Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, tính đến năm 2020, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123.000 ha. Chè được trồng tập trung ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và một số tỉnh duyên hải miền Trung.
Việt Nam có 3 vùng trồng chè nổi tiếng là Tây Bắc, Thái Nguyên và Lâm Đồng. Với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, Thái Nguyên từ lâu đã nổi tiếng với những vùng chè bạt ngàn xanh, là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích canh tác, số lượng, chất lượng sản phẩm từ cây chè. Thế nhưng, Thái Nguyên không phải vùng có diện tích trồng chè lớn nhất Việt Nam mà lại chính là Lâm Đồng – “thủ phủ” của cây chè.
Với nền nhiệt độ 18-25 độ C, được xếp vào ngưỡng nhiệt xứ ôn đới, tỉnh này có điều kiện phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt chè, cà phê, rau và hoa.
Lâm Đồng là tỉnh thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, rộng hơn 9.700km2, độ cao 300-1.500 m so với mặt nước biển. Địa hình tỉnh này tương đối phức tạp, chủ yếu là bình sơn nguyên, núi cao, xen kẽ các thung lũng nhỏ, bằng phẳng.
Lâm Đồng nằm trên ba cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông suối lớn. Tài nguyên đất đai của Lâm Đồng thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như chè, cà phê, dâu tằm, rau và hoa. Ngành trồng chè ở Lâm Đồng phát triển mạnh từ hơn 70 năm qua. Với hơn 25.000 ha, Lâm Đồng hiện đứng đầu cả nước về diện tích trồng chè. Đất ở nơi đây thích hợp trồng các loại giống chè quý, chất lượng cao của Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản.
Chè được tỉnh Lâm Đồng xác định là cây xóa đói, giảm nghèo đồng thời là một trong những cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường
Hiện nay, các giống chè của tỉnh Lâm Đồng phục vụ cho chế biến chiếm khoảng 90% tổng sản lượng hàng năm, chủ yếu là các giống chè cao sản và chè chất lượng cao. Sản phẩm chè chế biến chủ yếu là chè đen (11,05%), chè xanh (1,41%), chè ô long và chè khác (87,54%).
Tỉnh Lâm Đồng có diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao đạt 6.108 ha (chiếm 49,2% tổng diện tích chè toàn tỉnh) và diện tích chè được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 361,7 ha với ước tính sản lượng 4,618,9 tấn/năm.
Trà ngon xứ Bảo Lộc
Một trong những vùng trà nổi tiếng của Lâm Đồng phải kể đến Bảo Lộc. Cách thành phố Đà Lạt 120 km về phía Tây Nam, dù trong nông nghiệp, kinh tế hay du lịch, cây trà luôn hiện diện trong cuộc sống người dân nơi đây như một phần không thể thiếu. Ở Bảo Lộc có rất nhiều danh trà nức tiếng như danh trà Đỗ Hữu, Bảo Tín, Trâm Anh, Hoa Sen, Thiên Thành,… với những danh trà có tuổi đời dài mười mấy đến vài chục năm tuổi. Sản phẩm trà Bảo Lộc rất đa dạng, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cây trà phát triển. Thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi giúp trà Bảo Lộc nổi tiếng với các loại trà ướp hoa truyền thống như trà lài, trà sen, trà Sâm Dứa, trà ô long,…
Những năm qua, trà Bảo Lộc đã có cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật khá toàn diện, từ khâu trồng đến chế biến. Đến nay, nguồn giống trà đã đa dạng hơn. Những vườn trà có thêm những giống mới như: TB14 và LĐ97, Ô Long, Ngọc Thúy, Kim Tuyên, Tứ Quý…Hiện nay, diện tích trồng trà của Bảo Lộc khoảng 7.716 ha, trong đó trà hạt 5.198 ha, trà cao sản và chất lượng cao 2.518 ha.
Những năm gần đây, Lâm Đồng đầu tư phát triển, xây dựng vùng chè ứng dụng nông nghiệp công nghệ chất lượng cao, xây dựng vùng sản xuất chè tại Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm nhằm giảm giá thành và nâng giá trị sản phẩm. Tỉnh còn đầu tư lựa chọn các giống chè năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế và cung ứng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến. Tiếp tục xây dựng và duy trì phát triển liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với người trông chè.
Mênh mông đồi chè Cầu Đất
Một trong những yếu tố tác động đến chất lượng trà là thổ nhưỡng, khí hậu vùng trồng. Cầu Đất là một trong những vùng cao nhất của cao nguyên Lâm Viên-Di Linh.
Đồi chè Cầu Đất có diện tích trải dài 230ha, với độ cao 1650m so với mực nước biển và có tuổi đời lên đến gần 100 năm. Đồi chè Cầu Đất không chỉ là điểm đến trong lành bình yên của thành phố Đà Lạt, nơi đây còn chính là “văn hóa” Đà Lạt, nơi mưu sinh của biết bao nhiêu thế hệ người dân Đà Lạt đi qua.
Năm 1915, khi bác sĩ Yersin khám phá ra Hòn Bà (nay là Cầu Đất), vùng đất này được người Pháp lựa chọn để trồng chè thực nghiệm vì lợi thế về khí hậu. Sau đó, vùng chè Cầu Đất nhanh chóng mở rộng lên 500 ha. Năm 1927, sở trà Cầu Đất thành lập, nhà máy chè đầu tiên tại Lâm Đồng được xây dựng, chế biến chè đen đưa về Pháp và xuất khẩu sang các nước châu Âu. Đến nay, trải qua hơn trăm năm, nơi này trở thành một trong những vùng chè nổi tiếng của Việt Nam.
Ba loại chè đặc trưng của Cầu Đất là ô long, trà xanh và trà đen, trong đó chủ lực là ô long và trà xanh theo khẩu vị Việt. Trà ô long có mùi hoa tươi, vị thơm bền, nước xanh hoặc vàng. Trong khi trà xanh lại đậm đà hơn, vị chát sâu, nước xanh, được cho là có chứa nhiều chất chống oxy hóa và tốt cho sức khỏe.
Thanh Trà