Một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện là đưa các giống chè mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo tiêu chuẩn cây giống, chất lượng đưa vào sản xuất như: chè Kim tuyên (thông qua việc ký kết hợp đồng với các đơn vị sản xuất, cung ứng giống có đủ năng lực, đảm bảo số lượng và chất lượng cây giống). Đẩy mạnh công tác khuyến nông, thực hiện đồng bộ các yêu cầu về kỹ thuật trồng, chăm sóc thâm canh chè, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, khai thác và chế biến chè. Vận động Nhân dân cải tạo lại một số nương chè có mật độ chưa đảm bảo, cằn cỗi già xấu; đối với nương chè kinh doanh hướng dẫn Nhân dân sản xuất chè theo hướng VietGap tạo sản phẩm chè sạch, an toàn cung ứng ra thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung, trên cơ sở thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân với các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến thông qua các hợp đồng kinh tế, có xác nhận của chính quyền địa phương. Doanh nghiệp sẽ thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho người nông dân trong vùng nguyên liệu bằng việc mở rộng các đại lý thu mua chè, ký kết hợp đồng với người sản xuất chè. Đơn vị thu mua có thể ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, có trách nhiệm mua chè búp tươi đúng thời gian và địa điểm quy định trong hợp đồng. Từng bước hướng người dân làm quen với cơ chế thị trường, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy. Về phía hộ gia đình trồng chè, thành phố sẽ tuyên truyền và vận động nông dân thành lập các nhóm hộ sản xuất, sau đó người đại diện đứng ra ký kết Hợp đồng với đơn vị thu mua.
Đặc biệt tỉnh đã lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông trong khu vực sản xuất, điện, nước, các công trình phúc lợi...) tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư nâng cấp dây truyền sản xuất tiên tiến, chất lượng cao, ứng trước vốn thông qua việc đầu tư vật tư, phân bón, kỹ thuật của Nhân dân và bao tiêu sản phẩm... Vận dụng chính sách hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong việc hỗ trợ giống, cây trồng xen, cơ sở hạ tầng... để xây dựng và phát triển vùng chè của tỉnh. Chú trọng huy động nguồn đối ứng của Nhân dân trong việc trồng, chăm sóc chè...
Cách đây gần 3 năm, gia đình bà Giàng Thị Mẩy, ở xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, là một trong những hộ mạnh dạn đưa cây chè Shan vào trồng trên diện tích đất canh tác của gia đình. Bà Mẩy cho biết: Ban đầu gia đình bà cũng như các hộ trong xã rất lo lắng về cây chè, bởi lâu nay bà con ở đây chỉ biết trồng cây lúa, cây ngô.
Tuy nhiên, được sự vận động hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, diện tích chè của gia đình bà và các hộ trong xã sinh trưởng và phát triển tốt. “Bà con trong xã giờ vui lắm, các gia đình đang mong chờ đến ngày thu hái”.
Theo ông Sùng A Giờ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xà Dề Phìn, phong trào trồng chè đã nhân rộng ra hầu khắp các bản trong xã và trở thành cây chủ lực với khoảng 200 hộ trồng. “Tất cả đồi trọc, đất bỏ hoang lâu nay đã được bà con tận dụng để trồng chè. Nhà ít cũng 1ha, nhà nhiều thì lên đến hàng chục ha. Cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân rất hy vọng cây chè sẽ giúp nhân dân trong xã có thu nhập cao hơn các cây trồng cũ, góp phần xóa đói giảm nghèo”, ông Giờ cho biết.
Theo thống kê, hết năm 2020, huyện Sìn Hồ có tổng diện tích chè 166ha được trồng chủ yếu ở 3 xã: Hồng Thu, Phìn Hồ và Xà Dề Phìn. Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Năm 2021, huyện phấn đấu trồng thêm 100ha chè tại các xã: Hồng Thu, Phìn Hồ và Tả Ngảo. Theo đó, Huyện đã ban hành nghị quyết riêng về phát triển cây chè, với mong muốn sẽ tạo ra vùng chè nguyên liệu, mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc ở đây.
Lâu nay, huyện Tam Đường được biết tới là “vựa” chè của tỉnh Lai Châu. Thời gian gần đây, địa phương đẩy mạnh việc đưa các giống chè mới có năng suất cao vào trồng như: Kim tuyên, LDP1, LDP2, Shan tuyết... Hiện tại, toàn huyện có 1.300ha chè, trong đó có gần 800ha đang cho thu hoạch; sản lượng chè búp tươi đạt 4.000 tấn/năm; giá trị xuất khẩu đạt gần 30 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu từ cây chè như, hộ ông Phan Văn Hưng ở xã Bản Hon. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch trên 100 tấn chè búp tươi, trừ chi phí ông thu về trên 300 triệu đồng...
Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu cho biết: Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của Lai Châu rất phù hợp cho việc trồng và phát triển cây chè; trong khi đó, nhu cầu về sản phẩm chè của thị trường trong và ngoài nước hiện nay là rất lớn. Chính vì vậy, tỉnh Lai Châu xác định, cây chè là một trong những cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân.
Để hiện thực hóa Đề án, ngành Nông nghiệp cũng đã vận động người dân, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp (Gap) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế; cải tạo diện tích chè thoái hóa, chè già cỗi, mở rộng diện tích trồng mới, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Nhờ đó, đến nay Lai Châu đã bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu chè tập trung, chất lượng cao tại địa bàn TP. Lai Châu và các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên… với các giống chủ lực như chè Kim tuyên, chè Shan tuyết…
Hiện tại, toàn tỉnh đã có trên 5 nghìn ha chè. Hằng năm, tỉnh đều có kế hoạch trồng mới mở rộng thêm diện tích. Riêng năm 2020, trồng mới được gần 1 nghìn ha. Sản lượng chè búp tươi đạt 26.000 tấn, với giá bán bình quân hiện nay giao động từ 3-5 nghìn đồng/kg chè búp tươi, trừ chi phí, mỗi ha chè có thể thu lãi từ 80-100 triệu đồng/ha/năm./.
Sơn Thủy