Nếu cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước cùng ăn nên làm ra, biết hợp tác, chia sẻ “chung lưng đấu cật” với nhau để kinh doanh thành công sẽ là nguồn lực to lớn, góp sức dựng xây đất nước dân tộc hùng cường. Vậy nên, đằng sau mỗi doanh nhân thành đạt, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả phải thấm nhuần tư tưởng “cạnh tranh lành mạnh”; thương trường là chiến trường nhưng không có súng đạn nhưng luôn đan xen thành công, thất bại, đổ mồ hôi nước mắt, đổ máu, hy sinh tính mạng.
Khắc nghiệt của đời doanh nhân ví như đi biển, lúc thuận buồm xuôi gió, khi gặp bão tố phong ba, không vững tay chèo, không có sức, không đủ bản lĩnh, ý chí, nghị lực khó lòng vượt qua. Vậy nên lời chia sẻ: “buôn có bạn, bán có phường”, nuôi dưỡng đạo đức kinh doanh - thượng tôn pháp luật mỗi doanh nhân cần luôn khắc ghi.
Sau hơn 2 năm đại dịch Covid- 19, nền kinh tế - xã hội đất nước bước đầu vượt qua khó khăn, nhưng tổng thể sức khỏe của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam bị suy mòn rõ rệt. Nhiều hoạt động của những lĩnh vực, ngành vốn phải tựa lưng, song hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân cũng giảm sút, yếu mòn. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”; thiếu tiền sức mua kém, cầu ít hơn cung, hàng hóa, sản phẩm thừa sẽ lỗ; đất đai, bất động sản, sản phẩm nông lâm nghiệp, may mặc, gia giày...chuỗi cung ứng “có vấn đề” xảy ra sự cố lớn nhỏ mức thiệt hại khác nhau kéo theo nền kinh tế- xã hội gặp khó.
Trong cái khó, ló bản chất. Sau mất mát lớn nhỏ của hoạt động kinh tế- xã hội vừa qua, một số doanh nghiệp, doanh nhân có tiếng tăm, thương hiệu, được xã hội vị nể đã vi phạm pháp luật, phải vào vòng lao lý, doanh nghiệp phá sản. Bài học đắt giá cho họ vẫn nằm trong 4 chữ “ thượng tôn pháp luật”. Làm ăn chân chính bằng Tâm, TẦM, TÀI; làm giàu chính đáng mới phát triển bền vững. Trong các lỗi của doanh nhân vừa qua, cũng có nguyên nhân khách quan như cơ chế chính sách, lỗ hổng pháp luật của nhà nước, sự tiếp tay chỉ đường, dẫn dắt doanh nhân của “ nhóm lợi ích” trong bộ máy nhà nước bị tha hóa. Lại có doanh nhân thiếu hiểu biết luật pháp luật trong kinh doanh; “ nhẹ dạ cả tin”, làm theo “luật bất thành văn”...Bài học đắt giá phải trả bằng sinh mệnh chính trị, cuộc sống an bình, hạnh phúc cũng là lời cảnh tỉnh cho doanh nghiệp, doanh nhân nói chung.
Các doanh nhân đã nhiều lần chia sẻ với xã hội về thuận lợi khó khăn; bộc lộ niềm tự hào, vinh dự cùng nỗi truân chuyên của họ mỗi khi có cơ hội, có diễn đàn. Nhạc sĩ Trần Tiến đã từng nói thay doanh nhân trong bài hát “Đời doanh nhân” (Một đời doanh nhân đắng cay và thăng trầm/ Một đời sóng gió, lái con thuyền đi tới/ Một đời người lính chiến chinh thăng trầm/ Một đời nghệ sĩ khát khao kiếm tìm...).
Thương trường là chiến trường. Doanh nhân cũng phải gian khổ vật lộn, bươn chải kiếm tìm thành công bằng mồ hôi, nước mắt, đôi khi cả máu và tính mạng mình. Họ luôn cần sự cảm thông, sẻ chia của xã hội. Nhiều tổ chức, diễn đàn, sân chơi kết nối doanh nhân đã ra đời, hoạt động mang lại hiệu quả tích cực. Tuy vậy, để doanh nhân đoàn kết thực tâm, thực lòng chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, làm ăn với định hướng đúng, minh bạch còn thiếu chỗ dựa tin cậy. Doanh nhân giàu nước mới mạnh. Nhà nước tiếp tục lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân; tạo mọi điều kiện có thể trong khuôn khổ pháp luật, nhất là kết nối hoạt động kinh tế trong nước và thế giới, để doanh nhân Việt trong và ngoài nước có cơ hội, môi trường hoạt động kinh doanh, làm ăn buôn bán thuận lợi, thỏa sức làm giàu cho mình và đóng góp cho xã hội.
Đã có biết bao doanh nhân được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, tôn vinh dưới nhiều hình thức. Họ là nguồn lực quan trọng góp sức đưa kinh tế đất nước phát triển bền vững. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, nhất là thời đoạn đại dịch xảy ra, vai trò bệ đỡ cho đời sống kinh tế- xã hội của doanh nhân Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân càng bộc lộ và phát huy mạnh mẽ.
Bên cạnh tập đoàn, tổ chức kinh tế nhà nước còn là sự đóng góp vô tư vật chất và tinh thần của doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân trong và ngoài nước. Họ tích cực tham gia hoạt động bình ổn nền kinh tế- xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh thông qua hoạt động cứu trợ, từ thiện. Doanh nghiệp nhà nước phải luôn là tấm gương, là cầu nối các doanh nhân, doanh nghiệp lại với nhau trong cùng “mái nhà chung” để “nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Muốn đi xa phải đi cùng nhau và không ai bị bỏ lại phía sau là tinh thần cốt lõi của những doanh nhân yêu nước, dấn thân vì sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc. Doanh nghiệp nhà nước có vai trò trụ cột, dẫn dắt phải là tấm gương để các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân học tập, noi theo. Hiệp hội doanh nghiệp tư nhân là nơi hội tụ của những doanh nhân hoạt động theo cơ chế thị trường, tuân thủ pháp luật nhà nước. Nhà nước cần tạo điều kiện thông thoáng nhất, kịp thời tháo gỡ nút thắt, rào cản, mâu thuẫn để doanh nhân phát huy hết nguồn lực, trí tuệ, sự năng động. Thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp, tọa đàm, hội thảo ở các quy mô khác nhau lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kiến nghị chính đáng có cơ sở thực tế và khoa học để giúp các doanh nhân làm ăn ngày một hiệu quả. Thuyền có lớn mới dám ra khơi. Dân có giàu nước mới mạnh. Nước lên thuyền lên. Quy luật ấy muôn đời tồn tại .
VĂN HÙNG