Cách phân biệt các loại trà Hàn Quốc
Màu sắc: Một trong những cách đơn giản nhất để phân biệt các loại trà Hàn Quốc đó là dựa vào màu sắc của nước trà sau khi pha. Chẳng hạn, trà táo tàu khô - Daechu thì có màu nâu đỏ nhạt... đây là một đặc điểm giúp chúng ta phân biệt các loại trà Hàn Quốc với nhau.
Hương vị: Trường hợp các loại trà Hàn Quốc có màu sắc tương tự nhau thì mùi hương của trà sẽ là yếu tố giúp chúng ta phân biệt chúng. Tùy loại trà sẽ có những hương vị đặc trưng riêng biệt, có loại thì ngọt lịm, có loại thì đắng chát cũng có loại đậm đà vị chua...
Ngoài cách phân biệt các loại trà Hàn Quốc qua màu sắc và hương vị của trà thì chúng ta còn có thể phân biệt các loại trà qua hình dáng của trà trước khi pha. Bên cạnh đó, nồng độ oxy hóa cũng là yếu tố có thể giúp chúng ta phân biệt các loại trà với nhau. Tùy vào từng trường hợp mà bạn có thể chọn cho mình cách phân biệt các loại trà Hàn Quốc sao cho phù hợp.
Top 10 loại trà Hàn Quốc bạn nên thử một lần
Trà xanh Hàn Quốc - Nokcha: Trà xanh (Nokcha) là một trong những loại trà truyền thống của Hàn Quốc và vẫn là sự lựa chọn phổ biến hiện nay của mọi người. Loại trà này rất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ giảm mỡ, tăng cường bổ sung vitamin, giúp chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư. Tùy vào nhiệt độ nước sôi khi hãm mà trà sẽ có hương và vị đắng khác nhau. Theo đó, loại trà Hàn Quốc này nên được hãm ở nhiệt độ từ 60 đến 70 độ C là phù hợp nhất.
Trà mận Maesilcha: Được chế biến bằng cách ủ lên men trái mận cùng với đường và siro maesil. Trà thường được chế biến vào mùa hè và được người Hàn dùng để điều trị bệnh khó tiêu. Nếu trà mận ủ quá lâu sẽ trở thành rượu và mang một hương vị hoàn toàn khác biệt. Loại trà Hàn Quốc này có công dụng thanh nhiệt và cả giữ ấm cơ thể vào các mùa trong năm. Chúng cũng giúp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, giảm mệt mỏi, căng thẳng.
Trà gừng Saenggangcha Hàn Quốc: Do mùa đông kéo dài và thời tiết Hàn Quốc thường khá lạnh nên trà gừng cũng được sử dụng phổ biến và trở thành nét đặc trưng trong văn hóa uống trà của người Hàn. Thức uống thơm ngon này có tác dụng giữ ấm hiệu quả và thúc đẩy tuần hoàn máu. Những lát gừng nhỏ được bỏ vào trà nóng trong khoảng 15 đến 20 phút, thêm vào một chút đường để trà có vị ngọt nhẹ nơi đầu lưỡi.
Trà ngũ vị Omijacha: Như tên gọi, trà ngũ vị Omijacha có 5 vị đặc trưng: đắng, ngọt, chua, mặn và nóng. Thức uống này thường được sử dụng vào mùa hè để giải khát, thanh nhiệt và xua tan mệt mỏi. Ngoài ra, trà còn có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ, chống béo phì, điều hòa huyết áp.
Trà citron - Yooja: Đây là loại trà Hàn Quốc phổ biến ở Mỹ hiện nay. Trà được làm từ nhiều loại quả khác nhau và có vị chua chua cay cay giống như vỏ quýt. Một tách trà Yooja có thể được người Hàn tạo ra bằng cách pha siro trái cây cùng với nước ấm. Bên cạnh đó, trà còn có thể được sử dụng cùng mật ong như một phương thuốc thảo dược giúp chữa cảm lạnh và những bệnh về mùa đông.
Trà táo tàu khô - Daechu: Đây cũng là một trong các loại trà truyền thống của Hàn Quốc và được bày bán rộng rãi tại nhiều cửa hàng và siêu thị. Trà Daechu có màu nâu đỏ nhạt, vị hơi mặn và thường được thưởng thức cùng gà hầm hoặc bánh gạo. Loại trà Hàn Quốc này còn được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, trầm cảm.
Trà kỷ tử - Gugijacha: Như tên gọi, trà Hàn Quốc này được làm từ quả kỷ tử với cách chế biến cũng khá đơn giản. Người Hàn sẽ chuẩn bị một ít quả kỷ tử khô đun sôi trong nước, nếu dùng lá thì sẽ hãm với nước sôi. Sau cùng, trà sẽ được cho thêm một ít mật ong để có được hương vị ngon nhất. Loại trà này có tác dụng chữa mồ hôi trộm, giảm ho, nôn mửa, viêm phổi, đái tháo đường.
Trà Mộc Qua - Mogwacha: Quả mộc qua tuy có hình dáng đẹp và hương rất thơm nhưng lại rất đắng, có vị chát. Vì vậy loại quả này không thể ăn sống và được người Hàn dùng để pha trà. Trà mộc qua thường được pha thêm đường khi sử dụng. Chúng có tác dụng trị bệnh đau họng vào mùa lạnh rất hiệu quả.
Trà hoa cúc Hàn Quốc - Gukhwacha: Đây cũng là một trong những loại trà truyền thống được sử dụng phổ biến ở Hàn Quốc và các nước Châu Á. Nguyên liệu tạo nên loại trà này là những cánh hoa cúc được sấy khô, đem ủ ngập trong mật ong. Sau khoảng 1 tháng, tinh dầu hoa cúc và vị ngọt của mật ong được hòa quyện vào nhau và bạn đã có thể thưởng thức một tách trà dịu ngọt.
Sau khi pha, trà hoa cúc thường được thả thêm những cánh hoa cúc trôi trong tách, mang lại cảm giác thư thái và vô cùng dễ chịu. Loại trà Hàn Quốc này có tác dụng chống cảm lạnh, hỗ trợ ngăn ngừa, điều trị bệnh tăng huyết áp.
Trà nhân sâm INSAM-CHA: Đây là loại trà Hàn Quốc được chú ý hơn cả. Công thức chế biến trà nhân sâm cũng khá đơn giản và dễ dàng. Trà thành phẩm có hương vị rất thanh và thơm, hơi ấm của tách trà mang lại cho cơ thể cảm giác khoang khoái, dễ chịu.
Di Linh (t/h)