Thời gian qua, điều làm chúng ta lo lắng trước mắt là thực trạng cháy, nổ ở không chỉ xảy ra với tần suất ngày càng tăng không chỉ ở các đô thị lớn, tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mà còn là một số địa phương, tỉnh thành có khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều cơ sở sản xuất tập trung có quy mô lớn, phạm vi sản xuất rộng, kho tàng chứa nguyên vật liệu dễ có nguy cơ cháy nổ. Hơn thế, tốc độ đô thị hóa nông thôn đang diễn ra nhanh kèm dịch vụ buôn bán, sản xuất kinh doanh các mặt hàng dễ bắt lửa, cháy nổ nếu không được kiểm soát kỹ, phòng cháy nổ tỉ mỉ kỹ càng, nghiêm ngặt sẽ có nguy cơ cháy nổ cao.
Năm qua, có thời điểm liên tiếp xảy ra cháy nổ quán karaoke ở thành phố và một vài tỉnh thành; khu dân cư nội đô, một số vụ cháy nổ nhà xưởng, nhà dân rải rác ở các tỉnh thành. Nguyên nhân các vụ cháy được chỉ ra thường là do chập điện, nổ bình ga, bất cẩn trong sửa chữa nhà xưởng (hàn điện) cùng những lỗi thường gặp từ bất cẩn trong sinh hoạt hàng ngày của con người như thắp hương thờ cúng, sử dụng thiết bị điện, bếp ga không an toàn, không đúng cách. Cùng đó, nguyên nhân khách quan vẫn là nhà ở, nhà sản xuất chật chội, sinh sống và kinh doanh trong cùng một diện tích nhỏ hẹp, khép kín, không lối thoát hiểm, trong đó chứa nhiều đồ dễ bắt lửa, không tuân thủ nghiêm quy định phòng cháy chữa cháy; cửa nhà hay cửa hàng đều dùng cửa cuốn kiên cố, chỉ có một lối ra vào duy nhất…
Sau mỗi vụ cháy, nhiều bất cập khách quan và chủ quan được chỉ ra nhưng lại chậm được khắc phục, không chịu khắc phục, bao biện, né tránh, thậm chí có tư tưởng coi thường. Lại có những vấn đề không khắc phục được vì trong quy hoạch xây dựng không thực hiện nghiêm từ đầu những quy định phòng cháy chữa cháy. Dễ dãi và cả không loại trừ có tiêu cực trong cấp phép xây dựng và phòng chống cháy nổ. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” câu thở dài của không ít người mỗi khi sự cố xảy ra, bởi lực bất tòng tâm, có bình cứu hỏa, họng nước dự phòng, lối thoát hiểm… đều không sử dụng được vì không còn tác dụng. Vì trang thiết bị phòng cháy chữa cháy không được kiểm tra thường xuyên, không thể hoạt động được khi họng nước không cung cấp nước, bình hết bọt, không hoạt động; lối thoát hiểm bị lấn chiếm…
Vụ hỏa hoạn tại chung cư mini phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân vừa qua cho thấy, phương tiện hiện đại đến cứu chữa nhưng xe chữa cháy không tiếp cận được điểm cháy vì ngõ vào quá hẹp; chung cư chưa trang bị các thiết bị phòng, chữa cháy, hệ thống báo cháy không hoạt động… Đây là thực trạng khá phổ biến của nhiều khu dân cư đông dân, nhất là khu nhà trọ, nhà tạm của người lao động có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên…hạ tầng xuống cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Chúng ta đã tận thấy thực trạng thiếu nước sinh hoạt ở không ít khu đô thị và các địa phương do nhiều nguyên nhân hạn hán kéo dài, hồ chứa nước, tích nước mất dần bởi đất bị sử dụng cho các mục đích khác. Rõ ràng, nếu hỏa hoạn xảy ra không thể có nguồn nước để tiêu diệt được “giặc lửa”. Cái khó bó cái khôn, muốn phòng chống cháy nổ tốt cần phải cần đến nguồn tài chính không nhỏ để mua các trang thiết bị vật dụng phòng chống cháy nổ. Cho đến nay, khu dân cư, cơ quan công sở, nhà máy xí nghiệp… chưa đạt quy chuẩn phòng chống cháy nổ không còn là chuyện cá biệt.
