Khu du lịch quốc gia Mộc Châu: Điểm đến “xanh” phát triển bền vững trên bản đồ du lịch Việt

Khu du lịch Mộc Châu nằm trên cao nguyên Mộc Châu, thuộc địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La. Nơi đây sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ, lại nằm ở độ cao trung bình 1.050m so với mực nước biển nên thuộc kiểu khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ. Vì thế, Mộc Châu còn được ví như “Đà Lạt thứ hai” ở khu vực phía Bắc Việt Nam.

Đồi chè trái tim Love Mộc Châu.
Đồi chè trái tim Love Mộc Châu.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có quy mô 206.150ha, nằm ở vị trí đắc địa khi vừa là cửa ngõ của Sơn La, vừa là cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ với vùng Tây Bắc. Mộc Châu cũng là điểm đến được nhiều người ưa thích, lựa chọn bởi khí hậu trong lành, mát mẻ; tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô cùng đa dạng, hấp dẫn.

Những đặc trưng về khí hậu, địa hình, địa chất đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo riêng có cho Mộc Châu và là tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị hội thảo, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng...việc Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch quốc gia được coi là động lực phát triển du lịch cho toàn vùng, đồng thời khẳng định vị thế là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng trên hành lang du lịch “Qua miền Tây Bắc” theo quốc lộ 6.

Du lịch Mộc Châu đang sở hữu một hệ sinh thái đa dạng, phong phú, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ, hoang sơ với nhiều danh lam thắng cảnh, như: Động Sơn Mộc Hương (Hang Dơi), Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, Khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận, đồng cỏ chăn nuôi bò sữa...

Với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên những nét văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc riêng có ở Mộc Châu, như: Tết của đồng bào dân tộc Mông; lễ hội Hết Chá, lễ hội Cầu Mưa của dân tộc Thái; lễ cúng dòng họ của dân tộc Mông; lễ Lập Tịnh của dân tộc Dao; lễ hội Chách Vắt, Chách Và - Chùa Vặt Hồng; hội Trà cao nguyên Mộc Châu; ngày hội hái quả, ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu, hội thi hoa hậu bò sữa...

Cùng với đó là các hoạt động văn hóa cộng đồng, trò chơi dân gian đặc sắc của các dân tộc, như: Múa xòe, nhảy sạp, chơi tó má lẹ của dân tộc Thái; nhảy tha khềnh (nhảy khèn), rồng ấp trứng, đánh tu lu, ném pao của dân tộc Mông; múa chuông của dân tộc Dao... Văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú với hương vị đậm đà, độc đáo phải kể đến như cá nướng, lợn bản, gà đen, xôi ngũ sắc, bê chao, rau cải mèo, thịt chua, rượu ngô, rượu hoẵng,... Những lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đã và đang trở thành thế mạnh của du lịch Mộc Châu, là động lực tăng trưởng, phát triển du lịch bền vững.

Mộc Châu luôn được biết đến là thiên đường du lịch với cảnh quan bình dị và đầy thơ mộng.
Mộc Châu luôn được biết đến là thiên đường du lịch với cảnh quan bình dị và đầy thơ mộng.

Nhìn lại gần 10 năm (2015 - 2024) kể từ khi “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã đạt được những kết quả nhất định, tạo nên hiệu ứng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời tác động đến nhu cầu khám phá của du khách đối với Mộc Châu.

Đặc biệt, lượng khách đến với tỉnh ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu như trước năm 2010, Mộc Châu mới chỉ có hai khách sạn thì nay đã có 295 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 1 resort, 9 khách sạn từ 1 - 3 sao cùng 340 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm với số vốn đầu tư trên 3.760 tỷ đồng.

Sự phát triển về du lịch không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân mà còn góp phần thay đổi nhận thức về phát triển du lịch bền vững của các cấp, các ngành và người dân.

Với những thành tựu, kết quả đã đạt được, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; bảo vệ cảnh quan, môi trường; quản lý quy hoạch, phát triển đô thị hay phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, bảo đảm an ninh an toàn cho du khách... Giải quyết hài hòa những tồn tại, thách thức này là định hướng để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu phát triển theo hướng “xanh” và bền vững.

Đồi chè Mộc Châu được nhìn từ trên cao.
Đồi chè Mộc Châu được nhìn từ trên cao.

Đề cập tới mô hình “bản du lịch xanh” - một khái niệm khá mới nhưng phù hợp với thực tiễn phát triển và tiềm năng của Mộc Châu, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Sơn La cho rằng, mô hình này cần đáp ứng 6 tiêu chí: Có không gian du lịch xanh; Có sản phẩm du lịch “xanh”; Thực hiện các dịch vụ “xanh” phục vụ du khách; Tự vận hành mô hình quản lý “Bản du lịch xanh”; Ứng dụng công nghệ “xanh”; Xây dựng và thực hành các quy định về bảo vệ môi trường trong cộng đồng... Đây là hướng đi tất yếu của du lịch Việt Nam trong đó có Sơn La.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, để phát triển du lịch bền vững và hiệu quả, Sơn La cần huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cấp, ngành và người dân, tập trung xây dựng mô hình điểm du lịch “xanh” tại Mộc Châu để nhân rộng, qua đó góp phần phát triển du lịch nhanh và bền vững trước những yêu cầu mới hiện nay.

PHI LONG