Lào Cai: Giữ ổn định vùng nguyên liệu để phát triển sản xuất, kinh doanh

Chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chè nói chung, Công ty Cổ phần chè Thanh Bình - huyện Mường Khương (Lào Cai) nói riêng thời gian qua đã biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, bằng các giải pháp phù hợp, đảm bảo duy trì tốt hoạt động, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Mường Khương là vùng sản xuất chè hàng hóa lớn nhất tỉnh với tổng diện tích chè tập trung hơn 3.000 ha, trong đó có hơn 2.000 ha chè kinh doanh và hơn 1.000 ha chè kiến thiết cơ bản. Từ đầu năm đến nay, người dân trong huyện đã thu hoạch được hơn 18.000 tấn chè búp tươi, giá trị đạt 115 tỷ đồng.

Người dân Mường Khương thu hái chè
Người dân Mường Khương thu hái chè

Công ty cổ phần chè Thanh Bình là doanh nghiệp nông nghiệp thực hiện cổ phần hóa đầu tiên ở tỉnh Lào Cai. Đến nay, tỉnh Lào Cai đã thực hiện cổ phần hóa được tám doanh nghiệp, bảo đảm phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao thu nhập của người lao động, tăng thu cho ngân sách địa phương.

Xây dựng và phát triển vùng chè nguyên liệu ổn định, chất lượng cao để nâng cao giá trị của cây chè; biên chế tổ chức lại các tổ đội sản xuất; chủ động tìm kiếm thị trường… Đây là những giải pháp được Công ty Cổ phần chè Thanh Bình thực hiện trong suốt thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhờ đó mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty được duy trì ổn định. Giá chè thời điểm này trên thị trường xuất khẩu có giảm, nhưng công ty vẫn cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, chè là một trong những cây chủ lực của huyện trong giai đoạn tới. Bên cạnh yếu tố thị trường ổn định thì cây chè phù hợp với trình độ canh tác của người dân và tư liệu sản xuất (đất đai), người dân ít sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên có thể xây dựng thành vùng chè hữu cơ trong tương lai. Ngành nông nghiệp huyện cũng phối hợp với những đơn vị liên quan và doanh nghiệp lấy mẫu sản phẩm để kiểm định 117 chỉ số về chất lượng, nếu đạt thì ngoài các thị trường hiện tại, chè Mường Khương sẽ xâm nhập vào các thị trường cao cấp và “khó tính” như châu Âu, Nhật Bản.

Theo ông Bùi Đức Rạng, Giám đốc Công ty Cổ phần chè Thanh Bình cho biết, công ty không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà xác định phát triển ổn định vùng nguyên liệu là tiêu chí cơ bản. Thậm chí có những năm công ty xác định chỉ cần hòa vốn nhưng vẫn phải giữ được giá nguyên liệu ổn định cho người trồng chè, như vậy sẽ giữ được vùng nguyên liệu để duy trì hoạt động sản xuất.

Hiện, công ty có vùng chè nguyên liệu tương đối lớn tập trung tại 9 xã, với gần 2.000 hộ tham gia và 22 tổ đội sản xuất. Quy trình sản xuất chè được thực hiện theo hướng VietGAP, đủ tiêu chuẩn chế biến chè khô xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Mỹ, Đài Loan và các nước Trung Đông... Hằng năm, sản lượng chè kinh doanh của công ty luôn đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Ngay như trong thời điểm khó khăn hiện nay, công ty vẫn duy trì, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; tính đến hết tháng 7 đã thu mua được trên 5.200 tấn chè búp tươi, sản xuất được 882 tấn chè búp khô, doanh thu đạt trên 39 tỷ đồng. Mọi chế độ, chính sách đối với người lao động, người trồng chè đều được đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Với hướng đi, cách làm phù hợp, Công ty Cổ phần chè Thanh Bình đã góp phần đưa cây chè trở thành một trong những loại cây chủ lực, bền vững trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở huyện Mường Khương. Đây cũng chính là điều kiện để huyện Mường Khương tiếp tục khai thác lợi thế, mở rộng vùng chè nguyên liệu, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới ở các xã trong vùng nguyên liệu, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do dịch covid 19 gây ra.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Vũ Nghi