Chúng tôi đã vượt chặng đường khoảng 100 km từ thành phố Hà Nội đến xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) vào một chiều mùa Thu. Ấn tượng đầu tiên với tôi là cảnh núi non huyền ảo, làng quê yên ả, thanh bình. Trên những nóc nhà sàn, làn khói lam chiều chậm rãi tan vào không gian vô định. Đoàn người từ vạt chè xanh mướt, khoác những chiếc gùi nặng trĩu trở về nếp nhà sàn. Một bức tranh sơn thủy hữu tình giàu sức sống hiện ra trước mắt. Bắt gặp chúng tôi bằng nụ cười sảng khoái và những cái bắt tay thân thiện từ bạn, Hoàng Văn Tuấn rất cứng rắn hơn nhiều so với tuổi 30, bạn không nhận mình là doanh nhân, chỉ khiêm tốn coi mình là nông dân chính hiệu, có lẽ vì con đường và mục tiêu bấy lâu bạn hướng tới đều tập trung vào lĩnh vực làm trà hữu cơ.
Câu chuyện làm chè
Phú Đô là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn nhất ở Thái Nguyên - vùng đất được mệnh danh là “xứ đệ nhất danh trà”. Thời gian qua, chè đang là cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Bắt đầu từ năm 2010, được sự định hướng của cơ quan chức năng cùng sự hỗ trợ của các HTX, tổ hợp tác, người dân Phú Đô đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích đất trồng những cây khác kém hiệu quả sang trồng cây chè theo hướng chất lượng cao.
Theo thống kê, trên 90% hộ dân ở Phú Đô đang trồng chè và có thu nhập từ cây chè. Các gia đình được hướng dẫn cải tạo đất và sở hữu ít nhất 2 - 3 sào đất trồng chè hữu cơ, VietGAP. Ngoài ra, người dân cũng rất chủ động nắm bắt thị trường, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Tại xóm Phú Thọ, hiện có 6 dân tộc anh em sinh sống, Tày, Nùng, H’mông, Dao, Kinh, Sán chỉ. Nơi đây là hình ảnh của vùng cao tươi đẹp, thanh bình, là câu chuyện bản sắc văn hóa làm đắm say lòng người. Làm nên cuộc sống của đồng bào dân tộc hôm nay, phải kể đến vai trò của cây chè. Không chỉ gắn bó bền bỉ hàng chục năm nay, cây chè đến nay vẫn là nguồn thu nhập chính, là cây làm giàu của bà con nơi đây.
Được biết, xóm Phú Thọ được đặt tên từ những năm thập niên 60, do người dân ở Đông Thọ (Thái Bình) lên làm kinh tế mới tại xã Phú Đô để khai hoang, nên lấy chữ Phú của xã Phú Đô, chữ Thọ của Đông Thọ để đăt tên xóm Phú Thọ ngày nay. Cây chè được du nhập từ những năm thập niên 60 bởi bàn tay của những con người miền xuôi đến xã Phú Đô làm kinh tế mới.
Chúng tôi đến thăm Hợp tác xã (HTX) Trà an toàn Phú Đô vào một ngày giữa trời Thu. Ngắm nhìn những nương chè xanh mướt trải dài, búp non tua tủa khẽ lay lay trước cơn gió nhẹ vào buổi sớm mai lấp lánh, tôi dang tay hít căng lồng ngực, cảm nhận bầu không khí trong lành cùng hương chè chan chát đặc trưng, thấy lòng mình nhẹ nhõm, khoan khoái vô cùng.
Sinh ra và lớn lên ở xóm Phú Thọ (từng là xóm nghèo thuộc diện 135 của vùng đất chè xã Phú Đô, huyện Phú Lương, Thái Nguyên), Hoàng Văn Tuấn thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ cũng như cuộc sống nhiều gian nan của những người dân quê mình, với nghề nông nghiệp trồng chè quanh năm dãi dầu mưa nắng nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao. Thấy đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, chật vật, Tuấn mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương.
Đặc biệt, sớm nhận thấy xu hướng, giá trị của việc sản xuất chè hữu cơ, chàng trai trẻ thế hệ 9X ngay từ những ngày còn trên giảng đường đã nung nấu ước mơ, dự định ra trường sẽ trở về quê gây dựng, phát triển thương hiệu chè xanh organic.
Tuấn chia sẻ: "Em rất lo cho sức khỏe của bố mẹ. Hằng ngày làm việc vất vả, lại thường xuyên phải hít vào phổi mùi thuốc hóa học phun chống sâu bệnh, thuốc kích mầm… Việc sản xuất chè sạch vừa đảm bảo sức khỏe người làm ra sản phẩm, vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; đó cũng là lựa chọn của người tiêu dùng thông thái trong xã hội ngày nay, đồng thời góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên".
Ở tuổi 26, cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ (chuyên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường) trở về quê, không ít người cho rằng Tuấn không xin được việc trong cơ quan nhà nước nên phải về làm chè với bố mẹ. Vượt qua mọi trở ngại tâm lý, những khó khăn cả về vốn đầu tư bước đầu và kinh nghiệm chuyên môn cũng như trăn trở về đầu ra của sản phẩm, Tuấn mạnh dạn từng bước thực hiện ước mơ của mình. Với bất cứ ai bắt đầu khởi nghiệp đều sẽ gặp những khó khăn nhất định, đối với một sinh viên mới ra trường như Tuấn thì lại càng khó khăn hơn. Không ngại khó, không nản lòng, được sự đồng thuận của bố mẹ, Tuấn vay vốn ngân hàng, vay anh em, bạn bè để gây dựng cơ sở sản xuất.
Với ưu thế về đất đai, khí hậu, vị trí địa lý thuận lợi, để phát triển chè organic, Tuấn cải tạo đất trồng bằng việc sử dụng phân hữu cơ tự sản xuất từ than sinh học ủ với phân chuồng, đồng thời kết hợp nhập thêm phân hữu cơ về bón cho cây chè. Thay vì phun thuốc trừ sâu hóa chất, Tuấn dùng ớt, tỏi, gừng và lá cây rừng để làm thuốc trừ sâu sinh học.
Tuấn nhấn mạnh: "Chính phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đã làm cho đất sớm mất chất dinh dưỡng, khô cằn, cây chè dần còi cọc, chậm phát triển, chất lượng sản phẩm chè vì thế cũng không được đảm bảo". Giờ em phải cố gắng xử lý những tồn dư đó. Vừa nói, em vừa dẫn tôi đi tham quan nương chè của gia đình. Những luống chè thẳng tắp, thân cây khỏe khoắn, nhiều tán, lá xanh mỡ màng đầy sức sống; đất dưới rạch chè tơi xốp, giữ được độ ẩm. Đó chính là kết quả của việc sử dụng phân hữu cơ chăm sóc cho cây chè, tạo nguồn dinh dưỡng bền bỉ giúp cây chè sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, vừa chống xói mòn.
Nhờ sự kiên trì, chịu khó, vận dụng kiến thức tiếp thu được ở trường đại học, kết hợp tìm hiểu, học hỏi những người có hiểu biết, có kinh nghiệm trồng chè, được nghe tư vấn hỗ trợ từ chuyên gia, Tuấn áp dụng kĩ thuật chăm sóc chè hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ và sử dụng chế phẩm sinh học, sản lượng chè tại cơ sở sản xuất theo thời gian đã tăng lên đáng kể. Chất lượng chuẩn chè xanh organic, được người mua tin tưởng, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày một mở rộng.
Sau 10 năm phấn đấu không ngừng, sự cố gắng của Tuấn đã được đền đáp, năm 2022, HTX Trà an toàn Phú Đô chính thức được thành lập. Chàng trai trẻ Hoàng Văn Tuấn vừa là chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm giám đốc. Kế hoạch dài hơi để ngày một nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín đối với người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước là điều Tuấn luôn luôn trăn trở.
Ngoài diện tích chè của gia đình, Tuấn còn vận động được nhiều hộ dân tham gia mô hình liên kết sản xuất chè an toàn. "Thời gian đầu, bà con còn băn khoăn, ngần ngại nhưng bây giờ thì mọi người đã hoàn toàn yên tâm, tin tưởng, say mê với công việc của HTX", Tuấn bộc bạch. Diện tích sản xuất chè của HTX ngày một mở rộng, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, phương pháp sản xuất chè hữu cơ và việc sử dụng bếp khí hóa sinh khối để chế biến chè đã góp phần mang lại bầu không khí trong lành, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân trên quê hương Phú Đô nói riêng và sức khỏe người tiêu dùng nói chung.
Sau khi dẫn tôi đi một vòng quanh nương chè, Tuấn cùng tôi trở lại không gian thưởng chè nhỏ gọn, yên tĩnh của HTX, cũng là nơi giới thiệu sản phẩm với du khách đến tham quan, tìm hiểu. Ấm chè mới pha nóng hổi, Tuấn rót và mời tôi thưởng thức. Nước chè xanh trong ánh vàng, hương chè thơm, vị chan chát, ngòn ngọt, đậm đà đọng nơi cuống họng.
Những người sành chè, chỉ cần nhấp một ngụm đầu đã thấy sự khác biệt của chè xanh ogranic với các loại chè khác trên thị trường. Tuấn đưa cho tôi túi chè đã được đóng gói cẩn thận, trên bao bì có in rõ 4 tiêu chí: chăm bón hữu cơ, không phẩm màu, không hương liệu, không chất bảo quản. Ngắm nhìn chăm chú, tôi hiểu vì sao mới thành lập chưa lâu mà HTX Trà an toàn Phú Đô đã nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu đáng quý như vậy.
Không chỉ là một giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị nhanh nhạy, năng động, dám nghĩ, dám làm, Hoàng Văn Tuấn còn là Bí thư chi đoàn xóm Phú Thọ. Ý thức được trách nhiệm của mình trong công việc cùng sự nỗ lực không ngừng "học đi đôi với hành", Tuấn luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động của HTX cũng như của xóm; chính vì thế, ngày 18.5.2023, Tuấn vinh dự được tuyên dương là một trong những thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên xứ sở “đệ nhất danh trà”
Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Thái Nguyên ngày 10-1-2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành tặng cho xứ sở ấy vần thơ xao xuyến:“Thái Nguyên đệ nhất danh trà/ Nước xanh như cốm đậm đà tình quê/ Dẫu xa ngàn dặm sơn khê/ Hương thơm quấn quýt lối về đường đi”.
Những nương chè xanh mướt trải dài trên đồi núi, những con đường uốn lượn uyển chuyển, những nhà máy chế biến chè hiện đại, cùng những nếp nhà của người Tày, Nùng, Dao… đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo và đặc sắc của xứ sở này.
Địa hình của Thái Nguyên chủ yếu là đồi núi thấp, thấp dần từ bắc xuống nam, do đó, chè thường trồng ở độ cao khoảng 300 - 1000 mét so với nước biển, kết hợp cùng khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình 18 - 23 độ C, độ ẩm khá cao và mưa phùn kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây chè.
Nhìn từ trên cao, nương chè giống như nàng tiên nữ vừa thức giấc với những đường nét mềm mại, nhẹ nhàng. Cho dù bất luận ở địa hình núi dốc hay bằng phẳng, bà con nông dân đều tận dụng trồng chè. "Đệ nhất danh trà” có màu sắc riêng của mình, không thể trộn lẫn với bất kỳ vùng nào khác: Có đồi chè xanh trùng điệp, mặt nước sông, suối tuôn bập bềnh sương khói…Mỗi sớm mai, màu nắng vàng lan nhè nhẹ vươn lên những nương chè mơn mởn óng ánh, tạo cho ta cảm giác đi giữa miền lá vàng, búp ngọc.
Những nương chè bao la, rực rỡ sắc xuân ánh lên những ánh nắng ngọc quý, không chỉ một mùa mà cả bốn mùa đều tuyệt sắc. Đó chính là khát vọng làm giàu trên mảnh đất truyền thống hàng trăm năm đang ngày càng phát triển của nền nông nghiệp xanh.
Ngồi bên tách trà thơm, ta suy ngẫm về muôn đời sự ấm áp về tình người và tình đời, nhìn lại sự thanh tịnh và an yên cho tâm hồn. Thưởng thức một ngụm trà, vị đắng ban đầu sẽ nhanh chóng tan đi, thay vào đó là hương vị ngọt thanh tao, nhẹ nhàng và lắng sâu trong vị giác. Thưởng thức cuộc sống giống như thưởng thức trà, với vị đắng nồng nàn hương thơm và vị ngọt tuyệt vời của chúng khiến chén trà đậm hay nhạt đều có hương vị riêng biệt.
Những đồi chè tại huyện Phú Thương.
Đặc biệt, khi ngồi thưởng thức trà, chiêm ngưỡng những cánh đồng chè, chụp ảnh và trải nghiệm thu hoạch, chế biến chè truyền thống…tất cả tạo cho nên sự lãng mạn của tạo hóa. Những tiền nhân thuở xưa đã từng đưa giống cây chè quý về Thái Nguyên, trồng nó trên đất phù sa của núi non, từ đó danh hiệu đặc biệt “đệ nhất danh trà” nức tiếng 3 miền cho đến tận ngày hôm nay.
Những nương chè tuyệt đẹp đang làm nên một Thái Nguyên đầy sắc màu và sức sống, đọng lại trong lòng vị khách phương xa mỗi lần ghé thăm. Tin rằng, với nét văn hóa đặc trưng và hướng đi hiện đại, các sản phẩm trà kết tinh từ hương thơm đặc trưng của vùng đất, từ sự nỗ lực và tình yêu của người Thái Nguyên, sẽ tạo nên "đệ nhất danh trà" trở nên phổ biến hơn, vươn xa hơn.
PHI LONG