Từ hàng ngàn năm trước, trà đã hiện diện trong đời sống người Việt như một phần tất yếu của văn hóa và lối sống. Trong những buổi tiếp khách, trong các nghi lễ truyền thống hay chỉ là khoảnh khắc yên bình bên hiên nhà, trà không chỉ là đồ uống mà còn là biểu tượng của sự thanh tao, của chiều sâu trí tuệ và kết nối giữa người với người. Thế nhưng, trong dòng chảy hiện đại, khi khẩu vị, nhu cầu và thói quen tiêu dùng ngày càng biến đổi, trà Việt cũng đang chứng kiến một bước chuyển mình ngoạn mục: từ nông sản truyền thống thành sản phẩm văn hóa – trải nghiệm – và sức khỏe.
Trà không còn chỉ là đồ uống giải khát, mà trở thành sản phẩm mang giá trị văn hóa, trải nghiệm và sức khỏe.
Từ cây chè bản địa đến ngành công nghiệp chiến lược
Chè không chỉ là cây trồng bản địa có từ hàng thế kỷ trước, mà còn là cây công nghiệp chiến lược đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phát triển ngành chè không chỉ là một nhiệm vụ phát triển kinh tế thuần túy, mà còn là trách nhiệm lịch sử, để bảo tồn và phát huy những giá trị bản địa gắn bó với đời sống người Việt.
Thống kê cho thấy, dù diện tích trồng chè có giảm nhẹ, nhưng năng suất lại tăng, giúp tổng sản lượng chè đạt 1,125 triệu tấn vào năm 2023 tăng đáng kể so với 1 triệu tấn năm 2015. Hai vùng sản xuất chính là miền núi phía Bắc (chiếm 74,7%) và Tây Nguyên (chiếm 10,94%), nơi khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng đã tạo nên những giống trà quý như shan tuyết cổ thụ, trà xanh Thái Nguyên hay trà Mộc Châu đặc trưng.
Tuy nhiên, có một nghịch lý đáng lưu tâm: năm 2022, dù xuất khẩu chiếm gần 75% sản lượng chè (146.000 tấn), nhưng giá trị lại chỉ đạt 237 triệu USD thấp hơn so với 48.000 tấn chè tiêu thụ trong nước nhưng mang về 325 triệu USD. Điều này cho thấy ngành chè Việt đang đối mặt với một bài toán nan giải: làm sao để nâng tầm giá trị xuất khẩu, thay vì chỉ chạy theo sản lượng.
Văn hóa tiêu dùng thay đổi: Khi giới trẻ “sống cùng trà”
Ở chiều ngược lại, thị trường trong nước đang chứng kiến sự bùng nổ của các sản phẩm trà mới đặc biệt trong giới trẻ. Nếu trước đây, trà là hình ảnh của ông đồ già, của những ấm nước chè xanh bốc khói bên bàn thờ gia tiên, thì giờ đây, nó xuất hiện trong tay của những bạn trẻ năng động tại các cửa hàng trà sữa hiện đại, trà thảo mộc, trà pha trái cây hay matcha latte...
Theo khảo sát của Kantar Worldpanel năm 2024, có tới 29% người dân đô thị lựa chọn trà pha sẵn (RTS) là một phần thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, trà sữa nổi lên như một hiện tượng với 53% người Việt uống ít nhất một lần mỗi tuần. Điều này không chỉ phản ánh sự thay đổi khẩu vị mà còn là sự dịch chuyển văn hóa: giới trẻ tìm thấy trong ly trà sữa không chỉ hương vị mà còn là phong cách sống nơi gặp gỡ, làm việc, thư giãn và thậm chí “check-in” chia sẻ cuộc sống trên mạng xã hội.
Sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại
Tuy nhiên, hiện đại hóa không có nghĩa là mai một truyền thống. Trên thực tế, năm 2025 là thời điểm cho thấy văn hóa trà Việt đang đạt đến sự hài hòa thú vị: vừa bảo tồn giá trị cốt lõi, vừa khéo léo thích nghi với thị trường mới.
Tại các vùng trà cổ truyền như Hà Giang, Tà Xùa, Thái Nguyên, hàng triệu cây chè cổ thụ vẫn âm thầm bén rễ trên đồi núi, tạo sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân và cung cấp nguyên liệu cho các dòng trà cao cấp. Những cái tên như trà sen Tây Hồ, trà móc câu Thái Nguyên, trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang... đã không còn chỉ hiện diện trong chén trà đạo, mà được tái sinh dưới dạng sản phẩm đóng gói tinh tế, có câu chuyện nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng nhu cầu của thế hệ tiêu dùng mới.
Song song đó, các chuỗi trà hiện đại như TocoToco, The Alley, GONG CHA… liên tục sáng tạo nên những “tác phẩm trà” mang đậm dấu ấn cá nhân: từ lớp kem cheese mặn, trân châu handmade, thạch trái cây cho tới các phiên bản trà cold brew, trà detox. Đây chính là sự gặp gỡ giữa hai dòng chảy: bản địa và đương đại tạo nên một bức tranh thị trường trà vừa phong phú, vừa đầy tiềm năng khai thác.
Trà như một sản phẩm văn hóa, trải nghiệm và sức khỏe
Điều dễ nhận thấy nhất trong hành trình “tái định vị” trà Việt chính là sự chuyển biến trong cách nhìn nhận: trà không còn chỉ là đồ uống giải khát, mà trở thành sản phẩm mang giá trị văn hóa, trải nghiệm và sức khỏe.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các loại trà hữu cơ, trà thảo mộc, có nguồn gốc rõ ràng, quy trình chế biến sạch, tiêu chuẩn an toàn cao. Các hợp tác xã, doanh nghiệp chè cũng không còn “bán trà bằng cân”, mà chuyển sang đầu tư xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì cao cấp và kể những câu chuyện bản sắc từ đó nâng cao giá trị gia tăng.
Trà Việt vì thế không chỉ phục vụ thị trường nội địa, mà còn dần chinh phục được thị trường xuất khẩu khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Đông. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 136.500 tấn trà mỗi năm, tương đương 80% tổng sản lượng nhưng với điều kiện phải tăng được chất lượng và giá trị thay vì chỉ tăng số lượng.
Kênh phân phối và công nghệ số: Đòn bẩy mới cho ngành trà
Một yếu tố đang đóng vai trò quyết định trong sự chuyển mình của ngành trà chính là thương mại điện tử. Theo Bộ Công Thương, đến năm 2025, hơn 35% lượng trà tiêu thụ nội địa sẽ đến từ các nền tảng online. Đây là tín hiệu cho thấy sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng họ sẵn sàng tìm kiếm, so sánh và trải nghiệm sản phẩm trà chất lượng cao qua môi trường số.
Không dừng lại ở đó, các thương hiệu trà nội địa như Phê La, Trà Việt, Cozy… đang tích cực sử dụng TikTok, Instagram để kể câu chuyện thương hiệu bằng hình ảnh sống động, âm thanh cuốn hút, tạo nên mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ với người dùng trẻ. Một video về quy trình ướp trà sen, hay một clip về hành trình hái trà shan tuyết buổi sớm cũng có thể thu hút hàng trăm ngàn lượt xem – và chuyển đổi thành hàng ngàn đơn hàng thực tế.
Bức tranh trà Việt hôm nay đã vượt xa khái niệm về một loại cây trồng hay một thức uống truyền thống. Nó đang định hình như một lối sống nơi người tiêu dùng vừa gìn giữ nét văn hóa xưa cũ, vừa đón nhận những tiện ích và sáng tạo thời đại mới. Sự cân bằng giữa bản sắc và đổi mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa giá trị tinh thần và yêu cầu thị trường chính là con đường để ngành trà Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập quốc tế mà vẫn giữ được linh hồn của mình. Khi trà không còn chỉ là thứ uống, đó là lúc ngành chè Việt chạm đến tầm cao mới: một sản phẩm văn hóa sống động, đáng tự hào.