Lá khế có thể dùng làm trà được không?

Cây khế từ lâu đã được biết đến như một loại cây ăn quả quen thuộc với quả chua ngọt giàu dinh dưỡng và giải nhiệt. Không chỉ dừng lại ở đó, lá khế cũng mang nhiều công dụng trong y học dân gian, giúp giảm viêm, thanh nhiệt và hỗ trợ tiêu hóa.

Khế là cây nhiệt đới trồng ở nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam, có nhiều dinh dưỡng và giá trị chữa bệnh.
Khế là cây nhiệt đới trồng ở nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam, có nhiều dinh dưỡng và giá trị chữa bệnh.

Khế là cây nhiệt đới trồng ở nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam, có nhiều dinh dưỡng và giá trị chữa bệnh. Quả khế được chứng minh có công dụng giảm mỡ máu, phòng chống ung thư do chứa chất chống oxy hóa, tốt cho cơ quan tiêu hóa. Ngoài quả, các bộ phận khác của cây khế có thể dùng để chữa bệnh như lá, thân, rễ, hoa. Người ta sử dụng lá khế tươi hoặc sấy khô, vỏ thân cây và rễ sao vàng dùng làm thuốc.

Lá khế có chứa các hợp chất sinh học quan trọng như flavonoid, tannin và saponin, được chứng minh có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn. Các nghiên cứu cho thấy các chiết xuất từ lá khế có thể ức chế quá trình oxy hóa - nguyên nhân dẫn đến lão hóa tế bào và một số bệnh mãn tính như ung thư và bệnh tim mạch. Đồng thời, hoạt chất trong lá còn có khả năng giảm đau và hỗ trợ kiểm soát viêm.

Trong Đông y, lá khế được ghi nhận là có vị chua chát, tính bình và có công dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm viêm và chống dị ứng. Lá thường được dùng để sắc uống, tắm, hoặc đắp trực tiếp để trị các triệu chứng như cảm nắng, mẩn ngứa và mụn nhọt.

Một số bài thuốc dân gian sử dụng lá khế bao gồm:

Giảm dị ứng, mẩn ngứa, mề đay:

Mề đay thường do dị ứng thời tiết, “nạp” các loại thức ăn hoặc tiếp xúc thường xuyên các vật dụng chứa nhiều hóa chất. Bên cạnh đó không loại trừ căng thẳng, rối loạn nội tiết cũng có thể gây ra bệnh mề đay. Bệnh này sẽ gây đỏ da, khiến da nổi mẩn đỏ, cảm giác ngứa ngáy cực kỳ khó chịu. Đối với tình trạng nổi mề đay nhẹ, bạn có thể dùng lá khế tươi nấu nước tắm để hạn chế đi tình trạng làm tổn thương da, giảm thiểu sự ngứa ngáy do bệnh gây ra. Trong lá khế có chứa hàm lượng vitamin, chất chống oxy hóa và khoáng chất cao, có khả năng “khôi phục” các mô da bị hư tổn, ức chế được các vi khuẩn gây bệnh.

Bạn bắc một ấm nước sôi. Mang 20 gram lá khế đi rửa sạch, bỏ vào ấm nước sắc uống hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lấy những quả khế tươi, rửa sạch, giã cho nát và đắp bên ngoài da. Lá khế có thể uống hoặc lấy tắm 2 lần mỗi ngày.

Trị cảm nắng:

Dùng khoảng 100g lá khế bánh tẻ tươi, 40g lá chanh tươi, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống. Bã đắp vào thái dương và gan bàn chân. Hoặc lấy một quả khế già chưa chín, nướng qua, sắc nước uống.

Phòng ngừa sốt xuất huyết:

Trong y học cổ truyền, lá khế được kết hợp với các loại lá khác như mã đề, lá tre để sắc nước uống, giúp tăng cường miễn dịch trong mùa dịch bệnh.

Lá khế hoàn toàn có thể được sử dụng để pha trà. Sau khi rửa sạch và phơi khô, lá khế có thể được hãm thành trà với nước nóng. Loại trà này không chỉ mang lại hương vị thanh mát mà còn chứa các hợp chất có lợi cho sức khỏe. Uống trà từ lá khế có thể giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và giảm căng thẳng. Dưới đây là cách pha trà lá khế, bạn đọc có thể tham khảo:

Trà lá khế giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và giảm căng thẳng. 
Trà lá khế giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và giảm căng thẳng. 

Nguyên liệu

- 1 nắm tay lá khế chua bánh tẻ

- 1/2 quả khế chua

- Mật ong.

Cách làm

- Lá khế rửa sạch vò nát.

- Quả khế làm sạch, thái lát.

- Cho nguyên liệu vào đun cùng 1 lít nước, sôi 5 phút thì đun nhỏ lửa thêm 10 phút rồi bỏ bã, để nguội.

- Thêm 1 thìa mật ong, uống hết trong ngày.

Uống 7 ngày, nghỉ 1 ngày, làm liên tục 3 liệu trình như vậy để cảm nhận hiệu quả.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lá khế có thể chứa oxalat - một hợp chất có thể gây hại cho người mắc bệnh thận nếu tiêu thụ với liều lượng cao. Vì thế, việc sử dụng trà lá khế nên được thực hiện điều độ, đặc biệt với những người có tiền sử bệnh lý liên quan đến thận.

Lá khế là một nguồn nguyên liệu tiềm năng cho trà thảo mộc với nhiều lợi ích sức khỏe đã được chứng minh trong cả y học cổ truyền và nghiên cứu hiện đại. Sử dụng lá khế làm trà có thể mang lại tác dụng thanh nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện miễn dịch. Tuy nhiên, người dùng cần thận trọng về liều lượng, đặc biệt nếu có vấn đề về thận và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng lâu dài.

Phương Linh

Từ khóa: