Kỷ niệm ngày Người cao tuổi (1/10/2023): Kết hợp trẻ già

Cuộc sống thường ngày, mọi người vẫn truyền nhau câu nói dường như đã trở thành chân lý “ tre già măng mọc”. Người lớn tuổi luôn có niềm tin mạnh mẽ vào thế hệ kế tiếp. Đến một lúc nào đó, họ sẽ trao công việc, cơ hội thăng tiến lại cho con cháu mình. Lớp trẻ luôn coi thế hệ cha anh là tấm gương để mình “soi” vào đó mà rèn rũa, trưởng thành. Nói vậy để thấy mối quan hệ nhân quả, hữu cơ bền chặt giữa lứa tuổi già và trẻ. 

Ở nước ta, khái niệm về người cao tuổi, người già là lớp người hết tuổi lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Nam và nữ tuy có quy định độ tuổi khác nhau nhưng nhìn chung cư 60 tuổi đổ lên được xếp vào loại người cao tuổi. Ai làm việc cho nhà nước sẽ được hưởng chế độ nghỉ hưu khi đủ độ tuổi theo quy định. Thực tế, không ít quốc gia trên thế giới nguồn nhân lực - lực lượng lao động trẻ rất thiếu do tuổi thọ bình quân ngày một tăng, tỷ lệ kết hôn và sinh con thấp dần. 

Ở Nhật, dân số già (trên 65 tuổi) chiếm 29,1% dân số; có 12,59 triệu người tuổi trên 80 chiếm 10% dân số (124, 4 triệu). Tiếp theo là các nước Ý (24,5 %); Phần Lan (23,6%). Già hóa dân số đang là bài toán khó có lời giải. Ở Nhật, có 9 triệu người lao động ở độ già (13, 6%) cứ 7 người làm việc có một người qua tuổi nghỉ hưu; 25% người lớn tuổi có việc làm. Ở Mỹ (18, 6%); Pháp ( 3,9%).

Dường như, người cao tuổi ở một số quốc gia (như Nhật Bản) vẫn được coi là lực lượng lao động quan trọng khi thiếu lao động trẻ, khó tuyển dụng lao động nhập cư. Bởi vậy, người sau tuổi 60 vẫn tham gia các công việc khác nhau miễn là phù hợp với năng lực, sở trường, kinh nghiệm và sức khỏe. Những lĩnh vực lao động sản xuất có sự tham gia hỗ trợ của máy móc, nghiên cứu khoa học, lao động trí tuệ thường tận dụng được lực lượng lao động có độ tuổi cao. Lao động đòi hỏi sức trẻ, dấn thân, đột phá sẽ là trở ngại của những nước phát triển khi  nguồn cung lao động yếu.

Kỷ niệm ngày Người cao tuổi (1/10/2023): Kết hợp trẻ già - Ảnh 1

Coi trọng, trân quý và chăm sóc người cao tuổi là tư duy hàm chứa yếu tố văn minh, hiện đại, nhân văn. Định hướng chiến lược của các quốc gia phát triển đều thể hiện sự tiến bộ, văn minh, vượt trội. Điều này phụ thuộc tiên quyết vào mức độ phát triển kinh tế- xã hội của từng nước. “Có thực mới vực được đạo” là thế! Thực thi chiến lược an sinh xã hội với mục tiêu đúng đắn, tốt đẹp đều cần nguồn tài chính. Chính sách ứng xử, đối đãi với người cao tuổi chuẩn mực đã mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội to lớn cho các quốc gia. Sống khỏe, sống vui, sống có ích luôn đối lập với cảnh sống “hiu hắt”. Chất lượng sống của người cao tuổi không chỉ thể hiện ở yếu tố tuổi thọ tăng mà chính là nuôi dưỡng nguồn lao động quý, tránh lãng phí nguồn lực nội tại của quốc gia mình.

Thực tế cho thấy, hệ thống chính trị của mọi quốc gia, nhân sự các cấp lãnh đạo điều hành đất nước đều có sự kết hợp nhiều lứa tuổi: trẻ, trung niên, cao tuổi. Lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia có khi là người rất trẻ nhưng đôi khi ngược lại. Người lớn tuổi nhưng mẫn tiệp, thông minh hơn người mới có thể đảm trách nhiệm vụ dẫn dắt quốc gia, quản trị đất nước phát triển. Tổng thống Nhật, Mỹ, Singapore, Nga…hiện đều là những người trong độ tuổi lẽ ra được vui vầy con cháu, thụ hưởng tuổi già. 

