Theo đó, Quy hoạch chung Khu công nghiệp Phú Quý có phạm vi ranh giới thuộc một phần địa bàn quản lý hành chính các xã: Hoằng Kim (27,17 ha); Hoằng Trinh (16,40 ha); Hoằng Sơn (13,80 ha); Hoằng Quý (219,23 ha); Hoằng Xuyên (128,70 ha); Hoằng Cát (48,50 ha) và Hoằng Quỳ (86,20 ha), huyện Hoằng Hóa. Thời hạn quy hoạch đến năm 2040. Tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là 733,11 ha; tổng diện tích lập quy hoạch là 540,00 ha.
Mục tiêu của lần quy hoạch này là cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoằng Hóa đến năm 2040, quy hoạch ngành có liên quan trong khu vực quy hoạch. Định hướng phát triển thành một khu công nghiệp ưu tiên công nghệ cao và thu hút các nhóm ngành công nghiệp liên quan; xây dựng khu công nghiệp hiện đại với cơ sở hạ tầng đồng bộ, phân khu chức năng hợp lý để phục vụ các dự án đa ngành; khai thác tối đa quỹ đất cho phát triển công nghiệp và lợi thế của hệ thống giao thông.
Với tính chất, chức năng là khu công nghiệp đa ngành, trong đó ưu tiên công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí, ôtô; công nghiệp dược; công nghiệp thực phẩm. Quy mô lao động dự báo khoảng 36.000 - 58.500 lao động.
Về các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cơ bản của Khu công nghiệp: (1) Chỉ tiêu đất dành cho phát triển khu công nghiệp: Đất xây dựng nhà máy 72,84%; đất công trình kỹ thuật 2,11%; đường giao thông khu công nghiệp 10,34%; đất cây xanh, mặt nước 14,13%; (2) Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp: Cấp nước 22 m3/ha ngày đêm; cấp điện 250 KW/ha; thoát nước thải 100% chỉ tiêu cấp nước của đối tượng tương ứng; chỉ tiêu về chất thải rắn lấy bình quân 1-1,2 tấn/ha.
Về mô hình phát triển: Khu công nghiệp Phú Quý là khu công nghiệp ưu tiên công nghiệp công nghệ cao dự kiến phát triển kết hợp giữa 02 mô hình: (1) Mô hình định hướng: Phát triển theo định hướng quy hoạch và phân khu chức năng. Trong đó phân các khu đất sản xuất thành các lô theo các module đa dạng, thích hợp với nhiều loại hình đầu tư: loại nhỏ (dưới 5 ha), loại vừa (5,0÷15,0 ha), loại lớn (trên 15 ha), một số lô đất lớn đặc biệt. (2) Mô hình mỏ neo: Phát triển theo từng cụm, mỗi cụm được hình thành khi thu hút được các nhà sản xuất đặc biệt có vai trò mỏ neo, kéo theo các cơ sở sản xuất tương tự và các nhà sản xuất tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm.
Về định hướng phát triển không gian khu vực: Khu Công nghiệp Phú Quý được quy hoạch đảm bảo kết nối hiệu quả với các đô thị vệ tinh xung quanh, tận dụng hiệu quả quỹ đất, đồng thời phát huy được điểm mạnh của một Khu Công nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra sự khác biệt trong phát triển. Việc quy hoạch khu công nghiệp đảm bảo tính hiện đại và phù hợp cho việc khai thác đất công nghiệp cũng như phát triển bền vững của các khu chức năng trong khu vực; cụ thể:
- Đối với khu nhà máy, xí nghiệp: Tầng cao công trình theo dây chuyền công nghệ sản xuất từ 1-5 tầng, mật độ xây dựng (MĐXD) từ 50%÷70%, tùy theo yêu cầu của loại hình sản xuất đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành. Đối với loại hình công nghiệp sử dụng công nghệ cao, có thể xây dựng ở MĐXD thấp, chiều cao lớn hơn so với công nghiệp thông thường. Quy hoạch phân lô các lô đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp linh hoạt, có thể ghép nối nhiều lô đất để đáp ứng yêu cầu xây dựng của các nhà máy có quy mô lớn. Khu vực dọc hành lang hai bên tuyến đường đối ngoại và trục chính Khu Công nghiệp sẽ ưu tiên khai thác phát triển trước và chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn mang tính chất mỏ neo cho phát triển Khu công nghiệp.
