Lai Châu: Ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chè phục vụ xuất khẩu sau đại dịch

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, ngành chè tỉnh Lai Châu đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến chè xanh tại Công ty cổ phần Trà Than Uyên, dự án sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực tự động hóa.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nhiều tới kinh tế - xã hội trong đó có ngành chè. Để giữ ổn định diện tích cây chè đồng thời với nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà, theo đại diện Hiệp hội chè Việt Nam, các địa phương nhất thiết phải đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng trà, cần đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm trà, gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm trà truyền thống.

Hơn nữa, để việc phát triển sản xuất ngành chè đảm bảo thực sự bền vững thì quy mô diện tích trồng chè phải phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, địa bàn bố trí phù hợp với sinh thái và truyền thống canh tác, đồng thời phải có khả năng cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với các cây trồng khác trên địa bàn.

Đối với lĩnh vực sản xuất chè xanh trên thế giới có rất ít nước áp dụng công nghệ cao vào quá trình chế biến, kể cả một số nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc... cũng thường chỉ tập trung ở các công đoạn trong nông nghiệp như: tưới tiêu, bón phân, bảo vệ thực vật, hoặc các công đoạn trong tinh chế sản phẩm, bao gói, bán hàng.

Tại Việt Nam, đến nay chưa có nhà máy hoặc công ty nào ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa trong dây chuyền chế biến một cách đồng bộ. Một số ít công ty có ứng dụng các thiết bị tự động hóa (Biến tần, sen sơ...) vào một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên việc áp dụng này còn đơn lẻ cho từng máy, thiếu đồng bộ, chưa thành hệ thống.

Xuất phát từ thực trạng này, năm 2019, Bộ Công Thương đã phê duyệt và giao Công ty cổ phần Trà Than Uyên thực hiện dự án "Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất nguyên liệu và quá trình sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn chất lượng cao". Dự án thuộc Chương trình Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 347/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2013.

Đồi chè thuộc Công ty cổ phần Trà Than Uyên
Đồi chè thuộc Công ty cổ phần Trà Than Uyên

Mục tiêu chung của dự án nhằm triển khai thành công hệ thống quan trắc tự động các yếu tố môi trường để giám sát và điều khiển sự tăng trưởng của cây chè trên diện tích sản xuất nguyên liệu chè chất lượng cao 80ha. Bên cạnh đó, nghiên cứu tích hợp các công đoạn chế biến chè thành dây chuyền sản xuất đồng bộ, từ đó xây dựng hệ điều khiển tự động hóa dây chuyền theo module để sản xuất chè sao lăn chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chè xanh xao lăn phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, góp phần tiêu thụ nguyên liệu chè tươi cho người dân từ đó mở rộng, phát triển diện tích trồng chè theo đề án “Phát triển vùng nguyên liệu chè tâp trung, chất lượng cao” tại tỉnh Lai Châu, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc khu vực huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu. Ngoài ra, dự án cũng giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giảm thiều thiên tai bằng việc phát triển trồng chè và bảo vệ môi trường.

Để đạt được các mục tiêu trên, dự án tiến hành nghiên cứu thiết kế chế tạo được 01 dây chuyền thiết bị đồng bộ theo module sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn công suất 1.000 tấn chè khô/năm. Dây chuyền gồm 02 module, công suất mỗi module đạt 25 tấn chè tươi/ngày. Dây chuyền được điều khiển tự động hóa gồm: Công đoạn bảo quản chè tươi; công đoạn hấp chè; công đoạn làm khô bề mặt lá chè sau hấp; công đoạn sơ đảo; công đoạn đảo miết; công đoạn vò chè; công đoạn sấy chè; công đoạn sao lăn; công đoạn làm nguội; công đoạn phân loại sản phẩm; công đoạn đấu trộn và công đoạn đóng bao.

Đặc biệt, sản phẩm chè xanh sao lăn được sản xuất đều đạt các chỉ tiêu chất lượng TCVN 9740:2013 (ISO 11287:2011): Chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về vật lý, hóa học, bao gói, ghi nhãn đối với sản phẩm chè xanh và TCVN 3218:2012: Đảm bảo các yêu cầu về chỉ tiêu hàm lượng chất khô có trong sản phẩm chè xanh.

