Lào Cai: Liên kết và hữu cơ chìa khóa nâng tầm thương hiệu chè Phú Nhuận

Sự ra đời của Tổ hội trồng và chăm sóc chè sạch theo hướng hữu cơ thôn Nhuần 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã mở ra hy vọng về tương lai tươi sáng hơn cho cây chè và người dân nơi đây.

Ra mắt Tổ hội trồng và chăm sóc chè sạch theo hướng hữu cơ thôn Nhuần 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Ra mắt Tổ hội trồng và chăm sóc chè sạch theo hướng hữu cơ thôn Nhuần 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Cây chè từ lâu đã là cây chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, việc sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết và chậm chuyển đổi sang hướng canh tác bền vững đang là rào cản lớn.Trước thực trạng đó, sự ra đời của Tổ hội trồng và chăm sóc chè sạch theo hướng hữu cơ thôn Nhuần 1 đã mở ra hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho cây chè và người dân nơi đây.

Xã Phú Nhuận hiện có trên 20 ha diện tích trồng chè, tập trung nhiều tại thôn Nhuần 1. Dù đã có quy hoạch vùng sản xuất, nhưng bà con nông dân vẫn đang đối mặt với không ít thách thức.

Việc liên kết trong sản xuất còn yếu, mạnh ai nấy làm. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, phòng trừ sâu bệnh còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống.

Đặc biệt, xu hướng sản xuất chè hữu cơ - hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và yêu cầu ngày càng cao của thị trường - vẫn chưa thực sự lan tỏa và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ số đông.

Vùng trồng chè xã Phú Nhuận.
Vùng trồng chè xã Phú Nhuận.

Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, khó xây dựng thương hiệu và giá trị sản phẩm chưa tương xứng với công sức người dân bỏ ra.

Trong bối cảnh đó, Tổ hội trồng và chăm sóc chè sạch theo hướng hữu cơ thôn Nhuần 1” ra đời với 14 thành viên ban đầu, quy tụ những hội viên nông dân tiên phong, tâm huyết nhất. Đây không chỉ là nơi tập hợp những người cùng chí hướng mà còn là hạt nhân để lan tỏa những phương thức canh tác mới, bền vững hơn.

Bà Phạm Thị Thêu, người được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng, chia sẻ đầy tâm huyết: "Chúng tôi tha thiết xây dựng được vùng chè thực sự sạch, chất lượng cao để sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách an toàn và tin cậy nhất.

Việc thành lập Tổ hội là cơ hội để bà con được tiếp cận các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật bài bản hơn vào sản xuất. Quan trọng hơn, đây là mái nhà chung để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, hướng đến một vùng chè Phú Nhuận ngày càng sạch và có giá trị cao hơn".

Cùng chung niềm tin, chị Phạm Thị Dần, hội viên của Tổ hội, bày tỏ: "Tham gia Tổ hội, chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế.

Trồng và chăm sóc chè theo hướng liên kết sản xuất chính là cách hiệu quả nhất để đảm bảo chất lượng đồng đều, giảm chi phí đầu vào và cùng nhau tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập tốt hơn cho gia đình".

Mục tiêu của Tổ hội rất rõ ràng: Liên kết sản xuất, chia sẻ kỹ thuật canh tác tiên tiến theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Từ đó, nâng cao chất lượng, gia tăng sản lượng và đặc biệt là giá trị sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về nông sản sạch.

Người dân xã Phú Nhuận thu hoạch chè.
Người dân xã Phú Nhuận thu hoạch chè.

Đây là hướng đi đúng đắn, không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng mà còn là nền tảng để xây dựng thương hiệu chè Phú Nhuận vững mạnh trên thị trường.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ đòi hỏi sự kiên trì, đầu tư ban đầu và kỹ thuật nghiêm ngặt hơn. Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm chè hữu cơ với giá trị xứng đáng cũng là một bài toán cần lời giải.

Sự ra đời của Tổ hội nghề nghiệp trồng chè sạch theo hướng hữu cơ tại thôn Nhuần 1 là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự chủ động, tinh thần hợp tác và khát vọng vươn lên của bà con nông dân Phú Nhuận.

Để Tổ hội hoạt động hiệu quả và thực sự trở thành động lực thay đổi, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời từ các cấp Hội Nông dân, chính quyền địa phương trong việc kết nối khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, cũng như có những chính sách khuyến khích cụ thể cho nông nghiệp hữu cơ.

Chỉ khi những mô hình liên kết sản xuất theo hướng bền vững như Tổ hội được nhân rộng và nhận được sự hỗ trợ thiết thực, cây chè Phú Nhuận mới thực sự vươn xa, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch và hiệu quả.

QUỲNH QUỲNH