- Đối với khu hành chính - dịch vụ công cộng: Các chức năng được bố trí trong khu đất Hành chính - Dịch vụ công cộng bao gồm: Nhà điều hành KCN kết hợp dịch vụ công cộng (cung cấp các dịch vụ cho cán bộ và công nhân trong KCN); Dịch vụ thương mại (trưng bày giới thiệu sản phẩm phục vụ sản xuất); công trình thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động. Các lô đất Hành chính - Dịch vụ công cộng được bố trí tại khu vực cửa ngõ KCN và tiếp giáp các tuyến đường Quỳ Xuyên, Kim Sơn; tầng cao công trình 3-5 tầng, mật độ xây dựng tối đa 40%.
- Đối với cây xanh, mặt nước: Đất cây xanh được bố trí phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và tạo lập cảnh quan cho khu công nghiệp. Hệ thống cây xanh cách ly và cây xanh cảnh quan được bố trí thành dải xung quanh ranh giới khu công nghiệp đảm bảo an toàn môi trường cũng như tạo nên vành đai xanh xung quanh khu công nghiệp, đồng thời bố trí quỹ đất cây xanh phân tán trong khu công nghiệp, ven hệ thống hồ, mặt nước để tạo không gian cảnh quan và môi trường sinh hoạt, thể dục thể thao cho người lao động. Diện tích mặt nước cải dịch kênh tiêu Phú Dịch được tận dụng làm khu vực cây xanh - mặt nước - cảnh quan cho toàn khu.
Về giải pháp tái định cư và nhà ở xã hội: Khu tái định cư: Tổng số hộ diện tái định cư khoảng 80 hộ (thuộc thôn Tân Đức, xã Hoằng Quý) cần được nghiên cứu định hướng tại đồ án Quy hoạch chung đô thị Phú Quý đến năm 2030 hiện nay đang trình thẩm định phê duyệt. Vị trí lô đất dự kiến sẽ bố trí tại phía Đông đường Quốc lộ 1 thuộc xã Hoằng Quý với quy mô khoảng 9 ha sẽ được cập nhật trong đồ án Quy hoạch chung đô thị Phú Quý.
- Khu nhà ở xã hội: Khu nhà ở xã hội được định hướng quy hoạch đồng bộ gắn với quy hoạch chung xây dựng xã Hoằng Cát. Diện tích khu nhà ở xã hội dự kiến khoảng 11 ha, dự kiến đặt tại vị trí phía Đông Nam Khu công nghiệp, giáp đường Quỳ Xuyên. Phục vụ nhu cầu dịch vụ, nhà ở cho lao động Khu công nghiệp (bao gồm chuyên gia, quản lý, công nhân...) và cho nhân dân khu vực lân cận.
UBND tỉnh giao UBND huyện Hoằng Hóa: Hoàn chỉnh, xuất bản hồ sơ để đóng dấu lưu trữ theo quy định; bàn giao hồ sơ, tài liệu đồ án quy hoạch chung đô thị cho địa phương, các ngành, đơn vị liên quan để lưu giữ, quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt. Tổ chức công bố công khai Quy hoạch chung khu công nghiệp Phú Quý đến năm 2040 được duyệt chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được phê duyệt theo quy định tại khoản 13 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chung khu công nghiệp Phú Quý. Nghiên cứu bố trí quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất đối với phần đất còn lại (khoảng 305 ha) của Khu công nghiệp để đảm bảo định hướng Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; bố trí đủ các quỹ đất nhà ở (để bố trí nhà ở xã hội, tái định cư) phục vụ người dân lao động làm việc khu công nghiệp và người dân bị ảnh hưởng. Có kế hoạch phân kỳ đầu tư thực hiện để hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đảm bảo an ninh lương thực; đánh giá cụ thể khả năng đền bù giải phóng mặt bằng và phương án đảm bảo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng. Tổ chức đưa mốc giới quy hoạch ra ngoài thực địa (cắm mốc, định vị ranh giới quy hoạch, tim tuyến, lộ giới các trục giao thông chính, các khu vực bảo vệ …) quản lý theo quy định của pháp luật.
Tiến Hoàng