Kỷ niệm Ngày Chè thế giới 21/5: Ý nghĩa đối với ngành chè Việt Nam

Ngày Chè thế giới được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc thành lập và tuyên bố ngày 21/5/2020 là Ngày Chè thế giới lần đầu tiên và kêu gọi FAO đi đầu trong việc tuân thủ, nhằm thu hút sự chú ý đến vai trò của chè trong việc xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Đồi chè Long Cốc tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội khoảng 125 km, và khoảng 70 km từ trung tâm thành phố Việt Trì. Những “ốc đảo chè” khiến Long Cốc được mệnh danh là “vịnh Hạ Long vùng trung du”.
Đồi chè Long Cốc tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội khoảng 125 km, và khoảng 70 km từ trung tâm thành phố Việt Trì. Những “ốc đảo chè” khiến Long Cốc được mệnh danh là “vịnh Hạ Long vùng trung du”.

Trong suốt hơn 5.000 năm phát triển, ngành chè trên toàn thế giới đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và xã hội. Những giá trị lịch sử lâu đời và nền văn hóa sâu sắc của trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Ngày Chè thế giới đã xuất hiện như một bước tiến đột phá, thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao giá trị của cây chè.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng chè cả nước là 123.000ha, sản lượng trên 1 triệu tấn chè búp tươi. Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất chè, đứng thứ 5 về xuất khẩu chè. Sản phẩm chè của Việt Nam, chủ yếu là chè xanh, chè đen, trà ô long… được xuất khẩu tới các thị trường chính là Trung Đông, Trung Quốc, Parkistan, Nga và nhiều nước khác.

Phú Thọ là cái nôi của ngành chè Việt Nam

Ở Việt Nam với vị trí tuyệt vời là một trong những quốc gia trồng và xuất khẩu chè lớn trên thế giới, đã có đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp chè quốc tế. Trước khi Ngày Chè thế giới do Liên Hợp Quốc đề xuất được tổ chức, Việt Nam cùng với các nước sản xuất chè như Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Indonesia, Bangladesh, Kenya, Malawi, Malaysia, Uganda và Tanzania đã tổ chức Ngày Quốc tế Trà vào ngày 15/12 hàng năm. Song, nhận thức được lịch sử lâu đời và ý nghĩa văn hóa và kinh tế của chè trên toàn thế giới, cũng như vai trò quan trọng của chè đối với phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và an ninh lương thực ở các nước đang phát triển, cuối năm 2019, Đại hội đồng LHQ đã tuyên bố ngày 21/5/2020 là Ngày Chè thế giới lần đầu tiên và kêu gọi FAO đi đầu trong việc tuân thủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang và đoàn công tác thăm mô hình thí nghiệm,  trồng và chế biến khảo nghiệm giống chè mới chất lượng cao tại Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang và đoàn công tác thăm mô hình thí nghiệm, trồng và chế biến khảo nghiệm giống chè mới chất lượng cao tại Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

Tỉnh Phú Thọ là cái nôi của ngành chè Việt Nam, quê hương đất Tổ của người Việt, mới thực sự là cái nôi của cây chè và ngành chè Việt Nam. Chính cây chè của Tân Cương, Thái Nguyên cũng có nguồn gốc từ tỉnh Phú Thọ.

Hiện, Phú Thọ xếp thứ hai sau Thái Nguyên về tổng diện tích trồng chè với hơn 16.000 ha. Chè của Phú Thọ được trồng tại các vùng đồi trung du rộng lớn ở Thanh Ba, Cẩm Khê, Tân Sơn… Đặc biệt, vùng đồi chè Long Cốc với hàng trăm ha đồi chè xanh mướt mắt, trải dài nhấp nhô trùng điệp còn được coi là một kỳ quan, một điểm đến du lịch hấp dẫn. Lịch sử đã ghi nhận, tại Phú Thọ, người Pháp đã lập một trong hai đồn điền chè đầu tiên ở Đông Dương. Đó là đồn điền chè 250 ha tại Phú Thượng, Hòa Vang (Quảng Nam) năm 1884 và đồn điền chè 60 ha tại Tình Cương, Cẩm Khê (Phú Thọ), vào năm 1890.

Ngày 21/05 hàng năm đã trở thành một dịp quốc tế để toàn thế giới nhìn về ngành chè, tôn vinh di sản văn hóa của trà, nhận thức về lợi ích sức khỏe và vai trò kinh tế quan trọng của cây chè và sản phẩm trà. Đồng thời, ngày này cũng là một cơ hội để thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững, đảm bảo lợi ích của trà đối với con người, văn hóa và môi trường qua nhiều thế hệ. Ngày Chè thế giới là cơ hội để tôn vinh di sản văn hóa, lợi ích sức khỏe và tầm quan trọng kinh tế của trà, đồng thời nỗ lực để sản xuất trà bền vững “từ cánh đồng đến cốc trà”, đảm bảo lợi ích của trà cho con người, văn hóa và môi trường được tiếp tục qua nhiều thế hệ.

Ông Hoàng Vĩnh Long  - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam tại Lễ hội Trà Đại Từ năm Giáp Thìn - 2024.
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (ngồi thứ 2 bên trái) tại Lễ hội Trà Đại Từ năm Giáp Thìn - 2024.

Ý nghĩa của Ngày Chè thế giới không chỉ nằm trong việc nâng cao nhận thức về lịch sử lâu đời và tầm quan trọng kinh tế - văn hóa của ngành chè trên toàn cầu. Với hơn 5000 năm lịch sử, ngành chè đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa, mang trong mình những giá trị văn hoá sâu sắc mà ít ngành nghề nào có được. Mỗi năm, các sự kiện Ngày Chè thế giới được tổ chức trên khắp thế giới để nêu bật tầm quan trọng của trà và tác động của chè đối với cuộc sống của mọi người. Không những vậy, Ngày Chè thế giới là một cơ hội để những người yêu trà, cả người trẻ và mọi người trên thế giới đến với nhau và chia sẻ kiến thức và niềm đam mê của họ về trà, cùng hiểu và tôn vinh di sản văn hoá lâu đời này.

Đồng thời, ngày này cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững trong ngành chè. Ngành chè đóng góp đáng kể vào việc cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn người trên toàn cầu, từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh trà. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, trong cuộc chiến chống nghèo và xóa đói, đến nay cây chè được xác định là cây làm giàu. Thông qua việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của cây chè trong cuộc sống, đặc biệt là trong việc phát triển nông thôn mới và tạo sinh kế bền vững, ngành chè cũng đóng góp vào Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay ngành chè cũng đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu. Sự biến đổi khí hậu đã làm thay đổi điều kiện trồng và sản xuất chè. Các tác động như thiên tai và lũ lụt thường xuyên đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng, sản lượng và giá trị của chè, gây khó khăn cho thu nhập và sinh kế của người nông dân. Vấn đề này đã được đưa ra để thảo luận và tìm ra những giải pháp tích cực, nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong chiến lược phát triển ngành chè quốc gia.

Hợp tác xã chè đầu tiên ra đời năm 1940 tại Phú Thọ

Đất Tổ Phú Thọ đúng là cái nôi thật sự của cây chè, ngành chè Việt Nam. Những đồn điền chè đầu tiên của người Pháp, Viện nghiên cứu chè của Đông Dương hay nhà máy chè đầu tiên của người Việt được thành lập tại Phú Thọ. Thời kỳ sau này, có nhà máy chè xanh đầu tiên được xây dựng tại xã Hương Xạ, Hạ Hòa năm 1957, nhà máy chè đen ở Thanh Ba năm 1958.

Không những thế, tìm hiểu lịch sử cây chè lại có thêm thông tin thú vị. Đó là hợp tác xã (HTX) chè đầu tiên ở Việt Nam được ra đời từ năm 1940, cũng tại tỉnh Phú Thọ. Ngày 6/12/1940, tại Thanh Ba, Phú Thọ, HTX chè đầu tiên ở Việt Nam đã được thành lập với sự tham gia của 50 người trồng chè trong vùng. Đây cũng là mô hình HTX (société cooperative agricole) đầu tiên được thành lập tại tỉnh Phú Thọ. Hội nghị thành lập HTX chè ở Thanh Ba có sự chứng kiến và chủ tọa của viên quan Sứ người Pháp và viên quan Tuần phủ. Ông Ng.Đ. Thắng được bầu làm Chánh hội trưởng HTX (như Trưởng Ban quản trị hay Chủ nhiệm HTX) và 6 ông sáng lập viên đại diện các nhóm nông hộ ở Cát Trù, Chí Chủ, Ninh Dân, Vũ Yến, Hanh Cù, Vựa Cau được bầu làm Hội đồng cố vấn HTX (có thể như Ban quản trị hay HĐQT của HTX).

Bài viết về HTX chè đăng trên nhật báo Thời -Thế.
Bài viết về HTX chè đăng trên nhật báo Thời -Thế.

Theo báo Đông Pháp xuất bản ngày 10/12/1940, việc ra đời HTX chè đầu tiên tại Phú Thọ này có công rất lớn của một kỹ sư người Pháp tên E. Lhomme. Ông này đi cổ động, hướng dẫn điền chủ, nông dân trồng chè khắp vùng Phú Thọ, thành lập HTX và tham gia HTX để đem lại nhiều lợi ích, trước hết cho chính người dân.

Theo đó, mô hình HTX chè là một cách rất tốt để “trừ khử bọn đầu cơ thường hay mua dìm giá” gây thiệt hại cho người nông dân sản xuất và kinh doanh chè. Ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động, HTX chè đầu tiên ở Phú Thọ này đã làm dịch vụ thu mua và tiêu thụ chè cho bà con hội viên. HTX cam kết giá thu mua ít nhất bằng với giá của tư thương, sau đó sẽ còn chia thêm lãi. Ngoài ra, những người góp vốn cũng nhận một phần lãi cố định.

Chiến lược của HTX chè Thanh Ba là thu hút nhiều người dân tham gia, sẽ đầu tư xưởng chế biến chè chung của HTX “chung một cái xưởng chè, có đủ khí cụ cần dùng để cho các hội viên có chè đem đến đó làm”. Và cuối cùng, HTX chè này đã phát triển và đầu tư được cả thảy 8 xưởng chế biến chè như vậy ở các làng chè có đông xã viên như ở các làng Cát Trù (Cẩm Khê), Đào Giã, Chí Chủ (Thanh Ba), Ấm Hạ, Giọc Phát, Đàn Trầm (Hạ Hòa).

Ngày 20/7/1958 Bác thăm Nhà máy chè Phú Thọ.
Ngày 20/7/1958 Bác thăm Nhà máy chè Phú Thọ.

Đặc biệt, ngày 20/7/1958, Nhà máy chè Phú Thọ ở xã Đào Giã (nay là thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba) vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc. Đây là sự kiện quan trọng của ngành chè Việt Nam, là động lực to lớn để cán bộ công nhân viên trong toàn ngành phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

PHI LONG - HOÀNG TUẤN