Trong năm 2021, tỉnh Lào Cai đã tiến hành thâm canh 2.566ha chè kinh doanh đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu trong đó duy trì 2.202ha, mở rộng 364ha, sản lượng chè búp tươi dự kiến đạt 37.500 tấn. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu, đa dạng mẫu mã sản phẩm. Hiện nay, toàn bộ diện tích chè mở rộng được áp dụng quy trình kỹ thuật trong thiết kế, trồng, chăm sóc, chứng nhận chè VietGAP, chè hữu cơ. Cùng với đó, rà soát, đánh giá hiện trạng vùng nguyên liệu, tập trung thâm canh tăng năng suất, chất lượng chè.
Vùng chè tại tỉnh Lào Cai đã và đang được quy hoạch, tập trung thành từng vùng trọng điểm. Cách làm này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, đồng thời, đảm bảo cho việc quản lý chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu chè bền vững của ngành chức năng được thực hiện sát sao. Đa số các hộ dân đều xác định cây chè là loại cây trồng đem lại hiệu quả về kinh tế và cho nguồn thu nhập ổn định nên đã chủ động, tự giác trồng chè.
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 09 nhà máy và xưởng chế biến chè, tổng công suất khoảng 150 tấn búp tươi/ngày và khoảng trên 300 lò chế biến quy mô hộ gia đình có công suất khoảng 75 tấn búp tươi/ngày. Ngoài số lượng nhỏ sản phẩm sấy khô phục vụ tiêu dùng nội địa, còn lại trên 95% sản phẩm chế biến thành chè xanh, chế biến thô bán cho các nhà máy trong nước hoặc xuất khẩu trực tiếp thông qua các hợp đồng uỷ thác sang thị trường Trung Đông, Đài Loan, Trung Quốc...
Theo thống kê, tại vùng chè Lào Cai, mỗi ha chè bình quân mang lại nguồn thu 50 triệu đồng/năm. Với con số 50 triệu đồng/ha/năm, có thể nhận định cây chè chưa thể là cây trồng để người dân làm giàu, tuy nhiên, đây cũng là con số khả quan, góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân vùng chè thoát nghèo, ổn định kinh tế. Một số vùng chè đầu tư thâm canh, sản xuất hiệu quả như các xã Lùng Vai, Bản Lầu, Bản Xen (huyện Mường Khương), người dân có thể thu về 60 - 70 triệu đồng/ha từ cây chè. Bởi vậy, có thể đánh giá cây chè mang lại giá trị kinh tế ở mức trung bình khá với nông nghiệp nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được việc sản xuất chè còn nhiều khó khăn như công tác quản lý, tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chất lượng sản phẩm hạn chế do chủ yếu sơ chế và xuất khẩu thô.
Trình độ canh tác, hiểu biết về kỹ thuật thâm canh của người dân theo xu hướng an toàn, hữu cơ còn hạn chế, năng suất canh tác, chất lượng còn thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao.
Công nghiệp chế biến sản phẩm chè chậm phát triển nhất là gắn với vùng trồng, năng lực các cơ sở chế biến ở địa phương hạn chế cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực, công nghệ và kỹ thuật sơ chế chưa đảm bảo, hạ tầng cơ sở ở vùng núi khó khăn, sản phẩm không được đa dạng hóa giá trị gia tăng thấp. Kèm theo đó vốn đầu tư còn hạn chế, mức đầu tư ban đầu cao, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, liên kết sản xuất theo chuỗi từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo.
Trong vấn đề tiêu thụ bị tác động bởi thị trường ngày càng cạnh tranh, đặc biệt là thị trường quốc tế, thiếu thông tin giữa các doanh nghiệp về sản phẩm và thị trường, công tác quảng bá, tiếp thị còn hạn chế, giá thành sản phẩm cao.
Trước những thách thức khó khăn trên, để khai thác hết tiềm năng sẵn có của cây chè, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Lào Cai xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lào Cai, quy mô 20 ha/70 hộ tham gia, dự án triển khai thực hiện tại 02 xã (Bản Liền, Tả Củ Tỷ) huyện Bắc Hà, thực hiện giai đoạn 2020-2022.
Mục tiêu của dự án năng suất chè bình quân đạt 3,5 tấn chè búp tươi/ha/năm, tạo ra sản phẩm chè chất lượng, đảm bảo an toàn giá trị thu nhập cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ canh tác của người dân địa phương trong sản xuất nông nghiệp nói chung và canh tác chè nói riêng theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường...
Các địa phương có nhiều diện tích chè, trồng chè mới hiệu quả, giúp người dân có thu nhập ổn định gồm 8 xã của huyện Mường Khương, 7 xã của huyện Bảo Thắng và một số xã của các huyện: Bảo Yên, Bắc Hà và Bát Xát. Từ sản phẩm chè búp tươi, các công ty sản xuất chè trên địa bàn sau khi thu mua chế biến thành sản phẩm chè xanh, chè thô để bán cho các nhà máy trong nước. Ngoài ra, sản phẩm còn được xuất khẩu trực tiếp thông qua nhiều hợp đồng ủy thác sang các thị trường truyền thống như: Trung Đông, Nhật Bản, Đài Loan, bình quan về doanh thu mỗi năm đạt khoảng 135 tỷ đồng.
Để hỗ trợ người dân trong vùng chè ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã hỗ trợ hình thành các tổ, nhóm sản xuất theo hình thức: Diện tích trung bình 10 ha/tổ nhóm; quy mô sản xuất tối thiểu 2.000 m2/hộ và 01 ha/Hợp tác xã, Tổ hợp tác, doanh nghiệp. Các ngành chức năng trên địa bàn sẽ hỗ trợ việc chuyển giao, hướng dẫn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác; đáp ứng tiêu chuẩn tính trên diện tích mỗi 1.000 ha có năng suất và giá trị sản phẩm chè đều cao hơn từ 25% trở lên so với mức bình quân chung toàn tỉnh của năm liền kề trước đó.
Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới dây chuyền chế biến chè Ô long tại các huyện: Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa và Bảo Yên. Tiến hành nâng cấp 02 dây chuyền sản xuất tại huyện Bảo Thắng và Mường Khương để chế biến các sản phẩm chè xanh chất lượng cao, tạo ra các sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu đối với các thị trường khó tính cũng như nâng chất lượng giá trị sản phẩm của chè nguyên liệu.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý chặt chẽ về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong các vùng nguyên liệu. Tập trung rà soát, quản lý quy hoạch hiệu quả với mục tiêu vùng nguyên liệu được sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất chè, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, giúp người dân hiểu được lợi ích của việc trồng chè; thực hiện tốt liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tập huấn nâng cao năng lực của người dân trong sản xuất và tiếp cận thông tin thị trường.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Huy Đức