Kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế lao động 1/5: Chăm lo cho người lao động

Chăm lo việc làm cho người lao động có hiệu quả: Nhà nước tạo công ăn việc làm ổn định, bảo đảm chế độ đãi ngộ, bảo hiểm xã hội, quyền lợi chính đáng và hợp pháp là góp phần quan trọng nhằm ổn định xã hội, gữ vững an ninh, trật tự, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau gần 2 năm thế giới trải qua đại dịch COVID-19, không ai dự liệu được diễn tiến của dịch và hậu quả khôn lường của nó với cuộc sống con người. Giờ, hiển hiện rõ nhất là tình trạng thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng. Mỗi quốc gia, tuy mức độ thiệt hại khác nhau nhưng bất ổn về kinh tế - xã hội, thậm chí cả chính trị là có thật; diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Việt Nam cũng đang phải chịu tác động ấy. Đương nhiên, còn những nguyên nhân khác gây thất nghiệp nhưng dịch COVID-19 được xem là nguyên nhân chính, trong thời gian qua. Đây là bài toán nan giải, hóc búa đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo thống kê sơ bộ, số lượng người thất nghiệp ở nước ta vì COVID trong quý 1/2021 là 9 triệu. 10.000 doanh nghiệp dời khỏi thị trường kinh doanh. Đồng nghĩa với hàng nghìn lao động mất việc làm. Vẫn biết, doanh nghiệp này giải thể lại có doanh nghiệp mới được thành lập. Song, không có nghĩa là lao động tự dịch chuyển từ doanh nghiệp giải thể sang doanh nghiệp mới.

Việc làm cho người lao động trong thời đại công nghệ phát triển rất nhạy cảm, công việc thường đòi hỏi lao động có trình độ cao. Tự động hóa trong dây truyền sản xuất sẽ thu hẹp lao động giản đơn, thủ công, bằng sức người. Điều đó đồng nghĩa với việc làm cho người lao động ít đi. Trong thời kỳ diễn ra dịch COVID 19, từng bùng nổ dịch vụ bán hàng qua mạng online. Theo đó, hình thành đội ngũ shipper (giao hàng bằng phương tiện cơ giới) tăng lên.

Tuy vậy, nếu so sánh số lượng việc làm có thêm từ nhu cầu xã hội ấy với số lượng người mất việc làm đương nhiên vẫn sẽ là con số chênh lệch lớn. Thất nghiệp đang là xu thế chủ đạo. Thất nghiệp, không có thu nhập hoặc thu nhập không ổn định dưới mức sống tối thiểu đương nhiên gây nên tệ nạn xã hội: Cờ bạc, hút hít, chích đi liền buôn bán ma túy; buôn gian bán lận, lừa đảo, đua xe trái phép, mâu thuẫn xã hội, bạo lực…

Bằng mọi cách để mưu sinh, kiếm sống bằng mọi giá bất chấp pháp luật đẩy một bộ phận xã hội đến con đường cùng, tha hóa đạo đức. Vô hình chung họ tạo nên những bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy chưa công khai kết quả điều tra toàn diện về thực trạng xã hội nhưng nếu chỉ nhìn vào những đánh giá vĩ mô nền kinh tế, không ít người sẽ lạc quan “tếu”. Song chỉ với thông tin hàng ngày (chắc còn khiêm tốn) có thể nhận thấy tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. Những “lâm tặc” “cát tặc”, “cẩu tặc”, “đất tặc”, “ô nhiễm tặc”… là cụm từ dễ gặp trên truyền thông xã hội. Thoạt nghe, chẳng liên quan đến thất nghiệp nhưng sự thật không hẳn thế. Bây giờ, không ít người chỉ cần có người thuê (cả việc chính đáng và không chính đáng) là sẵn sàng nhận ngay chỉ vì cần tiền. Phải chăng cũng là do không có việc làm? Báo chí cảnh báo nhiều vấn đề xã hội hiện hữu, tác động tiêu cực đến cuộc sống của hàng triệu người.

Phân hóa giàu nghèo cũng có nguyên nhân từ thất nghiệp. Trong đại dịch, một bộ phận người giàu càng giàu thêm. Người nghèo bần cùng hóa. Chăm lo người lao động trên cả hai phương diện, việc làm và quyền họ được hưởng trong quá trình làm việc, nghỉ chế độ, thôi làm việc. Đây là những vấn đề quan trọng của đời sống kinh tế-xã hội, là thách thức không nhỏ, nhất là tình hình đại dịch đang diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới. Để chủ động trong mọi tình huống, Chính phủ đã và đang kịp thời dự báo kịch bản KT-XH có thể diễn ra trong năm nay cũng như thời gian tới.

Theo đó, là những phương án đối phó, giải pháp giải quyết theo từng tình huống. Nếu như chúng ta khống chế được dịch, du lịch nội địa hoạt động trở lại sẽ tháo gỡ rất nhiều khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển, tăng việc làm đáng kể cho người lao động. Thực tế cho thấy, ở một số khu công nghiệp phía Nam, không ít công nhân sau một số năm từ nông thôn ra thành phố làm việc, nay xin nghỉ việc, về quê tìm cách sinh nhai vì thu nhập của họ không lo cho cả vợ chồng con cái và bố mẹ ở quê. Sức ép việc làm và thu nhập đủ sống đã nảy sinh mâu thuẫn: Có việc nhưng không có nguồn nhân lực đủ đáp ứng; nhiều người không có việc chỉ vì không có nhu cầu sử dụng. Mâu thuẫn tưởng chừng “xưa như trái đất” ấy vẫn đang hiện hữu. Kỷ niệm ngày quốc tế lao động cũng cần nhắc lại “quyền được sống, làm việc và mưu cầu hạnh phúc là giá trị của CON NGƯỜI”. Đó là tự do, bình đẳng, bác ái.

Chăm lo việc làm cho người lao động có hiệu quả: Nhà nước tạo công ăn việc làm ổn định, bảo đảm chế độ đãi ngộ, bảo hiểm xã hội, quyền lợi chính đáng và hợp pháp là góp phần quan trọng nhằm ổn định xã hội, gữ vững an ninh, trật tự, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững. Hàn thử biểu về tiến bộ xã hội nằm ở tỷ lệ thất nghiệp của mỗi quốc gia.

Con người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Phân công lao động xã hội, sắp xếp lực lượng lao động hợp lý là khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội. Lãnh đạo Đảng, Chính phủ nhiều lần khẳng định “không để ai bị bỏ lại phía sau”; là “ dân được thụ hưởng” thành quả cách mạng. Mục tiêu xuyên suốt ấy cũng là thành quả đấu tranh không biết mệt mỏi bằng sự hy sinh to lớn của nhiều thế hệ qua bao cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc và nhiều thập kỷ triển khai công cuộc đổi mới xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, giàu mạnh.

Văn Hùng