“Gừng càng già càng cay” là cách đánh giá về độ chín kinh nghiệm, độ trải nghiệm thực tế của người lớn tuổi có trí tuệ, bản lĩnh, anh minh hơn người. Xã hội có thể khai thác họ ở kinh nghiệm từng trải, lượng kiến thức dồi dào, nhiệt huyết và tinh thần tận hiến. Nó hoàn toàn trái ngược với tư tưởng “ tham quyền cố vị”, bảo thủ, trì trệ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà xã hội đang nỗ lực đấu tranh phê phán, từng bước loại bỏ khỏi đời sống xã hội.

Kỷ niệm ngày Người cao tuổi (1/10/2023): Kết hợp trẻ già - Ảnh 2

Ở ta cũng vậy, đã tìm thấy những “kho báu” ở người cao tuổi thông qua hoạt động của hàng nghìn tổ chức chính trị- xã hội nghề nghiệp như các hội, liên hiệp các hội, tổ chức phi chính phủ, câu lạc bộ, diễn đàn… Ở đó, đang có sự tận hiến của nhiều nhà quản lý cấp cao từng làm việc trong hệ thống chính trị các cấp, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân, thợ lành nghề, “lão nông tri điền”… dù lớn tuổi nhưng vẫn đã và đang có nhiều đóng góp quý báu từ ý kiến tham vấn, kiến nghị, phản biện đến hành động cụ thể. 

Bước vào năm 2023, Việt Nam có 14, 4 triệu người cao tuổi (5,13 triệu người hưởng trợ cấp BHXH; 9,2 triệu người không được hưởng). Nghĩa là còn gần 10 triệu người cao tuổi bởi nhiều lý do họ gặp không ít khó khăn khi về già. Thực tế, sau khi nghỉ hưu, nghỉ chế độ ( chủ yếu sinh sống ở thành thị, thành phố) vẫn đi làm các công việc phù hợp với sức khỏe, trình độ, hoàn cảnh sống để có thêm thu nhập hoặc thỏa niềm đam mê. Lại có chuyện người nghỉ hưu, bị bệnh tật đau ốm, cần đến tiền bạc để lo thuốc, điều trị lâu dài cũng luôn bí bách về tiền bạc khi lương hưu, bảo hiểm y tế không bù đắp nổi chi phí thực tế.

Câu chuyện về người cao tuổi kể mãi không hết bởi nó không kém phần phong phú, hấp dẫn và lôi cuốn. Xã hội, người quản lý đất nước phải luôn đau đáu nghĩ suy, tìm kiếm giải pháp chiến lược căn cơ hơn, cơ chế vận hành phù hợp hơn, biện pháp xử lý trong hoạt động an sinh xã hội, trong đó lưu tâm hơn nữa là chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, sao cho họ sống khỏe, ít bệnh tật. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn những bất cập cần kiên quyết, quyết liệt khắc phục. 

Một khi người già sống thọ, sống khỏe, vui, luôn có ích cho đời sẽ không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội, trái lại người cao tuổi luôn là vốn quý - gia tài quý báu của đất nước. Tuổi cao nhưng còn không ít người minh mẫn, trí tuệ, sức lao động và làm việc dồi dào họ đang đóng góp không ngừng nghỉ cho xã hội. Là chỗ dựa tinh thần, tình cảm cho con, cháu. Biết chăm sóc người cao tuổi cần tạo đa dạng “sân chơi” cho họ, nhằm giải phóng tinh thần, đẩy lùi bệnh tật, tăng sức khỏe như những gì đang làm sân chơi thể thao, phong trào đi bộ, đạp xe, cầu lông, tenis, bơi, các sân chơi trên truyền hình, các câu lạc bộ cờ tướng, lễ hội, diễn đàn trao đổi thông tin…Luôn nhớ gìn giữ, khai thác không uổng phí nguồn lực kinh tế- xã hội dồi dào khi đất nước ta đang có thời cơ “dân số vàng” với 100 triệu dân.

Người cao tuổi hãy luôn là tấm gương về ý chí, tinh thần, nghị lực rèn luyện học tập không ngừng, là chỗ dựa tinh thần, lý tưởng cho con, cháu. Hàn thử biểu, thước đo, chỉ dấu của nền dân chủ, trình độ phát triển tiến bộ của mỗi quốc gia dân tộc chính là thái độ, cách ứng xử chăm lo cho người cao tuổi. Không ngẫu nhiên khi có ngày Người cao tuổi mang ý nghĩa toàn cầu. Ở nước ta, ngày Người cao tuổi luôn mang ý nghĩa đặc biệt- để mọi người cùng ngẫm suy, chăm sóc, tôn vinh, ngợi ca lớp người đi trước đáng kính, đáng yêu của mình. 

VĂN HÙNG