Kienlongbank đặt mục tiêu lãi gấp 6 lần năm trước, chia cổ tức 13% sau khi xử lý hết cổ phiếu Sacombank

Năm 2021, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần năm trước. Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13%.

Một điểm giao dịch của Kienlongbank. (Ảnh: Lê Huy).  
Một điểm giao dịch của Kienlongbank. (Ảnh: Lê Huy).  

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank - Mã: KLB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong năm nay đạt 1.000 tỷ đồng, cao gấp hơn 6 lần so với năm trước.

Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm dự kiến đạt 66.800 tỷ đồng, tăng 16,62% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng tăng 28,47% lên 44.600 tỷ đồng.Tổng nguồn vốn huy động tăng 14,08% lên 59.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 2%.

Một điểm đáng chú ý tại đại hội lần này là ngân hàng sẽ bổ sung thêm tên viết tắt bằng tiếng Anh là KSBank bên cạnh tên Kienlongbank hiện tại.

Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13%. Sau phát hành, vốn điều lệ của Kienlongbank dự kiến tăng lên gần 3.653 tỷ đồng. 

Ngân hàng cho biết số vốn điều lệ tăng thêm trong năm 2021 sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn để đầu tư tài sản cố định, hệ thống công nghệ thông tin, trang bị cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và bổ sung nguồn vốn đầu tư kinh doanh. 

Bên cạnh đó, Kienlongbank cũng có kế hoạch chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 17%, tuy nhiên có thể điều chỉnh theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Chỉ tiêu kinh doanh năm 2021. (Ảnh: Tài liệu họp Kienlongbank).  
Chỉ tiêu kinh doanh năm 2021. (Ảnh: Tài liệu họp Kienlongbank).  

Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 158 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2019 và thực hiện được 21% kế hoạch đề ra.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng tăng 12% so với cuối năm trước, lên 57.282 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,7%, đạt 34.716 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 27,6%, đạt 42.018 tỷ đồng.

Tổng số dư nợ xấu là 1.883 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với cuối năm 2019; trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 1.782 tỷ đồng, chiếm gần 95%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 5,4%.

Nợ xấu của Kienlongbank tăng mạnh do việc hạch toán khoản nợ của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank (STB) vào nợ nhóm 5 theo quyết định chỉ đạo của NHNN.

Tại thời điểm cuối năm 2020, Kienlongbank đã bán được một phần cổ phiếu Sacombank. Khi xử lý xong tài sản bảo đảm có liên quan, căn cứ nguồn tiền thu được, Kienlongbank sẽ ghi nhận vào thu nhập trong năm 2021. Theo thông tin mới cập nhật từ Báo Đầu tư, đến hết tháng 3/2021, Kienlongbank đã xử lý xong toàn bộ số cổ phiếu này.

Lê Huy

Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết