Lai Châu: Huyện Tam Đường đưa cây chè thành cây trồng chủ lực

Nằm ở độ cao từ 700 -1200 m so với mặt nước biển, huyện Tam Đường có khí hậu ôn hòa cùng thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè sinh trưởng và phát triển tạo nên năng suất cao tạo lợi thế cho việc chế biến chè xanh, chè ô long phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Vùng chè Tam Đường nằm sau rặng núi Hoàng Liên là đặc sản nổi tiếng vùng Tây Bắc, với hương thơm nồng nàn và vị ngọt hậu, những búp chè xanh đã gắn bó với người dân Tam Đường tự bao đời. Tam Đường nổi tiếng với nhiều loại chè ngon như chè Ô long xanh, chè Kim Tuyên,…

Những năm qua, huyện Tam Đường luôn chú trọng đầu tư để phát triển vùng chè chất lượng cao, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực, nâng cao động lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Huyện Tam Đường có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế nhờ trồng và chế biến chè xanh. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, người dân chưa chú trọng tới việc chăm sóc nên cây trồng cho năng suất, chất lượng thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. 

Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây chè là cây trồng mũi nhọn. 

Huyện Tam Đường phấn đấu đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực
Huyện Tam Đường phấn đấu đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực

Sau hơn 10 năm triển khai trồng chè, không còn cảnh đất trống đồi trọc như trước đây, Huyện Tam Đường đã được phủ một màu xanh ngát của những nương chè bát ngát.

Nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân

Đến nay, tổng diện tích chè toàn huyện là 1.836,1ha, trong đó chè kinh doanh 1.200 ha, năng suất 80 tạ/ha, sản lượng ước đạt 10.200 tấn/năm. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

Bản Bo là một trong số những xã có diện tích trồng chè lớn của huyện Tam Đường. Theo chủ trương của tỉnh, từ năm 2008 đến nay, xã vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Xác định cây chè là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương, thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Bản Bo đã tập trung chỉ đạo nhân dân đầu tư thâm canh, mở rộng vùng chè, trồng chè chất lượng cao với tổng diện tích 831,5ha, trong đó: chè kinh doanh 571 ha, sản lượng ước đạt trên 4.500 tấn, từ trồng chè mỗi năm đem lại nguồn thu cho người dân trên địa bàn xã từ 50 - 60 tỷ đồng.

Tam Đường tập trung phát triển vùng chè chất lượng cao

Nhằm phát triển vùng chè theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, huyện Tam Đường chú trọng đưa giống chè chất lượng cao vào sản xuất để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng chè. 

Bên cạnh đó, huyện tăng cường liên doanh, liên kết giữa người trồng chè với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về phát triển cây chè, cũng như vai trò, giá trị kinh tế của cây chè mang lại tới nhân dân. Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức quản lý thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất; chỉ đạo Nhân dân bảo vệ, chăm sóc tốt diện tích hiện có, mở rộng diện tích chè, xây dựng thêm các vùng chè tập trung.

Ông Nguyễn Hồng Quân – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: “Huyện Tam Đường nằm ở độ cao từ 700 - 1200 m so với mực nước biển, có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây chè. Để cây chè cho năng suất, chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, Phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chú trọng khâu chăm sóc chè. Ngay từ cuối năm, các hộ trồng chè phải tiến hành đốn chè, đồng thời sử dụng các loại phân bón để bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây chè, đặc biệt khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo sản xuất chè sạch, giúp cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian tới, để tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích chè, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thu hút, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vào liên doanh, liên kết với người dân trong chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm”.

Huyện Tam Đường phát triển vùng chè chất lượng cao.
Huyện Tam Đường phát triển vùng chè chất lượng cao.

Với hướng đi đúng đắn của chính quyền huyện Tam Đường, cây chè đã và đang được phát triển trở thành cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống cho của người dân huyện Tam Đường. 

Minh Huyền