Tại Việt Nam, cây chè từ lâu đã trở thành cây công nghiệp phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4,0%. Một số địa phương có diện tích chè lớn, như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha)…
Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu chè trong tháng 7/2021 đạt 10 nghìn tấn, trị giá 18 triệu USD, giảm 25,2% về lượng và giảm 18,9% về trị giá so với tháng 7/2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè ước đạt 68 nghìn tấn, trị giá 113 triệu USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đánh giá của Hiệp hội chè Việt Nam, những năm gần đây, năng suất và sản lượng chè của Việt Nam liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè. Đặc biệt đã có nhiều giải pháp đồng bộ được áp dụng trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trên sản phẩm chè đã cho những kết quả khả quan.
Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã chè trên địa bàn nhiều tỉnh đã chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn hữu cơ. Đây là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và hướng tới một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Tuy nhiên thời gian vừa qua, Hiệp hội Chè Việt Nam nhận được thông tin về việc một số doanh nghiệp sản xuất chè Việt Nam đang gia tăng việc sử dụng một số chất phụ gia trong hoạt động sản xuất chế biến chè xanh và chè đen để làm tăng độ xoăn và chắc cánh của sản phẩm. Thậm chí các chất phụ gia này được chào bán công khai trong cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất, các quy trình hướng dẫn cho chất phụ gia trong quá trình sản xuất chè được viết lại rất chi tiết và tỉ mỉ.
Theo Hiệp hội chè Việt Nam, các chất phụ gia này có thể được phép sử dụng trong một số công nghệ thực phẩm nhất định nhưng hiện tại chưa được Bộ Y tế cấp phép cho sử dụng trong chế biến sản xuất chè. Ngay cả các quy định của FAO – Tổ chức nông lương quốc tế, cũng không cho phép sử dụng phụ gia trong quá trình chế biến sản phẩm thô, bao gồm cả chè. Với việc sử dụng tràn lan, rỗng rãi chất phụ gia này sẽ gây ảnh hưởng rất xấu tới uy tín và chất lượng của chè Việt cả trong nước và quốc tế. Đồng thời, điều này sẽ khiến giá cả của chè Việt Nam ngày càng đi xuống.
“Việc pha trộn các chất không được cấp phép sử dụng trong quá trình sản xuất chè cũng đã từng diễn ra trước đây, như trộn bùn, phun chất tạo màu làm xanh nước. Việc này đã để lại hậu quả khá nặng nề không chỉ cho các doanh nghiệp trong vùng mà còn cho toàn Ngành, khiến người tiêu dùng và bạn hàng mất niềm tin trong một thời gian dài”, Hiệp hội Chè Việt Nam cảnh báo.
Hiện tại, dịch Covid vẫn còn diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm ở cả Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, do vậy việc thông thương sản phẩm rất khó khăn và với chi phí rất cao, chè sản xuất ra lưu thông khá chậm và sẽ bị tồn kho lâu hơn, việc cho chất phụ gia không kiểm soát được khiến chất lượng thành phẩm chè sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiệp hội Chè Việt Nam đề nghị các hội viên cùng thống nhất không sử dụng các chất phụ gia khi chưa được các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép, và cùng thông tin tới các hội viên khác để ngăn ngừa khi xuất hiện việc chào bán chất phụ gia trong khu vực của mình để cùng nhau xây dựng ngành chè phát triển trong sạch và bền vững.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.