Dân số nước ta đã là 100 triệu người, mỗi khi nghe quy hoạch khu đô thị, khu làm việc, khu du lịch…chẳng mấy ai nghĩ đến và thuyết trình những nội dung liên quan đến phòng chống cháy nổ? Vì thế, cần phải bắt lại từ đổi mới tư duy tiếp cận hoạt động này với việc phân tích thấu đáo, khoa học, thực tiễn, khách quan các nguyên nhân cụ thể dẫn đến hỏa hoạn, cháy nổ để đưa ra các giải pháp PHÒNG.
Một trong các đáp án khả thi đã trở thành chân lý luôn là PHÒNG hơn CHỐNG; PHÒNG là chính. Xây dựng ý thức người dân, trong đó có cán bộ, đảng viên, người lao động và bất cứ ai cũng thấm nhuần triết lý hãy yêu cuộc sống và tính mạng của nhau, lấy PHÒNG làm đầu. Triển khai cụ thể bằng quy hoạch ngay từ đầu nơi ở, cơ quan, công sở nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, bến bãi, khu sản xuất… phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về phòng chữa cháy mới cấp phép xây dựng, cho phép công trình đưa vào sử dụng.
Về CHỐNG, từng bước xây dựng lực lượng phòng chống cháy nổ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với tư duy “ nuôi quân ba năm dùng một giờ”, “ngự binh ư nông”- xây dựng thế trận nhân dân trong phòng chống cháy nổ (xây dựng hệ thống cảnh báo, báo tin nhanh, kịp thời, phát huy lực lượng tại chỗ, kết hợp quy chặt chẽ các lực lượng…). Công tác thanh, kiểm tra diễn tập cần thường xuyên, thực chất hơn, tránh hình thức, không sát thực tế cuộc sống, điều kiện phòng chống cháy nổ.
Muốn CHỐNG có hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào trang thiết bị hiện đại, hoạt động PHÒNG. Đó là tính chuyên nghiệp, chuyên sâu theo từng đối tượng tác chiến ( khu dân cư đông hay ít dân, thực trạng cơ sở hạ tầng, tòa nhà hiện đại, khu công nghiệp, khu chế xuất, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; khu vực dễ xảy ra cháy nổ…). Thông tin mới đây, 5/2023 cả nước có 8.114 công trình (51 tỉnh, thành) chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng và chưa khắc phục yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Con số thống kê, đánh giá về số lượng chung cư mini trên toàn quốc chưa có, thậm chí nhiều con số chưa đạt độ tin cậy!
Phòng chống cháy nổ còn rất nhiều việc phải làm. Vụ hỏa hoạn nặng nề và thương tâm vừa qua dường như đã tác động mạnh mẽ, tích cực hơn đến nhận thức cả cộng đồng và người có trách nhiệm về hoạt động phòng cháy chữa cháy. Từ nhận thức đến hành động là khoảng cách xa, nhất là điều kiện kinh tế- xã hội còn gặp không ít khó khăn. Chừng nào vấn đề phòng chống cháy nổ được coi trọng cả trong tư duy và hành động, được đầu tư bài bản, tuân thủ nghiêm luật pháp, không chỉ là tư duy “ mất bò mới lo làm chuồng”, nỗi sợ rộ lên ít ngày rồi lại “nguyễn y vân”… chừng đó mới khắc phục, giảm thiểu được rủi ro trong tai nạn cháy nổ.
Vì nguồn lực vật chất có hạn nên công việc cấp thiết trước mắt là làm rõ nguy cơ cháy nổ có trọng tâm, trọng điểm không dàn trải, có lộ trình khắc phục trước sau theo trọng điểm căn cứ mức độ, nguy cơ cháy nổ. Tầm soát những nơi có nguy cơ cháy nổ ở các địa bàn, khu đông dân, khu vực kinh doanh nhiều kho tàng vật liệu, chợ tạm, dân cư sống tạm. Cũng như xây dựng bản đồ quy hoạch và cảnh báo cháy rừng trên cả nước, cần xây dựng bản đồ phòng chống cháy nổ toàn quốc trong tương lai gần.
Hạn chế tối đa thiệt hại về người và của trong công tác phòng chống cháy nổ luôn là mục đích cao nhất mà chúng ta hướng đến. Mọi người cũng ngẫm suy câu nói “ Nước xa không cứu được lửa gần” được lưu giữ và lan truyền mỗi khi nhắc nhớ về ngày toàn dân đề cao và cùng thực hiện thật tốt hoạt động phòng chống cháy nổ.
VĂN HÙNG