Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta được truyền mãi từ đời này qua đời khác. Mỗi khi nhắc đến các anh hùng, thương binh, liệt sĩ, ký ức về các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, giải phóng đất nước lại ùa về trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Chính họ là những thế hệ trực tiếp tham gia chiến đấu trên các mặt trận, chiến trường, dâng trọn tuổi xuân cho đất nước. Người may mắn trở về nguyên vẹn, nhưng cũng không ít người mang trên mình các loại thương tật suốt đời ở các mức độ khác nhau.
Khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 60% là chất da cam, chứa 366 kg dioxon do quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971 đã gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người: hơn 3 triệu ha rừng bị tàn phá nặng nề; khoảng 4,8 người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc hóa học, khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có nhiều người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm ngàn người đang vật lộn với cái chết, hàng trăm nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh bởi chất độc da cam. Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ.
Hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh không được phép ngưng nghỉ. Công cuộc bảo vệ Tổ quốc, dựng xây đất nước, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia lãnh thổ vẫn phải đổ máu, hy sinh, vẫn có “ thương, bệnh binh, liệt sĩ thời bình”. Nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và giao cho Bộ Quốc phòng làm đầu mối cùng các bộ, ban ngành đảm trách là chăm lo cho đời sống của thương bệnh binh, gia đình các liệt sĩ. Rộng hơn là những đối tượng có công với đất nước.
Cùng với chế độ đãi ngộ, chăm sóc thương bệnh binh tập trung, chế độ phụ cấp hàng tháng, là các món quà dịp lễ, Tết. Năm 2024, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất với Chủ tịch nước tặng quà cho người có công (1,38 triệu người) với kinh phí 420 tỷ đồng. Đó là biểu thị tấm lòng, thái độ biết ơn của xã hội, nhân dân với họ. Chẳng có gì có thể bù đắp được những thiệt thòi, mất mát hy sinh của họ. Vì thế, việc xã hội hóa, đề cao nghĩa cử cao đẹp thương người như thể thương thân,đền ơn đáp nghĩa ngày càng được chú trọng, đạt được mục tiêu thiết thực.
Hoạt động thu thập, kiểm chứng thông tin, triển khai nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ ở các chiến trường, mặt trận trong và ngoài nước đang được tiếp tục duy trì với tinh thần tích cực. Thời gian càng lùi xa, mất mát, hy sinh bị nhiều yếu tố khách quan che mờ, phủ lấp, công việc tìm kiếm càng khó khăn hơn gấp bội. Từ năm 2013 đến nay, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được 21.396 hài cốt liệt sĩ, trong đó, số lượng quy tập ở trong nước là 10.307 hài cốt liệt sĩ, ở Lào 3.378 hài cốt liệt sĩ và Campuchia 7.711 hài cốt liệt sĩ. Trong khi đó, số hài cốt liệt sĩ chưa tìm được vẫn còn nhiều (khoảng 180.000); thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng ít, độ chính xác không cao, nhân chứng biết thông tin không còn nhiều, ngày càng già yếu, trí nhớ giảm; phạm vi rộng, địa hình phức tạp, có nhiều thay đổi, nhiều nơi còn sót lại bom mìn, vật nổ…ảnh hưởng rất lớn đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tháng 6/2024, chúng ta đã đón nhận 11 hài cốt liệt sĩ ở Lào về nước.
Trong các nghĩa trang liệt sĩ ở nhiều vùng miền vẫn còn đó những liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Nỗi đau ấy phải cùng nén lại, cố gắng tiếp tục tìm kiếm dù hy vọng có mỏng manh. Nhờ công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tìm kiếm, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, thu nhận đơn thư liên quan đến sự mất mát, hy sinh, các cơ quan chức năng thuận lợi hơn, nhanh hơn, chính xác hơn trong xử lý thông tin về thương binh, liệt sĩ, người có công…Song, công việc ấy không bao giờ được sao lãng, càng khẩn trương, cầu thị càng tốt. Mới đây, nhà văn quân đội Nguyễn Trí Huân có bài viết “ Tiếng gọi khẩn thiết từ một hang đá” đăng trên Văn nghệ số 26 (29/6/2024) kể lại câu chuyện xảy ra trong chiến tranh chống Mỹ, diễn ra cách đây 55 năm. 8 chiến sĩ thuộc trung đoàn pháo binh 575 và trạm 600 (kho 600) đã hy sinh trong hang đá vì bị bom Mỹ đánh trúng, đá vùi lấp cửa hang không ra được.
Khu hang đá nằm giữa rừng già không còn được nhắc tới. Cho đến tháng 7/2023, những người lính già của trung đoàn 575 đã trở về hang đá với mong muốn cháy bỏng: dựng một cây hương, 1 tấm bia tưởng niệm 8 người con đã bị mai táng sống trong hang như hang Tám cô ở Quảng Bình. Những sự việc cụ thể như thế dù còn nhiều hay ít cũng rất cần được sự quan tâm của các cơ quan quân sự ở địa phương, những đơn vị đảm trách công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thực hiện vẹn tròn tiếng gọi của 8 liệt sĩ trên tâm nguyện của những đồng đội mình.
Công tác chăm lo thương bệnh binh, gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công với nước mang ý nghĩa thiết thực chính là quan tâm, dõi theo và ủng hộ trong khả năng có thể để cuộc sống của thương binh, gia đình liệt sĩ vơi bớt khó khăn. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi trường hợp cụ thể chính quyền địa phương, ban ngành, phường xã, tổ dân phố, hàng xóm láng giềng, bà con lối xóm chia sẻ với họ. Có thể là hỗ trợ con cái họ được học hành đến nơi đến chốn, tìm được việc làm có thu nhập để ổn định cuộc sống. Khó khăn về ngân sách nhà nước trong thực hiện đãi ngộ thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ cần được sẻ chia, hóa giải theo đạo lý truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân, đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” đã thấm sâu trong trái tim người Việt Nam.
Tháng Bảy hàng năm, ngày 27/7 được coi như ngày Giỗ của các liệt sĩ, ngày tri ân công ơn của những người đã dâng hiến trọn đời cho nền hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Ai đã từng đến thăm viếng, thắp nén tâm nhang ở đền thờ Liệt sĩ Điện Biên Phủ luôn ghi nhớ hai câu thơ đối vô cùng sâu sắc: “Thân ngã xuống hóa đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên thành nguyên khí quốc gia”. Đất nước, dân tộc Việt Nam luôn khắc ghi công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh trong trang sử vô cùng hiển hách của lịch sử nước nhà và mãi mãi trân trọng, gìn giữ, phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần của nguyên khí quốc gia ấy cho muôn đời sau.
VĂN HÙNG