầm từ đầu năm đến nay luôn duy trì ổn định. Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã được kiểm soát, thị trường tiêu thụ ổn định, tăng thu nhập cho bà con địa phương.

Đồng thời, sản xuất Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được duy trì hoạt động ổn định, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu phục vụ trên địa bàn như chế biến vật liệu xây dựng, gạch nung, điện thương phẩm, nước máy, may mặc, chế biến lâm sản,.. Tổng giá trị sản xuất ước 9 tháng đầu năm 2024 là 1.061,08 tỷ đồng, đạt 75,9 % kế hoạch năm, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Khu đô thị Mường Khến đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện.
Khu đô thị Mường Khến đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện.

Trong năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được huyện triển khai đồng bộ; việc kiểm tra, đôn đốc triển khai hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM được triển khai thường xuyên, nhất là ở các xã đăng ký về đích NTM trong năm 2024. Đặc biệt, huyện tiếp tục triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xây dựng hồ sơ đánh giá cho sản phẩm đăng ký tham gia phân hạng năm 2024; Hỗ trợ sản phẩm OCOP, nông sản của huyện tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại.  Với những nỗ lực trên, huyện có 10 xã đạt 19 tiêu chí;  5 xã đạt từ 11- 14 tiêu chí… các cơ sở hạng tầng ngày càng được hoàn thiện toàn diện.

Ông Đinh Công Thao, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chia sẻ: "Hiện huyện có 7 sản phẩm OCOP được công nhận và cồn thời hạn, các sản phẩm này bao gồm: rau su su, củ cải Hàn Quốc, cá dầm xanh, trà giảo cổ lam và 3 sản phẩm từ bưởi đỏ Tân Lạc. Những sản phẩm OCOP của huyện đã từng bước khẳng định được thương hiệu, trong đó bưởi đỏ Tân Lạc còn được xuất khẩu sang châu Âu​​​​​​. Nhờ chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), huyện Tân Lạc đã phát triển và nâng cao giá trị nhiều sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn. Từ đó, giá trị các sản phẩm bà con làm ra ngày càng tăng lên rõ rệt, thúc đẩy các mô hình kinh tế theo đúng hướng ổn định, bền vững".

Xã Quyết Chiến là một trong ba xã vùng cao của huyện Tân Lạc, đường đi lại khó khăn, địa hình đồi núi…
Xã Quyết Chiến là một trong ba xã vùng cao của huyện Tân Lạc, đường đi lại khó khăn, địa hình đồi núi…

Đến với xã vùng cao Quyết Chiến của huyện Tân Lạc, nơi đây còn nhiều khó khăn do đường đi lại khó khăn, khí hậu bấp thường, đất đồi núi… Song tận dụng những lợi thế có sẵn của địa phương bà con đã phấn đấu phát triển kinh tế nông nghiệp với nhiều mô hình tiên tiến, ứng dụng đúng các quy trình kỹ thuật đã và đang đem lại nguồn thu nhập cao. Điểm hình như mô hình trồng rau hữu cơ của HTX Nông Nghiệp Hữu Cơ V – ORGANIC; mô hình trồng rau Su Su và củ cải Hàn Quốc của HTX rau an toàn Quyết Chiến.

Chia sẻ về quá trình trồng và phát triển thương hiệu rau của mình, chị Đinh Thị Quyết, đại diện HTX rau an toàn Quyết Chiến cho biết: "HTX được thành lập năm 2017, với 7 thành viên chính và 50 hộ liên kết với tổng diện tích trên 20 ha, sản phẩm chủ yếu là rau su su và củ cải Hàn Quốc…với khí hậu mát mẻ, nên các vùng trồng rau rất thích hợp gần như không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Điều đặc biệt là khí hậu nơi đây lại rất phù hợp với cây su su lấy ngọn, ngọn su su gần như được thu hoạch quanh năm với sản lượng đạt 60 tấn/ha. Hiện sản phẩm rau su su và củ cải Hàn Quốc đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, đã tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tạo được công ăn việc làm ổn định cho bà con nơi đây mà không phải đi tìm việc làm xa nơi khác…".

Huyện Tân Lạc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các sản phẩm OCOP - Ảnh 1
Vùng trồng rau su su và các loại rau, củ của HTX rau an toàn Quyết Chiến, tại xã Quyết Chiến huyện Tân Lạc đã góp phần tạo việc làm ổn định cho bà con nơi đây.
Vùng trồng rau su su và các loại rau, củ của HTX rau an toàn Quyết Chiến, tại xã Quyết Chiến huyện Tân Lạc đã góp phần tạo việc làm ổn định cho bà con nơi đây.
Vùng trồng rau hữu cơ của HTX Nông Nghiệp Hữu Cơ V – ORGANIC
Vùng trồng rau hữu cơ của HTX Nông Nghiệp Hữu Cơ V – ORGANIC
Huyện Tân Lạc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các sản phẩm OCOP - Ảnh 2
Một số sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của huyện Tân Lạc được giới thiệu tại Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào DTTS &MN tỉnh Hòa Bình năm 2024.
Một số sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của huyện Tân Lạc được giới thiệu tại Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào DTTS &MN tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Tân Lạc tiếp tục tập trung đôn đốc triển khai có hiệu quả các nguồn vốn, nội dung đầu tư có trọng điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức trong việc triển khai các mô hình phát triền kinh tế có hiệu quả. Tăng cường vận động các nguồn lực ngoài ngân sách, các doanh nghiệp…góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các xã vùng cao nói riêng và toàn huyện nói chung.

A Trứ- Duy Hưng