Được biết, trong quá trình thực hiện dự án, để giảm thiểu chi phí đầu tư, Công ty CP Chè Than Uyên sẽ mua từng thiết bị, cụm thiết bị riêng lẻ, rời rạc của công ty Kawasaki Nhật Bản, Trung Quốc và các công ty cơ khí Việt Nam, sau đó sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VIELINA) và các công ty cơ khí Việt Nam để kết nối thành một dây chuyền hoàn chỉnh, đồng bộ và có mức độ tự động hóa cao. Phương án này cho phép phát huy nội lực trong nước, góp phần làm chủ công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí vận hành và bảo trì.

Dự kiến, dự án "Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất nguyên liệu và quá trình sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn chất lượng cao tại công ty cổ phần trà Than Uyên" sau khi hoàn thành sẽ là mô hình nhà máy mẫu cho các Công ty chè tại Việt Nam ứng dụng khoa học và công nghệ, tự động hóa vào sản xuất, chế biến. Khi dự án được ứng dụng thành công sẽ có thể nhân rộng cho toàn bộ khu vực chè Than Uyên và các nơi khác.

Để dẫn chứng cho những tiện lợi trong cải tiến Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất nguyên liệu và quá trình sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn chất lượng cao tại công ty cổ phần trà Than Uyên, chị Chu Thị Khuyên - Quản đốc Nhà máy chế biến chè so sánh: Trước đây, mỗi dây chuyền sản xuất, nhà máy phải bố trí trên 20 người nhưng sau khi được đầu tư hệ thống máy móc thiết bị mới đã giảm còn 5 người. Vào những thời điểm chè chính vụ, khối lượng chè búp tươi lớn, nhà máy phải huy động cả lực lượng đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn cùng tham gia chế biến. Nhưng nay, điều đó đã được khắc phục hoàn toàn.

Ban Quản đốc Nhà máy chế biến chè của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên kiểm tra chế biến chè
Ban Quản đốc Nhà máy chế biến chè của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên kiểm tra chế biến chè

Theo ông Vũ Ngọc Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Trà Than Uyên cho biết, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng công ty vẫn dành nguồn kinh phí hợp lý đầu tư máy móc hàng tỷ đồng với quyết tâm đổi mới mẫu mã, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.Thêm vào đó, công ty cố gắng đến mức tối đa đảm bảo sản phẩm chè sạch, không hóa chất, không thuốc trừ cỏ. Nỗ lực này của công ty được thông báo đến tận người lao động thông qua Hội nghị Người lao động được tổ chức đầu năm. Theo đó, nếu công ty phát hiện hộ nào sử dụng thuốc diệt cỏ sẽ kéo dài thời điểm nâng bậc lương; trong thời gian 360 ngày tiếp tục tái phạm, công ty sẽ sa thải. Công ty tuyên truyền để mỗi người lao động thấu hiểu: Đối thủ cạnh tranh của công ty không phải là các đơn vị cùng ngành nghề mà đó chính là chất lượng sản phẩm. Do đó, chính người lao động tự quyết định được nguồn thu nhập của mình, không phải ai khác.
Với 432ha thuộc vùng chè nguyên liệu, trong năm 2021, công ty dự kiến năng suất đạt 8.000 tấn chè búp tươi tương đương với khoảng 3.000 tấn chè khô. Các đối tác thuộc thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và Pakistan hiện nay liên tục có những đơn đặt hàng gửi đến công ty. Với những tín hiệu khả quan đó, chắc chắn con đường sản xuất kinh doanh chè của công ty sẽ không lặp lại những gian nan và đầy thử thách như trong năm 2020.

Có thể thấy, xét về mặt khoa học, dự án có ý nghĩa to lớn khi có thể làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo hệ thống giám sát điều khiển tự động cho dây chuyền sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn theo hướng nhà máy thông minh, khẳng định được trình độ nghiên cứu khoa học của đội ngũ trong nước trong việc giải quyết những bài toán phức tạp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa. Kết quả thực hiện dự án là một tài liệu tham khảo đáng tin cậy để hợp tác với các doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất trong các lĩnh vực liên quan.

Về hiệu quả kinh tế, dự án góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/ người/ tháng, từng bước ổn định khó khăn do đại dịch. Việc làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo hệ thống giám sát điều khiến tự động sẽ tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu chi phí bảo trì cho doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chè xuất khẩu.

Về hiệu quả xã hội, các kết quả của dự án sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của công nghiệp hóa nước nhà, làm động lực thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó, tạo niềm tin của thị trường đối với các sản phẩm công nghệ cao được nghiên cứu trong nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực tự động hóa. Đồng thời, phát huy được tiềm năng chất xám trong nước, giảm thiểu sự lệ thuộc vào kỹ thuật công nghệ của nước ngoài, từ đó góp phần nâng cao vị thế khoa học công nghệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Di Linh