Tỏi là một loại gia vị phổ biến trong mỗi căn bếp, có nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe mà không phải ai cũng nhận ra. Tỏi rất giàu dinh dưỡng, với mỗi 100g chứa 6,36g protein, 33g carbohydrate, 150 calo, cùng nhiều dưỡng chất khác như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho, v.v. Thành phần chính tạo nên hiệu quả của tỏi là các hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides. Bên cạnh đó, tỏi còn chứa hàm lượng cao germanium và selen, đặc biệt hàm lượng germanium trong tỏi còn cao hơn nhiều so với các dược liệu như nhân sâm, trà xanh, trà đỏ. Tác dụng chính của tỏi chủ yếu đến từ allicin. Trong tỏi tươi không có allicin tự do, mà chỉ có tiền chất của nó là alliin. Khi tỏi được băm nhuyễn, enzyme trong tỏi được kích hoạt sẽ chuyển hóa alliin thành allicin. Dưới đây là 6 công dụng tuyệt vời của tỏi mà có thể bạn chưa biết.
1. Kháng khuẩn
Các hợp chất chứa lưu huỳnh và allicin trong tỏi tác dụng kháng khuẩn, chống viêm tốt, có thể ức chế và tiêu diệt nhiều loại cầu khuẩn, trực khuẩn, nấm và virus. Tỏi vỏ tím tác dụng kháng khuẩn mạnh hơn tỏi vỏ trắng, ăn sống hiệu quả tốt hơn. Hiện tỏi được coi là một trong những loại thực vật tự nhiên có tính kháng khuẩn mạnh.
2. Ngăn ngừa ung thư
Các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng, tỏi có thể ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các khối u, có ích cho bệnh tim mạch và bệnh Alzheimer.
Năm 1994, Đại học Minnesota công bố một báo cáo nghiên cứu liên quan đến hơn 40.000 phụ nữ từ 55 đến 69 tuổi. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ thường xuyên ăn tỏi, trái cây và rau quả có nguy cơ mắc ung thư ruột kết thấp hơn 30% những người không ăn.
3. Ngăn ngừa cảm lạnh, giảm mệt mỏi
Tỏi chứa capsaicin gọi là “propylene sulfide”, tác dụng tiêu diệt tốt vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng, có thể ngăn ngừa cảm lạnh và giảm các triệu chứng cảm lạnh như sốt, ho, đau họng và nghẹt mũi.
Mặc dù tỏi có nhiều lợi ích nhưng bạn nên tránh tiêu thụ quá nhiều chất allicin trong tỏi sống sẽ gây kích ứng đường tiêu hóa và có thể gây khó chịu ở đường tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy và hôi miệng.
4. Chống lão hóa
Một số thành phần trong tỏi có đặc tính chống oxy hóa và chống lão hóa tương tự như vitamin E và vitamin C.
5. Bảo vệ chức năng gan, kích thích vị giác
Nguyên tố vi lượng selen trong tỏi có thể bảo vệ gan bằng cách tham gia vào quá trình chuyển hóa hiếu khí của máu, loại bỏ độc tố và giảm gánh nặng giải độc cho gan. Allicin trong củ tỏi có thể kích thích tiết dịch dạ dày, tăng cảm giác thèm ăn và hỗ trợ tiêu hóa.
6. Phòng ngừa các bệnh tim mạch
Tỏi có tác dụng hạ mức cholesterol xấu và tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể, giúp loại bỏ các mảnh xơ vữa bám trên thành mạch máu. Ăn tỏi thường xuyên cũng giúp làm chậm tiến trình lão hóa của động mạch chủ. Ngoài tác dụng giảm mỡ máu ra, tỏi còn ức chế tích tụ tiểu cầu, phòng ngừa hình thành huyết khối. Vì vậy, tỏi có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch.
Tỏi còn có tác dụng kiểm soát huyết áp bằng cách giảm độ nhớt của máu nhờ hoạt chất ajoene. Theo các nhà khoa học, khoảng 600 – 1500mg chiết xuất từ tỏi sẽ mang lại hiệu quả giảm huyết áp trong 24 tuần. Bên cạnh đó, chất polysulfides và các phân tử lưu huỳnh trong tỏi có tác dụng làm giãn cơ trơn, kích thích sản xuất các tế bào nội mạc và giãn mạch máu, từ đó kiểm soát huyết áp hiệu quả. Người bệnh tăng huyết áp được khuyên nên ăn vài tép tỏi mỗi sáng để hạ áp.
Khi sử dụng tỏi, có một số lưu ý quan trọng cần nhớ. Để tỏi phát huy tối đa tác dụng, nên băm nhuyễn hoặc nghiền tỏi rồi để yên khoảng 10-15 phút trước khi nấu để allicin được hình thành. Không nên nấu tỏi quá lâu hoặc ở nhiệt độ quá cao, vì nhiệt độ cao có thể phá hủy allicin và giảm hiệu quả của tỏi. Tỏi có thể gây kích ứng dạ dày nếu sử dụng quá nhiều hoặc khi bụng đói, vì vậy nên dùng tỏi với lượng vừa phải. Ngoài ra, những người bị dị ứng với tỏi hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung tỏi vào chế độ ăn uống.